TRONG CHIẾN LƯỢC SẢN PHẨM CỦA DU LỊCH VIỆT NAM

Một phần của tài liệu Tiểu luận văn hóa kinh doanh văn hóa doanh nghiệp (Trang 34)

2- Giá trị khoa học :

TRONG CHIẾN LƯỢC SẢN PHẨM CỦA DU LỊCH VIỆT NAM

T rong bối cảnh du lịch khu vực và thế giới đã là những “siêu thị”, ngành du lịch Việt Nam mặc dù được xác định hình thành từ năm 1960 nhưng do chiến tranh và nhiều nguyên nhân khác, đến nay vẫn được xem chỉ như một “cửa hàng mới mở ”. Điều đó được thể hiện rõ nét nhất ở chỗ sản phẩm du lịch Việt Nam nhìn chung vẫn còn kém về số lượng và yếu về chất lượng, sức cạnh tranh trên thương trường du lịch quốc tế chưa thật vững chắc. Thực tế ấy cho thấy rằng

chiến lược sản phẩm chắc chắn sẽ còn là một trong những đề tài trọng tâm hàng đầu có ý nghĩa quyết định sự nghiệp xây dựng và phát triển du lịch Việt Nam thời gian tơi đây, trong đó, do bản chất của vấn đề và với điều kiện thực tế của đất nước, một lần nữa văn hóa cần được xác định lại rõ hơn nữa vai trò, vị trí của nó.

1. Nhờ vào điều kiện hòa bình, ổn định trước mắt, nhờ định hướng “sinh thái – văn hóa…” với những nổ lực bước đầu tập trung khai thác được một số tiềm năng tài nguyên về thiên nhiên, con người và các di sản vật chất, tinh thần vốn khá phong phú…, nhìn chung du lịch Việt Nam hiện nay vẫn có sức hút nhất định của nó ! Tuy nhiên, tất cả hình như cũng chỉ mới là những gì có sẳn do đất trời tạo ra hoặc do lịch sử để lại là chính và tất cả dường như chủ yếu được khai thác dưới dạng “thô” nhiều hơn là sự đầu tư “gia công” đúng mức để trở thành là những sản phẩm du lịch (tourism products) đúng nghĩa! Về nguyên tắc, sản phẩm du lịch tuy cũng là một thứ hàng hóa chịu sự chi phối sâu sắc bởi các quy luật kinh tế thị trường nhưng chất lượng của nó được quyết định không phải chỉ là những “giá trị” trao đổi bình thường mà phải là những“giá trị“ văn hóa đích thực (giá trị nhận thức, nhân bản, thẩm mỹ…), cái tạo nên tính “đặc sản” độc đáo, lý thú (interest) cho các sản phẩm ấy và có thể đáp ứng tốt các nhu cầu văn hóa tinh thần của du khách các loại (nhu cầu thông tin, chủ thể, giải trí, giao lưu…). Vì vậy, để thực sự có chất lượng và đủ khả năng phát triển bền vững, có sức cạnh tranh cao (trong

nước và trên thế giới), không thể khác, sản phẩm du lịch Việt Nam một mặt phải khai thác tốt mọi thế mạnh trong tiềm năng và tài nguyên du lịch của đất nước, của địa phương – đặc biệt là các tài nguyên mang đậm giá trị văn hóa – nhưng mặt khác, không phải bất cứ cái gì, kể cả những sản phẩm văn hóa nào cũng có thể trở thành sản phẩm du lịch và tất cả đều cần phải có sự “gia công, chế biến” bởi các điều kiện vật chất – kỹ thuật, bởi một “tay nghề” nhất định, đặc biệt là cần phải có sự “sàng lọc, kiểm định” thông qua “cặp mắt” chuyên môn với những tiêu chí cơ bản, những chuẩn mực đặc thù của nó. Đây là việc cần quan tâm trước tiên trong chiến lược sản phẩm của du lịch Việt Nam.

