Ngày 10 - 4 - 1967, Ban nông nghiệpVĩnh Phúc đã đề ra: “Kế hoạch chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 68 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ngày 10 - 9 - 1966”. Kế hoạch chỉ rõ: “Các cấp ủy Đảng, từ tỉnh xuống huyện, xã, hợp tác xã, mỗi đồng chí Tỉnh ủy, huyện, thị ủy, Đảng ủy phải đích thân xây dựng chỉ đạo riêng và giúp đỡ một hợp tác xã hay một đội sản xuất điển hình về công tác quản lý lao động kết hợp với chỉ đạo xây dựng chi bộ bốn tốt. Trong một thời gian ngắn, mỗi huyện, thị ủy phải tổ chức tổng kết một số hợp tác xã điển hình tốt về công tác quản lý lao động để phổ biến kinh nghiệm” [4, tr.2].
Ngày 14 - 4 - 1967, Ban quản lý hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh ra bản kế hoạch số 16-BHTXSX/NNG hướng dẫn tỉ mỉ về ba khoán trong các hợp tác xã. Ở bản kế hoạch này có đầy đủ các biểu mẫu hướng dẫn và các nội dung khoán việc cho từng lao động, từng hộ, kể cả các định mức kinh tế, yêu cầu chất lượng và cách thanh toán công sau khi đã nghiệm thu kết quả. Tiếp đến ngày 15 - 4 - 1967, Ban nông nghiệp Tỉnh ủy ra bản kế hoạch số 52-KH về “Tiến hành khoán việc cho lao động, cho hộ, cho nhóm trong hợp tác xã nông nghiệp” [6, tr.358].
Trong bản kế hoạch trên, sau khi nêu mục đích, yêu cầu của phân công lao động và khoán việc, đã xác định sáu nội dung cơ bản của khoán việc trong các hợp tác xã nông nghiệp. Ở nội dung thứ nhất, bản kế hoạch nêu lên 4 loại tính chất công việc khác nhau để phân công lao động và khoán, đó là:
Những việc có tính chất chuyên nghiệp và đòi hỏi kỹ thuật thì phân công cố định người và việc lâu dài, khoán dài ngày như làm gạch, thợ rèn, thợ mộc…
Những việc sản xuất trên diện tích lớn, phải sử dụng nhiều lao động và quá nhiều khâu thì khoán cho lao động hoặc cho hộ từng khâu hoặc suốt cả vụ như cày, bừa, cấy…
Những việc có tính chất tạm thời như làm đường, thủy lợi thì giao khoán cho nhóm.
Những công việc có tính đột xuất như chống hạn, trừ sâu… thì huy động tất cả lao động cùng làm nhưng khi làm cũng khoán việc.
Đến cuối tháng 4 - 1967, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị bồi dưỡng về triển khai ba khoán và khoán việc cho lao động, cho hộ, cho nhóm đối với một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các huyện, thị và thủ trưởng các cơ quan xung quanh. Trên cơ sở quán triệt tinh thần của ba khoán các huyện đã triển khai nhiệm vụ trong vụ mùa 1967. Tới tháng 10 - 1967, trong báo cáo số 71, ngày 10 - 10 - 1967, Tỉnh ủy nhận xét: “Từ sau Hội Nghị 4 - 1967, việc thực hiện Nghị quyết về lao động (tức Nghị quyết 68-NQ/TU) đã có những chuyển biến mới. Các ban Thường vụ huyện ủy đều đã thực hiện phân công chỉ đạo làm điểm và thông qua điểm hầu hết các huyện đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ cho các Bí thư đảng ủy xã đến đội trưởng sản xuất. Đồng thời huyện và xã đã liên tiếp mở các hội nghị bồi dưỡng về phương pháp tổ chức khoán cho quản trị, đội trưởng sản xuất… Do đó, việc tổ chức lao động trong các hợp tác xã đến nay đã đạt được kết quả bước đầu. Phong trào ba khoán đã phát triển rộng khắp các hợp tác xã và từng bước được nâng cao về chất lượng. Tính đến cuối năm 1967 đã có 76% số đội sản xuất đã thực hiện được khoán việc cho lao động” [6, tr.359].
