3.1.1. Thông tin chung
Các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) là cơ chế giảm phát thải khí nhà kính (KNK) mới đối với các nước đang phát triển được hình thành tại Hội nghị lần thứ 13 các Bên tham gia UNFCCC (COP 13) tại Bali, Indonesia và được nêu trong Kế hoạch hành động Bali. Đến COP 17 tại Durban, Nam Phi, quy chế đăng ký NAMA được thiết lập. COP 17 cũng yêu cầu các nước đang phát triển gửi các BUR với các thông tin về NAMA cho Ban Thư ký UNFCCC.
Một số nước đang phát triển đã đệ trình kế hoạch giảm phát thải KNK, với sự hỗ trợ từ các nước phát triển theo các hình thức hợp tác công nghệ, cung cấp tài chính và tăng cường năng lực. Các kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK này cũng có thể coi là NAMA. Hiện nay, một số đề xuất NAMA đã được công bố.
Thỏa thuận Cancun đề xuất thiết lập một hệ thống đăng ký quốc tế chính thức cho NAMA và các giải pháp để thực hiện thành công NAMA. Các NAMA yêu cầu hỗ trợ quốc tế được đưa vào hệ thống đăng ký để tìm kiếm hỗ trợ từ các nước phát triển. Những NAMA không yêu cầu hỗ trợ quốc tế được đăng ký riêng. Hệ thống đăng ký này được Ban Thư ký UNFCCC quản lý và vận hành từ năm 2013.
Các nước đang phát triển cung cấp thông tin về NAMA trong khi các nước phát triển cung cấp thông tin về hỗ trợ dành cho NAMA. Hoạt động hỗ trợ phải được Đo đạc, Báo cáo và Thẩm tra (MRV) quốc tế. Đối với các NAMA không yêu cầu hỗ trợ quốc tế phải được MRV ở trong nước.
Ngày 21 tháng 11 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1775/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới. Mục tiêu tổng thể của Đề án là quản lý phát thải KNK nhằm thực hiện UNFCCC và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đồng thời tận dụng các cơ hội để phát triển nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh và cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực giảm nhẹ phát thải KNK, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Sáu mục tiêu cụ thể của Đề án:
- Tăng cường năng lực kiểm kê quốc gia KNK cho các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong hệ thống kiểm kê quốc gia KNK. Thiết lập, vận hành hệ thống quốc gia kiểm kê KNK và thực hiện kiểm kê định kỳ hai năm một lần;
- Phổ biến, áp dụng các công nghệ giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ KNK tiềm năng tại Việt Nam;
- Xây dựng khung chương trình NAMA của Việt Nam và đăng ký, triển khai rộng các NAMA; - Hình thành và đưa vào hoạt động hệ thống MRV cấp quốc gia;
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng;
- Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của quốc tế trong việc thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Thực hiện Đề án nêu trên, ngày 21 tháng 02 năm 2013, Bộ TNMT đã ban hành Quyết định số 187/ QĐ-BTNMT thành lập Tổ công tác chuẩn bị lồng ghép các NAMA với nhiệm vụ tham mưu và đề xuất với Bộ trưởng TNMT và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan về các biện pháp thiết lập khung thể chế bao gồm chính sách, văn bản tạo điều kiện lồng ghép các NAMA vào các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững của các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương.
Ngày 04 tháng 3 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TNMT, theo đó Bộ TNMT chịu trách nhiệm:
- Xây dựng và triển khai hệ thống MRV trong nước; tổ chức kiểm kê quốc gia KNK; đề xuất, kiến nghị các chính sách, biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK của Việt Nam phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn;
- Hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức thực hiện biện pháp quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, cấp chứng thư xác nhận đối với dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch và các cơ chế quốc tế khác về giảm phát thải KNK của các thành phần kinh tế.
Hiện nay, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ TNMT là cơ quan đầu mối quốc gia đăng ký NAMA với Ban Thư ký UNFCCC.