2. Theo hướng trên, bên cạnh việc điều tra, nghiên cứu mọi nguồn vốn tiềm lực đã và đang có nhằm tiến hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch từng bước đầu tư phát triển các sản phẩm của mình, bên cạnh biện pháp tổ chức, gầy dựng lực lượng bằng một cơ chế vững chắc tạo ra hợp lực và sự cộng hưởng hoạt động trong và ngoài ngành du lịch, giữa ngành với toàn xã hội…, du lịch Việt Nam nhất thiết cần phải có một đội ngũ cán bộ giỏi nghiệp vụ và am tường về văn hóa, đặc biệt là về văn hóa dân tộc. Điều quan trọng hơn là đội ngũ ấy không phải chỉ có kiến thức mà còn phải có kỹ năng tác nghiệp cụ thể để có thể tổ chức thực hiện và “sáng tạo” nên các sản phẩm du lịch có chất lượng ngày càng cao. Trước mắt việc nghiên cứu thẩm định lại, liên tục tìm cách nâng cao chất lượng (giá trị) của toàn bộ hệ thống tuyến điểm và các dịch vụ du lịch đã và đang có là việc làm cần thiết mà tất cả các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp lữ hành phải thường xuyên chú ý đến. Do yêu cầu này, về lâu dài một hệ thống tiêu chí (kiểu như các tiêu chuẩn “ISO” của Việt Nam) với đầy đủ nét đặc thù áp dụng cho từng loại hình sản phẩm du lịch khác nhau được ban hành thống nhất trong cả nước hình như là công việc có ý nghĩa rất thiết thực (?). Đây có lẽ là một nội dung quan trọng hàng đầu của mọi chiến lược sản phẩm trong quá trình đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động du lịch song song với các biện pháp củng cố và tăng cường hiệu quả

3. Như chúng ta đều biết, sản phẩm du lịch vừa là “món” hàng hóa với các điều kiện vật chất – kỹ thuật cụ thể, là cái có thể thực hiện việc mua, bán trên thị trường đồng thời vừa là một “hoạt động” trừu tượng bao gồm cả những sinh hoạt tinh thần mang tính phi vật thể, là những giá trị chỉ có thể được thẩm nhận qua vốn văn hóa của mỗi du khách. Và, “sự sống” của sản phẩm du lịch được quyết định ở sự “tiêu dùng” của du khách đối với sản phẩm đó, sản phẩm “lưu kho” (khách không dùng đến) là sản phẩm “chết” ! Quy luật nghiệt ngã đó đặt ra vấn đề chiến lược sản phẩm của du lịch Việt Nam phải bao gồm cả chiến lược tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch với chất lượng và hiệu quả đạt trình độ cao nhất. Trình độ ấy chính là “trình độ văn hóa” cần có (càng cao càng tốt) để làm cho sản phẩm du lịch có thể “tỏa sáng” (càng mạnh càng tốt) đủ sức thu hút một cách bền vững (càng nhiều lần càng tốt) đối với mọi loại du khách đến với các sản phẩm ấy. Điều kiện cho “sức sống” của sản phẩm du lịch ở trường hợp này chính là mối quan hệ biện chứng và thống nhất giữa các giá trị văn hóa có thực (và ngày càng có nhiều hơn) trong các sản phẩm ấy với trình độ và chất lượng của các hoạt động tuyên truyền quảng bá và xúc tiến, với bầu “không khí” của môi trường du lịch (cả về tự nhiên lẫn về xã hội) nhằm không phải chỉ tạo ra trật tự, vệ sinh mà còn là sự an toàn thoải mái cho du khách, với việc cải tiến các thủ tục, tạo mọi điều kiện thuận tiện nhất cho du khách (đặc biệt là du khách nước ngoài) khi họ đến với các sản phẩm du lịch v.v…

4. Một yếu tố quan trọng để thực hiện chiến lược sản phẩm của du lịch Việt Nam đó là trình độ khoa học – nghệ thuật thiết kế và tổ chức thực hiện tour (gồm cả tuyến điểm lẫn các dịch vụ du lịch), thực chất là khả năng tạo điều kiện giải quyết tốt mối quan hệ giữa chất lượng sản phẩm du lịch với giá cả và với các nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu “hội nhập” của du khách cùng mọi giá trị của chính các sản phẩm ấy. Liên quan vấn đề này, bản thân kinh nghiệm thực tiễn liên tục được nghiên cứu tổng kết sẽ là một vốn văn hóa không ngừng bổ sung nâng cao chất lượng việc thực hiện các chiến lược sản phẩm . Ví dụ, thực tế du lịch Việt Nam

