Đối với các cơ quan công quyền, trước hết là Đảng đóng vai trò trong việc hoạch định và đưa ra các đường lối, chính sách phát triển của đất nước nói chung, của vùng nói riêng. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các đường lối phát triển thích ứng của Đảng đề ra và có kế hoạch trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững. Nhà nước thực
hiện kế hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên bằng cách đưa ra các chính sách, quyết định. Tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương Nhà nước có thể điều tiết, lựa chọn ưu tiên giữa phát triển và bảo vệ tài nguyên. Ở mức độ cao, chính sách, pháp luật quy định những điều bắt buộc mà cá nhân, cộng đồng, cơ quan phải tuân theo. Ở mức độ thấp hơn, các chính phủ thay đổi quan điểm của người dân bằng cách giáo dục người dân của mình về các vấn đề môi trường và có những hỗ trợ vật chất cần thiết để nâng cao năng lực của cộng đồng địa phương để phát triển thích ứng. Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam luôn đặt vị trí quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội. Quan điểm này được thể hiện rõ trong Chỉ thị số 36/CT – TW ngày 25/06/1998: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”. Quyết định số 256/2003/QĐ – TTg, ngày 2/2/2003 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 cũng nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và của mọi người dân”. Bộ Chính trị có Nghị quyết số 41 ngày 15/11/2004 về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hoá - Hiện đại hoá đất nước và Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 34/TTg ngày 22/2/2005 ban hành chương trình hành động của Chính
phủ thực hiện Nghị quyết nói trên. Hiện nay, với việc nâng cao hiệu lực quản
lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành trong vấn đề coi trọng bảo vệ, cải thiện môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của vùng nghiên cứu nói riêng.
Chính quyền địa phương đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Để có thể đưa ra bất kỳ chiến lược phát triển nào cần phải căn cứ vào tình hình thực tế của vùng và chính quyền địa phương là chủ thể đi đầu trong việc thực hiện
bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn một cách bền vững. Một mặt chính quyền địa phương trực tiếp tổ chức thực hiện các chính sách, quyết định của Đảng và Nhà nước sao cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đi đôi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống của vùng. Mặt khác, thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, giáo dục cộng đồng dân cư tham gia thực hiện một cách tích cực các chính sách của Đảng và Nhà nước cùng với đó tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, giáo dục ý thức xây dựng và phát triển môi trường sinh thái nhân văn ở địa phương. Đồng thời, kiên quyết xử lí các vi phạm về môi trường, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về môi trường, kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân về hiện tượng gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường. Đối với Đảng ủy và Chính quyền địa phương của huyện Đan Phượng, hiện nay bên cạnh công tác xây dựng và phát triển vùng, cũng đã và đang quan tâm tới các vấn đề môi trường tại địa phương. Là huyện có tốc độ đô thị hóa rất nhanh nhưng trong quá trình xây dựng và phát triển chính quyền địa phương vẫn luôn quan tâm, chú trọng đến việc tạo dựng một môi trường sống tốt hơn, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường luôn được đặc biệt chú trọng. Điển hình như trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các mô hình ao môi trường, xây dựng các đề án xử lý rác thải ở các xã luôn được địa phương chú trọng. Hiện tại huyện đã quy hoạch và xây dựng được 19 bãi trung chuyển rác thải, không để rác tồn trong khu dân cư gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe và đời sống của người dân. Huyện đang tích cực triển khai xây dựng sự án nhà máy xử lí, chế biến rác thải công suất 100 tấn/ngày lớn nhất tại xã Phương Đình. Ngoài ra, quan tâm đến vấn đề môi trường, chính quyền huyện Đan Phượng và chính quyền cấp xã còn tích cực đầu tư cho công tác giáo dục môi trường tới người dân, thường xuyên tổ chức các hoạt động giữ gìn và bảo vệ môi trường sống xanh
– sạch – đẹp, Ban thường vụ huyện ủy đã ban hành Chỉ thị 06 về “xây dựng, chỉnh trang hạ tầng thôn, phố xanh – sạch – đẹp”....
Đối với các cơ quan chuyên trách về môi trường như Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, trực tiếp là phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng có vai trò quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, khắc phục sự cố môi trường nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, bảo vệ môi trường sinh thái chung.
Nhìn chung việc phát huy vai trò chủ thể của các cơ quan công quyền có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng chính sách phát triển của vùng nhằm giảm thiểu tác động lên môi trường, tạo lập môi trường sinh thái nhân văn bền vững. Việc thường xuyên tổ chức, tuyên truyền, vận động giáo dục người dân nhận thức về thực trạng môi trường sinh thái hiện nay, sự nguy hiểm vấn đề của ô nhiễm môi trường... góp phần thay đổi nhận thức và hành vi trong sinh hoạt, cuộc sống của cộng đồng dân cư nhằm hướng người dân tới việc bảo vệ môi trường sinh thái chung một cách tự giác.