Tỉnh ủy Vĩnh Phúc kết hợp với Ban nông nghiệp tỉnh đã nêu lên mục đích, yêu cầu thực hiện Nghị quyết 68, phải giúp đỡ các địa phương, các hợp tác xã thực hiện tốt Nghị quyết 68. Để quán triệt thực hiện Nghị quyết đi vào sản xuất, Tỉnh ủy và Ban nông nghiệp Vĩnh Phúc vạch ra từng bước và thời gian thực hiện. Trong một vụ sản xuất, từ 3 đến 6 tháng phải thực hiện được những điều cơ bản trong Nghi quyết 68, cụ thể chia làm ba bước:
Bước 1 (thời gian từ 1 đến 2 tháng): Kiểm điểm tình hình chỉ đạo công tác quản lý lao động, chỉ ra những điểm mạnh, yếu của hợp tác xã; học tập nghị quyết, có liên hệ kiểm điểm sâu sắc và ý thức tư tưởng, tinh thần trách nhiệm, đề ra phương hướng nhiệm vụ khắc phục, có phân công chỉ đạo cụ thể xuông từng đội sản xuất và các ngành, trọng tâm là phải giải quyết được vấn đề định mức lao động, giao và thực hiện kế hoạch ba khoán, tổ chức khoán việc đối với công tác dài ngày cho lao động, cho hộ và nhóm.
Bước 2 (thời gian từ 2 đến 3 tháng): Mở rộng thực hiện kế hoạch khoán ra khắp các đội sản xuất, đồng thời nghiên cứu, chỉ đạo thực hiện kế hoạch khoán ra các đội ngành nghề, chăn nuôi. Mở rộng điểm và diện thâm canh, tăng năng suất lao động, mở rộng thêm các ngành nghề, áp dụng rộng rãi các công cụ cải tiến.
Bước 3 (thời gian từ 15 đến 30 ngày): Dựa vào sơ kết các bước 1, 2, tổng kết thực hiện, rút kinh nghiệm trên cơ sở đó đánh giá ưu, khuyết điểm mức độ thực hiện từng vấn đề.
Một số huyện, xã và hợp tác xã đã phát triển nhiều hình thức ba khoán cho hộ trên các mặt trồng trọt và chăn nuôi. Nhiều hợp tác xã đã thực hiện ba khoán đến hộ xã viên, khoán lao động nhằm đi vào chuyên môn hóa lao động và tận dụng sức lao động của gia đình xã viên, tăng năng suất cây trồng.
Trong thực tiễn, các địa phương, cơ sở đã tiến hành khoán dưới nhiều hình thức giản đơn, xã viên dễ thực hiện và điều quan trọng là lợi ích của người lao động trong khoán nâng lên rõ rệt; do đó đã thu hút đông đảo các hội viên tham gia. Trên địa bàn tỉnh, trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi đã xuất hiện một số hình thức khoán sau đây:
Về trồng trọt:
Hợp tác xã khoán cho hộ làm một hoặc nhiều khâu sản xuất trong một thời gian dài. Cách khoán này phổ biến ở Lập Thạch và Bình Xuyên. Các hộ
xã viên nhận khoán từ đội sản xuất một số diện tích nhất định và được giao làm từ một đến nhiều khâu trong quá trình sản xuất.
Khoán cho hộ các khâu dài ngày hoặc suốt vụ. Cách khoán này được tiến hành phổ biến trong các hợp tác xã ở Vĩnh Tường. Nội dung của khoán là, sau khi hợp tác xã làm đất xong thì giao cho hộ xã viên đảm nhận toàn bộ các khâu còn lại.
Khoán sản lượng cho hộ, cho nhóm. Hình thức này được áp dụng phổ biến ở nhiều huyện, trong đó 2 huyện Lập Thạch và Bình Xuyên khoán nhiều hơn cả. Chẳng hạn hợp tác xã Yên Lỗ, xã Đạo Đức trong vụ mùa 1967 đã khoán 153 mẫu cho 232 hộ. Huyện Lập Thạch đã giao khoán 2.816 mẫu đất trồng màu cho 7.314 hộ. Cách tính định mức giao khoán như sau: người nhận khoán được hưởng mỗi sào 13 công (130 điểm) nếu hoàn thành đúng mức khoán sản lượng. Nếu tăng thì cứ 5 kg được thưởng một cộng và nếu hụt 3 kg thì phạt một công.
Các hợp tác xã 1, 2, 3, 4 thuộc xã Đại Đồng huyện Vĩnh tường đã khoán sản lượng cho hộ trồng màu và trồng một số loại cây như khoai lang, khoai tây…
Trong hợp tác xã 3, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, có 198 hộ và tổng số diện tích canh tác là 284 mẫu Bắc Bộ. Hợp tác xã đã giao khoán cho hộ làm toàn bộ hoa màu và cây công nghiệp, 137 mẫu 4 sào chiếm 14% tổng số diện tích canh tác của hợp tác xã.