thời gian qua cho thấy rằng cần tiếp tục phát huy các hoạt động “Du lịch văn hóa gắn với lễ hội” (Chương trình hành động quốc gia về du lịch năm 2000), phát triển thị trường du lịch kết hợp hội nghị – hội thảo (những “tour MICE”), nghiên cứu đầu tư các tour du lịch chuyên đề (du lịch văn hóa Óc Eo, du lịch trang trại, du lịch hành hương…) …và ngược lại, phải cố gắng tránh những hạn chế kiểu như các “tour du lịch liên tuyến” v.v…Đó là “phần cứng” của các sản phẩm, về “phần mềm” cần chú ý nhiều hơn các dịch vụ du lịch, đặc biệt là các sản phẩm làm quà lưu niệm (souvenir) mang đậm sắc thái văn hóa đặc trưng của các địa phương, đơn vị. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu chung là việc xây dựng “thương hiệu” du lịch Việt Nam phải đi từ cơ sở, phải bắt đầu từ nhiều đơn vị, địa phương mà mỗi nơi phải là một “thương hiệu” riêng mang những dấu ấn đặc thù với những sản phẩm du lịch có giá trị đặc sắc, có chất lượng cao. Chữ “TÍN”, nhân tố quyết định mọi thành công trong kinh doanh nói chung, kinh doanh du lịch nói riêng không có gì khác hơn chính là ở chất lượng thật của các sản phẩm du lịch được xây dựng và phát triển theo cách thức như vậy !…

Trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước ngày càng được đẩy mạnh và trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc, du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ phải đối đầu với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, quyết liệt từ nhiều phía trên nhiều lĩnh vực, trong đó chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố đầu tiên đồng thời cũng là yếu tố cuối cùng quyết định tất cả. Nhưng ngành du lịch Việt Nam đầu tư cho những chiến lược dài hơi về sản phẩm gắn với yếu tố văn hóa như đã trình bày ở trên không nhằm chỉ để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho bản thân ngành mình mà còn là vì những mục tiêu, ý nghĩa xã hội to lớn khác. Nếu văn hóa được coi là bản chất Người với nhân tố cơ bản là ý thức (người) trong khi du lịch là một hoạt động xã hội vừa mang tính sinh hoạt đời thường vừa mang tính nghiệp vụ chuyên sâu thì việc xác định vị trí văn hóa trong chiến lược sản phẩm của du lịch không những sẽ làm cho hoạt động du lịch được thúc đẩy vươn lên trình độ chuyên nghiệp ngày càng cao hơn đồng thời còn

có thể ngày càng phát triển theo hướng “xã hội hóa” đúng đắn hơn. Quan điểm nhận thức đầy đủ nhất về du lịch trong mối quan hệ với văn hóa sẽ tạo ra ý thức tự giác cao trong mọi hoạt động xã hội mang tính tích cực và hạn chế được mọi nhân tố tự phát (vô ý thức) làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của du lịch. Ý thức đó sẽ là nền tảng làm cho các cấp, các ngành thuộc lực lượng quản lý xã hội và toàn dân có thể có được cái nhìn toàn diện, đúng đắn hơn về bản chất của du lịch để thấy và khai thác văn hóa như là một “mục tiêu, động lực” đích thực (không thể chỉ là “phương tiện, công cụ” mang tính hình thức) từ đó mà góp phần thực hiện tốt các chiến lược sản phẩm du lịch đã xác định, làm cho hoạt động du lịch vừa đạt chất lượng – hiệu quả cao vừa phát triển bền vững theo hướng : Dịch vụ – du lịch nói riêng và toàn bộ hoạt động du lịch nói chung không thể chỉ nhằm mục đích thu nhập kinh tế quốc dân, phát triển ngân sách Nhà nước mà còn vì những mục tiêu văn hóa – xã hội rộng lớn thực sự. /.

Một phần của tài liệu Tiểu luận văn hóa kinh doanh văn hóa doanh nghiệp (Trang 34)