- Về cơ chế chính sách
2.2.4.2. Nguyên nhân
DNVVN tỉnh Quảng Ngãi tuy chủ yếu mới hình thành và phát triển nhưng đã đạt được một số kết quả bước đầu, có vị trí trong nền kinh tế của tỉnh là do:
+ Nguyên nhân khách quan
Môi trường pháp lý đã được thông thoáng, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã sát đúng với thực tiễn, đi vào cuộc sống, làm cho các chủ hộ và chủ DN tin tưởng, phấn khởi, đầu tư phát triển SXKD. Đặc biệt là từ khi có Luật DN, thủ tục ĐKKD và thành lập DN trở nên đơn giản rất nhiều, Nhà nước đã quyết định bỏ hàng loạt giấy phép của Bộ, ngành gây cản trở cho SXKD.
Tình hình phát triển kinh tế chung của cả nước cũng như của Quảng Ngãi đã mở ra những cơ hội làm ăn mới cho các DN. Tình hình vi phạm pháp luật: lừa đảo, gian lận thương mại,... ở Quảng Ngãi không nhiều và không nghiêm trọng.
+ Nguyên nhân chủ quan
Về mặt quản lý, tỉnh đã quy hoạch và có kế hoạch phát triển kinh tế, xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm cụm xã để các DNVVN có cơ sở đầu tư SXKD đúng hướng, đúng địa điểm, phát huy được lợi thế tiềm năng kinh tế của tỉnh và đạt hiệu quả kinh doanh cho DN.
Về mặt tâm lý xã hội, các cơ quan chính quyền, đoàn thể,... và nhân dân trong tỉnh bước đầu có nhận thức đúng về vai trò của DNVVN, đặc biệt là DN ngoài quốc doanh trong nền kinh tế địa phương, trong vấn đề giải quyết việc làm nên đã thực hiện một số chính sách ưu đãi đối với loại hình DN này.
Các ngành có liên quan đến sự phát triển DNVVN của tỉnh như Sở Kế hoạch Đầu tư, Cục thuế, Sở Địa chính,... tuy chưa tham mưu đề xuất thật đầy đủ cho các cấp chính quyền đề ra kế hoạch, giải pháp phát triển DNVVN nhưng về cơ bản đã thực hiện đúng luật, các văn bản dưới luật, ít gây phiền hà cho sự hoạt động và phát triển của các DNVVN. Và trong mức độ nhất định các DNVVN đã được sự giúp đỡ trong SXKD như đất đai, tín dụng, chính sách ưu đãi về thuế,... Cơ quan ĐKKD của tỉnh đã thu nhận hồ sơ và giải quyết nhanh chóng, đảm bảo đúng và sớm hơn thời gian quy định của Luật.
Nhân dân Quảng Ngãi vốn chịu khó hay làm, giàu tính sáng tạo, nắm bắt nhanh đường lối đổi mới của Đảng trong nền kinh tế thị trường nên đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào SXKD, vươn lên làm giàu, nhất là khi họ thấy được sự đóng góp của mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, được mọi người đánh giá đúng mức.
- Nguyên nhân của những tồn tại
DNVVN của tỉnh Quảng Ngãi phát triển chậm, còn nhỏ bé là do những nguyên nhân sau:
+ Nguyên nhân khách quan
Môi trường kinh doanh chưa thật sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp: giữa DNNN với doanh nghiệp và công ty tư nhân; giữa doanh nghiệp với các hộ cá thể trong các vấn đề như cho thuê đất, thuế, vay vốn ngân hàng.
Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo, thu nhập người dân còn thấp (năm 2000 bình quân đầu người đạt 2.640 ngàn đồng, tương đương 192USD) [13, tr. 14] nên sức mua và quy mô thị trường nội tỉnh bị hạn chế; khả năng đầu tư vốn vào SXKD còn thấp.
Kinh tế địa phương chưa phát triển, các khu công nghiệp chưa phát huy được vai trò đầu tàu đẩy nền kinh tế. Kinh tế nhà nước địa phương chưa đủ mạnh để lôi kéo các thành phần kinh tế khác. Các DN lớn của Trung ương đóng trên địa phương tuy phát triển nhưng cũng chưa là hạt nhân liên doanh, hợp tác với các DNVVN để hỗ trợ cùng cạnh tranh và phát triển.