Khoán trắng ruộng đất cho hộ. Cách khoán này thực chất là chia ruộng đất cho xã viên tự sản xuất từ khâu làm đất dến thu hoạch. Hợp tác xã giao sản lượng rồi cân đối mức ăn từ trước cho xã viên sau khi thu hoạch thì khấu trừ vào sản lượng khoán. Điển hình của cách khoán này là hợp tác xã Tân Lập, huyện Lập Thạch. Toàn hợp tác xã có 432 hộ gồm 2.161 nhân khẩu. Mỗi nhân khẩu được giao 5 thước, tổng cộng cả hợp tác xã giao khoán cho hộ
là 72 mẫu Bắc Bộ. Thực chất cách khoán này là giao ruộng cho xã viên sản xuất, gắn trách nhiệm người lao động với sản phẩm cuối cùng. Do đó tạo nên động lực to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển. Hình thức khoán thứ tư này được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ và tự nó đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi trong toàn tỉnh.
Cùng với việc khoán theo bốn hình thức trên, các hợp tác xã đã bán một số lớn tư liệu sản xuất cho xã viên. Chẳng hạn toàn tỉnh bán cho các hộ 11.456 chiếc xe cải tiến; bán 9.739 cào cỏ cải tiến cùng nhiều cày, bừa, bơm thuốc trừ sâu… Việc giao một phần các tư liệu sản xuất cho xã viên đã khắc phục được bước đầu tình trạng vô chủ trong quản lý các tư liệu lao động trong hợp tác xã nông nghiệp.
Về chăn nuôi lợn:
Nhìn chung, nhiều hợp tác xã trong tỉnh thực hiện cách khoán nuôi lợn như các hộ nhận khoán, cứ một con lợn được hợp tác xã chi cho 40 công nuôi, 30 đồng tiền giống, 10 thước ruộng để sản xuất thức ăn (nếu vụ chiêm thì tính sản lượng 59,2kg/sào; vụ mùa là 80,7kg/sào). Mỗi năm hộ xã viên phải nộp cho hợp tác xã 40 kg thịt lợn và 400 kg phân chuồng [1, tr.394].
Với cách làm này, đầu năm 1967, toàn tỉnh mới thí điểm khoán cho 74 hộ; đến cuối năm đã có 230 hộ dăng ký nhận khoán. Do có lợi ích thiết thực nên việc khoán nuôi lợn phát triển khá rầm rộ ở hầu khắp các huyện trong tỉnh. Điển hình như hợp tác xã Tân Lập (Lập Thạch); Văn Quán (Yên Lãng); Yên Lỗ (Bình Xuyên)…
Hợp tác xã Tân Lập, huyện Lập Thạch giao khoán cho hộ nuôi 524 con lợn bột. Mỗi con hợp tác xã giao cho 10 thước chân ruộng 2 vụ, sản lượng mỗi vụ tính theo sào thì lúa chiêm là 59 kg, lúa mùa 80 kg. Công chăn nuôi là 40 công. Tiền giống 30 đồng/con. Mỗi năm hợp tác xã thu 40 kg thịt lợn. Năm 1967 có 74 hộ khoán, năm 1968 có 230 hộ khoán [1, tr.395].
Diện tích canh tác giao cho xã viên để chăn nuôi là 41 mẫu Bắc Bộ, báng 11,9% tổng số diện tích canh tác của hợp tác xã. Hợp tác xã Tân Lập, huyện Lập Thạch cho một số hộ nuôi khoán lợn, mỗi hộ nuôi 10 con thì hợp tác xã giao cho 6 sào ruộng, chi công và tiền giống. Cách giao khoán này cung được thực hiện ở Đồng Xuân, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch và hợp tác xã Văn Quán, huyện Yên Lãng. Hợp tác xã Văn Quán có 10 đội sản xuất thì 6 đội khoán cho hộ nuôi từ 10 đến 20 con.
Hợp tác xã Yên Lỗ, huyện Bình Xuyên đem lợn khoán cho hộ viên chăn nuôi là chính, đội chăn nuôi là phụ đem 353 con trong số 472 con, chiếm tỉ lệ 79%,khoán cho xã viên nuôi, đội chỉ nuôi 118 con.
Ngoài ra, các hợp tác xã còn tiến hành giao khoán chăn nuôi cả gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng…
Hợp tác xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao giao khoán cho hộ xã viên nuôi ngỗng, cứ 2 mái 1 đực. Hợp tác xã giao cho 140 kg thóc, lấy 50 ngỗng con. Hợp tác xã Đông Phú, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng khoán cho xã viên nuôi gà. Hợp tác xã giao cho xã viên 3 sào ruộng, chi 70 công, thu 50 kg gà.
