2.4.1. Nhận xét
Khoán hộ là một hiện tượng độc đáo, sáng tạo của Kim Ngọc – Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Xung quanh vấn đề khoán hộ có rất nhiều ý kiến khác nhau, bởi mỗi người sẽ nhìn nhận vấn đề này ở góc độ khác nhau.
Có ý kiến cho rằng khoán hộ là một chủ trương sáng tạo, khoa học và cần được mở rộng. Nhưng có ý kiến cho rằng khoán hộ là đi ngược lại chủ trương tập thể hóa xã hội chủ nghĩa đưa nông dân trở về con đường làm ăn riêng lẻ theo chế độ tư bản. “Khoán hộ thực chất là trở lại cách làm ăn cá thể. Nó phá vỡ nội dung của phong trào hợp tác hoán nông nghiệp, làm cho hợp tác xã chỉ còn là hình thức. Nó không những sai lầm về phương pháp quản lý mà còn trái với đường lối hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng và của Nhà nước…”.
Tuy nhiên chủ trương khoán hộ của Kim Ngọc đã được phổ biến rộng rãi vào thực tiễn nông nghiệp ở Vĩnh Phúc. Trong phát triển kinh tế, mà chủ yếu là nông nghiệp, Vĩnh Phúc đã đạt những thành tích nổi bật, đó là:
Sự chỉ đạo phát triển nông nghiệp của tỉnh đi đúng hướng chỉ đạo của Trung ương, đồng thời phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương: Phát triển nông nghiệp toàn diện cả chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản để đảm bảo yêu cầu số một là cung cấp lương thực, thực phẩm cho đời sống nhân dân và làm nghĩa vụ đầy đủ cho Nhà nước.
Trong phát triển nông nghiệp vừa chú trọng cây lúa, nhưng đồng thời hết sức quan tâm cây màu. Bởi vậy, tỷ lệ màu của tỉnh luôn có vị trí xứng đáng trong tổng sản lượng lương thực quy thóc.
Luôn luôn trăn trở để củng cổ, hoàn thiện quan hệ sản xuất bằng cách cải tiến quản lý trên ba mặt phương diện quan trọng nhất của hợp tác xã nông nghiệp: “Quản lý sản xuất; quản lý lao động; quản lý tài vụ”.
Tiếng lành đồn xa, trước kết quả thành công của khoán hộ đã thu hút nhiều địa phương trong cả nước đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo. Khoán hộ là một sự sáng tạo đúng đắn, khoa học và tiến bộ. Nó không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển nông nghiệp Vĩnh Phúc mà còn góp phần vào việc mở hướng cho khoán sau này. Qua thời gian vấn đề khoán hộ đã được nhận thức đúng đắn hơn: “Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc – một người có tâm huyết, dám đưa cái mới vào trong nông nghiệp. Đến bây giờ đất nước có sự phát triển là nhờ lúa gạo mà anh Kim Ngọc đã tiên phong…” [18].
Ghi nhận công lao của ông, Đảng và Nhà nước đã truy tặng Kim Ngọc huân chương độc lập hạng nhất. Năm 1995, để tỏ lòng biết ơn Kim Ngọc, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng nhiều công trình mang tên ông. Nhiều người gọi ông là cha đẻ của khoán hộ, cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp.
2.4.2. Bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, khi thực hiện đường lối của Đảng phải nghiêm túc thực hiện, có sự sáng tạo, không dập khuôn máy móc mà biết kết hợp với hoàn cảnh của địa phương. Chủ trương khoán hộ của Kim Ngọc là một sự sáng tạo, đúng đắn trên cơ sở thực hiện đường lối chung của Đảng.
Thứ hai, khi xây dựng chủ trương chính sách phải xuất phát từ lợi ích của dân, do dân và vì dân. Khoán hộ chính là sự kết hợp khéo léo giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, sớm chỉ ra cho dân thấy khoán hộ trước hết là sự phục vụ quyền lợi của nhân dân.