Hệ thống khuôn khổ pháp lý, mặc dù Luật Doanh nghiệp được ban hành năm 1999, có hiệu lực ngày 01-01-2000 nhưng cho đến nay vẫn còn thiếu những văn bản như văn bản quy định về cơ quan xác nhận vốn pháp định đối với một số ngành nghề đòi hỏi phải có vốn pháp định như Luật Doanh nghiệp và Điều 5 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 03-02- 2000 của Chính phủ quy định. Điều đó gây ách tắc trong việc các doanh nghiệp đăng ký ngành nghề nói trên. Đối với ngành nghề phải có chứng chỉ ngành nghề như kinh doanh dịch vụ pháp lý, dịch vụ khám, chữa bệnh, kinh doanh dược phẩm,... các Bộ, ngành Trung ương chưa có văn bản quy định về cấp chứng chỉ ngành nghề kinh doanh theo quy định tại Điều
6 Nghị định số 03/2000/NĐ-CP ngày 03-02-2000 của Chính phủ. Công tác kiểm tra, thanh tra sau ĐKKD chưa có văn bản hướng dẫn,... Chưa có hệ thống chính sách riêng áp dụng cho DNVVN.
+ Nguyên nhân chủ quan
Về phía Nhà nước, mặc dù cấp ủy Đảng đã có chuyển biến tích cực về quan điểm
và thái độ đối với kinh tế tư nhân và DNVVN, nhất là việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), nhưng chưa có chiến lược phát triển rõ ràng, chưa có Chỉ thị, Nghị quyết và các văn bản cụ thể để chỉ đạo, định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế tư nhân. Việc tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá tình hình và bàn chủ trương biện pháp cụ thể để phát triển DNVVN chưa được quan tâm.
Công tác điều hành quản lý DNVVN còn nhiều hạn chế, phiền hà như công tác quản lý DNVVN còn rời rạc, chia cắt từng mảng, chưa có cơ quan xâu đầu mối giúp UBND tỉnh quản lý, chỉ đạo một cách hệ thống, đồng bộ; việc tiếp xúc, giải quyết công việc của một số cơ quan nhà nước đối với doanh nhân nhìn chung chưa có sự chuyển biến đáng kể, còn gây phiền hà, mang tính ban ơn hơn là trách nhiệm; công tác thanh tra, kiểm tra còn nhiều chồng chéo không cần thiết, gây khó khăn trở ngại cho DN; ...
Về phía doanh nghiệp, tiềm lực vốn của các DN còn hạn chế, việc vay vốn của các
kinh tế tư nhân còn rất hạn chế và khó khăn, nhất là vay vốn ưu đãi càng khó khăn và hiếm. Do quy mô nhỏ, vốn ít nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ,... Trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ quản lý DN cũng như trình độ tay nghề của đội ngũ công nhân còn thấp. Trình độ công nghệ của nhiều doanh nghiệp còn lạc hậu, chậm đổi mới nên năng lực sản xuất, tính cạnh tranh bị hạn chế.
Hệ thống thị trường chưa được khơi dậy và phát triển đi đôi với sức cạnh tranh của hàng hóa của DNVVN thấp nên sản phẩm làm ra khó tiêu thụ.
Một số ít chủ DN không tuân thủ pháp luật, chỉ thấy lợi trước mắt nên buôn lậu, làm hàng giả, chậm nộp thuế hoặc nợ thuế kéo dài, vi phạm hoạt động ngành nghề kinh doanh có điều kiện làm ảnh hưởng đến nhiều DN làm ăn chân chính, làm cho xã hội nhìn
các DN của kinh tế tư nhân với con mắt nghi ngờ, thiếu thiện chí, gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Chương 3
Quan điểm và những giải pháp chủ yếu nhằm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ
trên địa bàn tỉnh quảng ngãi
Các DNVVN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã hình thành và đang từng bước phát triển, là một lực lượng kinh tế quan trọng không thể thiếu trong tổng thể nền kinh tế nhiều thành phần của tỉnh vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nhận thức sâu sắc vị trí vai trò của DNVVN trong nền kinh tế. Tuy nhiên trong phát triển DNVVN trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều điểm chưa thuận lợi, khó khăn. Để khắc phục những hạn chế, tồn tại đó nhằm thúc đẩy sự phát triển DNVVN cần phải có quan điểm định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển DNVVN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi một cách rõ ràng, khoa học.