Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế, pháp luật, tăng cường sự quản lý của Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Để làm được điều đó trước hết phải hoàn thiện, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần tập trung vào điều chỉnh một cách đồng bộ, thống nhất các yêu cầu bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Về quản lý nhà nước, cần tập trung thống nhất việc tổ chức công tác quản lý môi trường và phát triển bền vững vì đây được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của công tác này. Ở địa phương thì nên phân cấp quản lý cho các cơ sở tăng cường tiềm lực quản lý và phân công trách nhiệm cụ thể về cấp xã, thôn nhằm đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường ở các cấp một cách hiệu quả, huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn thể người dân. Ngoài ra, cần phải xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức và cộng đồng, đồng thời phân công phân cấp hợp lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững tới từng cấp, từng nhóm cá nhân và các tổ chức xã hội.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, công tác này còn nhiều bất cập, có hiện tượng lơ là, lỏng lẻo, thậm chí có cả những biểu hiện tiêu cực dẫn tới nhiều sai phạm, nhiều đối tượng lợi dụng cơ hội để trục lợi gây thiệt hại lớn về tài nguyên, môi trường, đe dọa lợi ích và sự an toàn cho cộng đồng xã
hội. Do vậy, cần quy định rõ ràng, cụ thể về tổ chức, chức năng, quyền hạn của các cơ quan quản lý, giám sát. Phân cấp rõ ràng trong việc thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường. Quy định và áp dụng các chế tài cần thiết, trong đó đặt trọng tâm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gây ô nhiễm môi trường. Kiên quyết xử lý những biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực môi trường để củng cố niềm tin của nhân dân, nâng cao sự đồng thuận xã hội. Bên cạnh việc hoàn thiện các cơ chế quản lý môi trường trong cơ quan nhà nước cần chú ý đến các thành phần khác trong hệ thống chính trị như Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể... Các cấp chính quyền nên tạo điều kiện cho các Mặt trận và đoàn thể xã hội tham gia quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát công tác bảo vệ môi trường; thực hiện cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong công tác bảo vệ môi trường.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vấn đề môi trường sinh thái góp phần xây dựng ý thức sinh thái nhân văn cho mọi người dân. Công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao trình độ nhận thức của dân cư về lí luận cũng như về việc lí giải các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống. Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục sẽ giúp cho dân cư trong xã hội có cơ hội được tiếp xúc với tri thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của nhân loại nói chung cũng như với những tri thức cơ bản về môi trường nói riêng một cách phong phú, đa dạng và phổ thông nhất. Từ đó, họ sẽ phân loại thông tin và rút ra được những kết luận cần thiết nhằm mở rộng và nâng cao sự hiểu biết của mình về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, trong đó có vấn đề môi trường sinh thái. Theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, bảo vệ và cải tạo môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, vì vậy công tác giáo dục môi trường phải tiến hành hết sức sâu rộng trong các cấp lãnh đạo, và toàn thể nhân dân với những nội dung và hình thức đa dạng. Để làm được điều đó cần phải có kế hoạch, nội dung, chương
trình, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường phổ biến thông tin, phổ cập kiến thức nhằm nâng cao ý thức cho mỗi người và cho toàn xã hội, từ đó nâng cao trách nhiệm của người dân đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái vì sự phát triển bền vững.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, các cá nhân. Cần đào tạo về luật bảo vệ môi trường cho các cán bộ và tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho người dân. Phải chú ý giáo dục từ tình cảm đạo đức, thẩm mỹ đến trách nhiệm và nghĩa vụ công dân đối với việc bảo vệ môi trường. Kết hợp giáo dục môi trường với nhiều nội dung giáo dục khác nhau, đặc biệt, phải kết hợp chặt chẽ với giáo dục dân số – kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm thiểu và kiểm soát tỉ lệ tăng dân số, tạo điều kiện phát triển hài hòa quan hệ con người – tự nhiên – xã hội.
Giáo dục môi trường và phát triển bền vững là một nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên của toàn xã hội. Ngành giáo dục – đào tạp phải đưa giáo dục dân số, môi trường thành bộ môn khoa học chính thống ở các trường học với nội dung và hình thức phù hợp ở mỗi bậc học, ngành học.
Để công tác giáo dục môi trường đạt kết quả thì trước hết cần phải đào tạo nguồn nhân lực về môi trường, mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công tác bảo vệ môi trường tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu. Phải bồi dưỡng đào tạo cán bộ truyên trách, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đào tạo có quy mô đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, đội ngũ tình nguyện viên nhằm nhanh chóng đưa thông tin và kiến thức bảo vệ môi trường đến người dân, từ đó nhanh chóng tạo ra sự chuyển biến từ nhận thức tới hành vi của cộng đồng trong bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái nhân văn của vùng nói riêng, của toàn xã hội nói chung.
Đối với công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về môi trường sinh thái cho cộng đồng cần: Tổ chức và duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng; Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, xã hội, mạng lưới y tế xã phường trong hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư, phát huy có hiệu quả và nhân rộng mạng lưới tình nguyện viên làm công tác bảo vệ môi trường; Tổ chức và duy trì các phong trào bảo vệ môi trường thiết thực gắn với lợi ích của cộng đồng. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình về bảo vệ môi trường. Đưa môi trường sinh thái nhân văn trở thành một trong những tiêu chí xây dựng làng văn hóa, địa phương tiên tiến...; Tăng cường xuất bản các ấn phẩm giáo dục, truyền thông và thông tin môi trường, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phục vụ công tác truyền thông môi trường...
Thứ ba, cần phải tăng cường tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn, tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các hoạt động này, thông qua đó trực tiếp giáo dục ý thức sinh thái nhân văn tới mỗi người dân trong cộng đồng.
Đối với công tác tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, mặc dù các đoàn thể và tổ chức xã hội tại huyện Đan Phượng đã và đang cố gắng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia, tuy nhiên do còn nhiều thiếu sót nên kết quả đạt được nhìn chung vẫn chưa cao. Để có thể thực hiện tốt vai trò của mình, các đoàn thể và tổ chức xã hội cần phải chủ động, tích cực tăng cường năng lực của mình. Những năng lực đó là: năng lực hiểu biết – trí lực tức là không ngừng nâng cao hiểu biết về các quy định của trung ương và địa phương, kiến thức về vấn đề môi trường sinh thái nhân văn; năng lực tổ chức cho hội viên và các thành viên tham
gia vào các hoạt động thực tế bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn tại địa phương; năng lực sáng tạo các mô hình cộng đồng, các hình thức tuyên truyền giáo dục cũng như các hình thức tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái; năng lực tư vấn, phản biện, giám sát các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển của vùng.
Đối với các hoạt động được tổ chức cần đa dạng hóa về mặt hình thức, tổ chức và nội dung hoạt động để mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động. Gắn các hoạt động bảo vệ môi trường với lợi ích trực tiếp của người dân, tuyên truyền để người dân thấy được sự nguy hiểm của các vấn đề môi trường đến cuộc sống của họ để mỗi người tự ý thức tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng.