Công nghệ là một trong những yếu tố then chốt, quyết định sự thành bại của mỗi DN trong cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, một trong những vấn đề lớn đối với các DNVVN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là trình độ công nghệ thấp dẫn đến chất lượng thấp, khả năng cạnh tranh kém. Vì vậy đổi mới công nghệ ở các DNVVN và các làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Ngãi là vấn đề cấp bách nhưng cũng vô cùng khó khăn. Để có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế vừa đảm bảo được các mục tiêu xã hội khi giải bài toán "công nghệ" này chúng ta cần có những giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ từ chiến lược phát triển DNVVN.
Đối với DNVVN, điều quan trọng trong việc thay đổi công nghệ là lựa chọn và ứng dụng công nghệ thích hợp, không nhất thiết cứ phải là công nghệ hiện đại, mà cần tìm loại công nghệ thích hợp với khả năng về vốn, trình độ công nhân cũng như trình độ quản lý của chủ DN nhưng cũng phải phù hợp với xu thế hiện đại.
Tỉnh cần phải có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ các DNVVN trong việc thay đổi công nghệ:
+ Tạo môi trường thuận lợi cho DNVVN đổi mới công nghệ.
Phổ biến và hỗ trợ thông tin để các DN nắm bắt kịp thời về công nghệ mới, giúp DN lựa chọn đánh giá công nghệ.
Tạo điều kiện để các DNVVN nhập cuộc thị trường, qua đó sẽ làm tăng sự cạnh tranh và tạo ra động lực thúc đẩy đổi mới công nghệ.
UBND tỉnh và các ngành chức năng trợ giúp tác động tạo áp lực ở mức cần thiết để các DN phải sớm thay đổi công nghệ tiên tiến - thiết bị hiện đại thông qua các văn bản pháp quy của tỉnh như quy định về thời gian, thời hiệu đình chỉ hoạt động đối với các DNVVN sử dụng công nghệ cần thay thế, loại bỏ công nghệ tạo mức độ ô nhiễm môi trường môi sinh lớn.
Cho phép các DNVVN đầu tư máy móc thiết bị mới được tiến hành trích khấu hao nhanh. Theo kinh nghiệm của một số nước, đây là một trong những biện pháp ưu đãi thuế thành công nhất được sử dụng để khuyến khích các DN đầu tư thiết bị và máy móc mới [3, tr. 137].
+ Khuyến khích DNVVN chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ thông qua nguồn vốn vay các dự án đổi mới công nghệ với lãi suất ưu đãi.
+ Khuyến khích các hợp đồng thuê tài chính, bán trả góp để các DNVVN có thể đổi mới hoặc nâng cấp MMTB mới một cách tốt hơn.
+ Mở rộng các hoạt động cho thuê MMTB. Đây là giải pháp phù hợp với thực trạng không đủ tài sản thế chấp và năng lực lập dự án của DNVVN.
+ Tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng các dự án đầu tư đổi mới công nghệ. Hầu hết DNVVN hạn chế về khả năng này nên UBND tỉnh và các ngành chức năng giúp DN làm tốt khâu phân tích môi trường kinh doanh và công nghệ, phân tích thực trạng công nghệ của DN..., xác định cho DN mục tiêu đổi mới công nghệ để thẩm định và lựa chọn dự án đầu tư đổi mới DN phù hợp, hiệu quả.
+ Phải có chính sách ưu đãi thỏa đáng như bố trí việc làm, ưu đãi về nhà ở, giảm giá tiền đất xây dựng nhà ở... quan tâm tạo điều kiện làm việc ở tỉnh cũng như tự nguyện về làm việc tại tỉnh Quảng Ngãi, nuôi dưỡng và từng bước hình thành đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn của tỉnh.
+ Phải có chiến lược, kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật đồng bộ, tương ứng với chiến lược, kế hoạch đổi mới công nghệ để có thể vận hành và phát huy ngay hiệu quả của công nghệ mới, của MMTB hiện đại.
Về môi trường, với đa số công nghệ cũ, thiết bị lạc hậu của các DN và với nhận thức chưa đầy đủ, đúng đắn của các nhà quản lý sản xuất, người sử dụng lao động nên hầu hết các cơ sở sản xuất trong tỉnh đều không đảm bảo được các quy định về bảo vệ môi trường, làm cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là các cơ sở chế biến thủy sản,
hóa chất, sản xuất gạch ngói... đã tác động rất xấu đến sức khỏe con người. Để giải quyết vấn đề này cần phải:
+ Trước hết cần tuyên truyền, giáo dục cho các cơ sở sản xuất nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tính cấp thiết của vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Từ đó, yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đúng luật môi trường.
+ Xây dựng các khu công nghiệp, di dời các DN gây ô nhiễm môi trường nặng để tập trung xử lý môi trường.
+ Tăng cường công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy chứng nhận kiểm soát ô nhiễm, giấy phép về môi trường, đồng thời đẩy mạnh hoạt động thanh tra môi trường.