Thứ ba, chính sách khoán hộ ra đời đã để lại bài học khi thực hiện chủ trương chính sách của Đảng phải bảm sát thực tiễn và theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tránh những lệch lạc, sai lầm về đường lối và bài học về quản lý hợp tác xã, tránh bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ Đảng viên.
Vĩnh Phúc là tỉnh có cả đồng bằng, trung du và đồi núi, có hệ thống sông ngòi chảy qua đồng đều trên khắp địa bàn, nhân dân có truyền thống sản xuất nông nghiệp cho nên Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong nông nghiệp cần phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, cân đối, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới một nền nông nghiệp sạch phát triển bền vững.
Cần ưu tiên phát triển 6 cây (lúa, ngô, dâu tằm, rau, hoa, quả) và 3 con (lợn, bò, thủy sản), cần phải chú trọng trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng, cải tạo ao hồ, vùng đất trũng, cứng hóa kênh mương, xây dựng các công trình thủy lợi và chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp.
Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm.
Chuyển từ độc canh cây lương thực sang tập trung đầu tư, hình thành các vùng chuyên canh cây trồng như lúa, hoa, rau sạch.
Phát triển kinh tế trang trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, vốn, kỹ thuật nhằm góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
KẾT LUẬN
Chính sách khoán hộ ra đời trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ thực hiện chiến tranh phá hoại lần thứ nhất trên dịa bàn tỉnh nên đã rút đi một lực lượng lao động lớn phục vụ chiến đấu, làm cho sản xuất nông nghiệp lâm vào tình trạng thiếu lao động, đồng thời trên địa bàn tỉnh lúc đó việc sử dụng lao động không hợp lý, không hiệu quả còn khá nhiều, vấn đề đặt ra làm thế nào để có thể sử dụng lao động một cách có hiệu quả, phục vụ đắc lực cho sản xuất. Chính sách khoán hộ đã đánh dấu bước mở đầu của quá trình chuyển đổi trong quản lý lao động nông nghiệp nước ta.
Khoán hộ đã tận dụng được lao động trong mỗi hộ để tiến hành sản xuất, khắc phục tình trạng quản lý lao động nông nghiệp theo kiểu công nghiệp, tức là làm theo hiệu lệnh kẻng của hợp tác xã.
Khoán hộ là bước khởi đầu cho một tư duy mới về quản lý kinh tế hợp tác xã. Bới nó khắc phục điều vô lý là khi xây dựng hợp tác xã, người ta coi hộ là yếu tố cơ bản để tính quy mô hợp tác xã, phân bố tư liệu sản xuất, giao chỉ tiêu sản xuất kinh doanh… Nhưng trong quá trình sản xuất lại tách hộ khỏi tư liệu sản xuất cơ bản nhất; do vậy đã triệt tiêu động lực của sự phát triển và vì thế sản xuất kinh doanh kém hiệu quả.
Trong điều kiện nền nông nghiệp Việt Nam nói chung còn sản xuất ở quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp kém, lao động thủ công, năng suất thấp, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất yếu kém… thì khoán cho hộ với nhiều hình thức khác nhau là phù hợp cả về tâm lý, về trình độ quản lý điều hành của cán bộ lãnh đạo và phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất hiện tại.
Khoán hộ cũng khắc phục tình trạng “rong công phóng điểm” của các hợp tác xã; khắc phục một bước tình trạng vô chủ trong quản lý tư liệu sản xuất và hạn chế nạn tham ô chè chén ở các đội sản xuất và hợp tác xã nông nghiệp.
Khoán hộ đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhận được sự ủng hộ rất lớn của đông đảo quần chúng nhân dân bởi nó đã tạo ra những biến đổi trong kinh tế, trong xã hội. Trong báo cáo tổng kết của ban chỉ đạo nông nghiệp năm 1967 đã khẳng định: “Thắng lợi năm qua có ý nghĩa lớn là trong điều kiện địch đánh phá vào một số vùng ác liệt hơn so với các năm, nhưng chúng ta vẫn có nhiều điển hình thâm canh tốt và phát triển đều, rộng hơn. Thắng lợi đó cũng đã tạo cho nền nông nghiệp tỉnh ta thế đi lên nhằm khắc phục dần sự mất cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi”.