Khoán hộ đã phản ánh một xu hướng tích cực trong việc tìm kiếm cách làm ăn mới, quản lý mới trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi Nghị quyết 68 được đề ra đã bị một số người phản đối kich liệt. Họ cho rằng khoán hộ là đi ngược lại chủ trương đường lối tập thể xã hội chủ nghĩa, đưa nông dân trở về với con đường làm ăn riêng lẻ theo chế độ tư bản. “Khoán hộ thực chất là trở lại cách làm ăn cá thể. Nó phá vỡ nội dung phong trào hợp tác hóa nông nghiệp làm cho hợp tác xã chỉ còn là hình thức. Nó không những sai lầm mà còn trái với đường lối hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng của Nhà nước…” [14, tr.45].
Ngày 6 - 11 - 1968, tại Hội nghị cán bộ tỉnh Vĩnh Phú chủ trương khoán hộ bị phê phán gay gắt: “Nói tóm lại việc khoán ruộng cho hộ đã dẫn
đến hậu quả tai hại là phát triển tư tưởng tự tư, tự lợi, làm phai nhạt ý thức tập thể của xã viên, thủ tiêu phong trào thi đua yêu nước trong hợp tác xã. Kìm hãm và đẩy lùi cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp; giảm nhẹ vai trò của lao động tập thể xã hội chủ nghĩa, phục hồi và phát triển lối làm ăn riêng lẻ, đấy hợp tác xã sản xuất nông nghiệp vào con đường thoái hóa và tan rã”
[14, tr.19].
Tuy bị chấn chỉnh không cho thực hiện, nhưng tinh thần của khoán hộ vẫn tiếp tục phát huy khi tháng 8 - 1979, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra Nghị quyết số 13-NQ/TU thực hiện khoán cây màu trong vụ chính; khoán đến hộ gia đình hoặc cho xã viên mượn đất, khuyến khích xã viên khai hoang, phục hóa đất đai để sản xuất. Năm 1980, Tỉnh ủy chọn hợp tác xã nông nghiệp Đồng Văn và Thổ Tang huyện Vĩnh Tường thực hiện khoán thí điểm cây lúa cho xã viên hợp tác xã, sau đó triển khai thực hiện ở 40 hợp tác xã trong huyện vụ Đông Xuân 1980-1981.
Khoán hộ ở Vĩnh Phúc chỉ dừng lại trên giấy tờ, văn bản, còn trong thực tại những hạt nhân hợp lý của khoán hộ vẫn lan tỏa, được vận dụng trong sản xuất nông nghiệp. Ngày 21 - 10 - 1980, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra thông báo số 22-TB/TW cho ý kiến về công tác khoán trong hợp tác xã và đội sản xuất, ghi nhận và đánh giá những tác dụng tích cực của hình thức khoán mới, cho phép các địa phương làm thử các hình thức khoán sản phẩm đối với cây lúa.
Sau khi có thông báo số 22 của Ban bí thư Trung ương Đảng, cơ chế khoán hộ được triển khai rộng rãi ở nhiều hợp tác xã. Từ kết quả thực tiễn cải cách cơ chế quản lý trong sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương, tháng 12/1980, Hội nghị Trung ương Đảng lần 9 (khóa IV) đã quyết định mở rộng việc thực hiện và hoàn thiện các hình thức khoán sản phẩm trong nông nghiệp trên nguyên tắc đảm bảo phát triển sản xuất, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hợp tác xã và cho Nhà nước.
Ngày 13 - 1 - 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị 100-CT/TW
“Về cải tiến công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã nông nghiệp”. Chỉ thị nêu rõ 3 mục đích khoán sản phẩm: bảo đảm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế; củng cố và tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn; nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân.
Nội dung chủ yếu của Chỉ thị 100 là cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã, hoàn chỉnh hơn nữa ché độ ba khoán (khoán chi phí sản xuất, khoán công điểm, khoán sản phẩm) có thưởng phạt công minh của hợp tác xã đối với đội sản xuất, đối với xã viên bằng hai hình thức khoán cơ bản: khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động (gọi tắt là khoán sản phẩm) và khoán việc cho nhóm và người lao động (gọi tắt là khoán việc).
Ngày 5 - 5 - 1988, Bộ chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (gọi tắt là khoán 10). Nghị quyết thừa nhận hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, thực hiện giao ruộng cho hộ sử dụng lâu dài (15 – 20 năm) đối với cây trồng ngắn ngày, 1 đến 2 chu kỳ đối với cây dài ngày, ổn định lượng khoán, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi. Khoán 10 đã