Trên thế giới, nhất là tại các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, quảng cáo là một hoạt động xã hội sôi động diễn ra hằng ngày. Quảng cáo liên tục, quảng cáo đa dạng, quảng cáo rầm rộ… Quảng cáo diễn ra khắp nơi. Con người tiếp xúc với quảng cáo mọi nơi mọi lúc!...
Ở Việt Nam ta, mấy năm gần đây, quảng cáo cũng đã bắt đầu xuất hiện và đang ngày càng có mặt trong đời sống, dưới nhiều hình thức khác nhau như:
- Tuyên truyền miệng
- Cổ động trực quan (bằng panô, áp – phích, triển lãm, bảng hiệu…) - Thông tin đại chúng (mass - media) và truyền thông đa phương tiện
(multi - media) (như báo chí, truyền thanh, truyền hình, internet…) - Ấn phẩm (như nhãn hiệu, bao bì, catalogue…)
- Nghệ thuật và lễ hội (như hội thi, hội diễn, ca múa nhạc, kịch, điện ảnh, trình diễn thời trang, người mẫu biểu diễn…)
Rõ ràng, quảng cáo là một hoạt động kinh tế – xã hội nhưng lại sử dụng các hình thức văn hóa và thông tin để biểu hiện.
Quảng cáo giúp nhà sản xuất – kinh doanh tiếp thị khách hàng và giúp khách hàng tìm tới tiêu thụ sản phẩm của nhà sản xuất – kinh doanh. Nhưng trước khi đóng vai trò ấy, bản thân quảng cáo cũng đã là một sản phẩm. Nếu sản phẩm quảng cáo đạt được giá trị cao cả về nội dung chuyển tải lẫn hình thức thể hiện, thì nó có thể trở thành tác phẩm mang tính văn hóa. Và một khi sản phẩm quảng cáo nào đó đã trở thành tác phẩm mang tính văn hóa thì nó sẽ phát huy được khả năng quảng cáo lên gấp bội. Trong trường hợp đó, sản phẩm quảng cáo sẽ mang trong mình các giá trị văn hóa cụ thể như sau :
- Sản phẩm quảng cáo nào muốn đem lại hiệu quả, trước hết, đều phải tạo được sự chú ý (attention) trước khi khơi gợi được ý thích (interest) và thúc đẩy
quyết định (decide) của khách hàng đối với việc chọn mua một sản phẩm hàng hóa nào đó. Trong một khoảng thời gian, không gian có hạn, quảng cáo phải cung cấp được một lượng thông tin ngắn gọn, tập trung, rõ ràng về phẩm chất (nội dung lẫn hình thức) của sản phẩm hàng hóa, về sự tiện lợi và hiệu quả kinh tế khi sử dụng sản phẩm hàng hóa ấy, v.v… Và, tất cả những điều ấy phải được khái quát hóa bằng ngôn ngữ (khái niệm hoặc hình tượng) mang tính biểu cảm (cụ thể, cảm tính) có tính hấp dẫn cao và sự thuyết phục mạnh.
- Về hình thức, sản phẩm quảng cáo phải là một sự tập hợp và khai thác thế mạnh của các loại hình nghệ thuật như âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, nhiếp ảnh, điện ảnh, sân khấu, v.v… nhằm tạo hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Quảng cáo đạt đến trình độ nghệ thuật là làm cho người ta thu nhận và đồng ý với ý tưởng của nhà quảng cáo mà không để ý đến cách thức, phương pháp quảng cáo.
- Sản phẩm quảng cáo còn là nơi có thể truyền đạt tới công chúng tư tưởng, tình cảm và cảm xúc nghệ thuật của người sáng tạo ra sản phẩm – tác phẩm quảng cáo ấy.