Chủ trương “khoán hộ” của Kim Ngọc đề ra đã đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tạo động lực mạnh mẽ, khuyến khích xã viên sản xuất. Nhờ thực hiện chính sách khoán hộ mà đời sống của nhân dân đã khấm khá hẳn lên, từng bước có sự thay đổi so với trước.
Những hạt nhân hợp lý của “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc như “khoán đến nhóm và người lao động”, “khoán sản phẩm” …đã được áp dụng sâu rộng trong thực tiễn sản xuất. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các quan đểim của Đảng chỉ đạo định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn trong Nghị quyết 100, Nghị quyết 10 và nhiều nghị quyết liên quan khác đã chuyển tải cơ bản các quan điểm, tinh thần đã được Nghị quyết 68 nêu ra trước đây. Điều đó như một minh chứng cho sự sáng tạo, năng động trong tư duy đổi mới về kinh tế nông nghiệp ở Vĩnh Phúc từ những năm 60 của thế kỷ trước.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2000), Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Phúc, (1928-1968), tập 1.
2. Ban chấp hành Đảng bộ Vĩnh Phúc (1995), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội.
3. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2001), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nxb CTQG, Hà Nội.
4. Ban chấp hành tỉnh Vĩnh Phúc – Ban nông nghiệp (1967), Kế hoạch chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 68 của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
5. Ban chấp hành tỉnh Vĩnh Phú (1969), Bài nói của đồng chí Trường Chinh tại hội nghị cán bộ của tỉnh Vĩnh Phú ngày 6-11-1968.
6. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc (2007), Lịch sử Đảng bộ Vĩnh Phúc (1930 – 2005), Nxb CTQG, Hà Nội.
7. Lê Duẩn (1979), Về hợp tác hóa nông nghiệp, Nxb Sự thật Hà Nội.
8. Đảng lao động Vĩnh Phúc, Ban chấp hành tỉnh Vĩnh Phúc (1965), Kế hoạch tiếp tục tiến hành một bước mới cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, cải tiến kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp.
9. Đảng lao động VIệt Nam, Ban chấp hành tỉnh Vĩnh Phúc (1966), Nghị quyết của Ban thường vụ tỉnh ủy về vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay.
10. Chử Văn Lâm, Nguyễn Thái Nguyên, Phùng Hữu Phú, Trần Quốc Toản, Đặng Thọ Xương (1922), Hợp tác hoá nông nghiệp Lịch sử - vấn đề - triển vọng, Nxb Sự thật, Hà Nội.
11. Lý luận về hợp tác hóa: Kinh nghiệm lịch sử và sự vận dụng ở nước ta
12. Nguyễn Thị Hồng Mai (2008), Tìm hiểu khoán hộ trong nông nghiệp ở Vĩnh Phúc trước đổi mới, Tạp chí lịch sử Đảng.
13. Kim Ngọc (1966), Mấy biện pháp chủ yếu để giải quyết lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, kho lưu trữ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc.
14. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Tỉnh ủy (2010), Các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ (1940-2010), Công ty in Dũng Thái Tuấn, Hà Nội.
15. Tỉnh ủy Vĩnh Phú (1970), Báo cáo tổng kết năm 1969.
16. Tỉnh ủy Vĩnh Phú (1972), Báo cáo tổng kết năm 1971.
17. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (1968), Lược ghi bài nói chuyện của đồng chí Kim Ngọc bí thư Tỉnh ủy tại hội nghị tỉnh ủy mở rộng (từ ngày 21-26/4/1968). 18. Thái Duy (1966), “Ông Kim Ngọc đã được truy tặng Huân chương Độc
lập hạng Nhất”, Báo Đại đoàn kết, (47), tr.1.
19. Đức Trung (2006), “Cái giá phải trả của việc đi trước thời gian”, Báo dân trí, tr.1-3.