Mô hình Quá trình phân tích giảm phát thải toàn diện (COMAP) được sử dụng để xây dựng và đánh giá cho một số phương án giảm nhẹ phát thải KNK cho lĩnh vực này.
Kịch bản cơ sở về phát thải KNK trong lĩnh vực LULUCF được xây dựng trên cơ sở Chiến lược phát triển lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2006 - 2020. Nội dung cơ bản của kế hoạch này là phát triển và
quản lý bền vững 1,75 triệu ha rừng sản xuất và rừng phòng hộ, trong đó một triệu ha rừng trồng hỗn giao các loài cây bản địa; 0,5 triệu ha khoanh nuôi xúc tiến rừng tự nhiên kết hợp trồng cây bản địa dưới tán rừng và 0,25 triệu ha quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên kết hợp trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng cho giai đoạn 2010 - 2030. Địa điểm chọn thực hiện các phương án giảm nhẹ phát thải KNK trong lĩnh vực này là khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Ba phương án giảm nhẹ KNK cho lĩnh vực này được xây dựng là:
Phương án F1: Trồng rừng hỗn giao các loài cây bản địa gỗ lớn theo phương thức trồng tập trung
Theo phương án này, một triệu ha các loài cây Giổi xanh, Sao đen và Giáng hương được trồng trong vòng 10 năm, tốc độ trồng là 100.000 ha/năm trên diện tích đất trống hay đất nương rẫy mới bỏ hoang có độ dày tầng đất mặt ≥ 40 cm với mật độ 1.660 cây/ha và chu kỳ 30 năm. Tiềm năng tăng cường bể hấp thụ KNK của phương án F1 là 504,17 triệu tấn CO2,chi phí giảm nhẹ 1,3 USD/tCO2.
Phương án F2: Khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng kết hợp trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng
Theo phương án này, 0,5 triệu ha các loài cây Sao đen, Lim xanh được trồng trong vòng năm năm, tốc độ trồng là 100.000 ha/năm trên diện tích rừng nghèo kiệt với mật độ 500 cây/ha theo băng hoặc theo đám và chu kỳ 30 năm. Tiềm năng tăng cường bể hấp thụ KNK của phương án F2 là 151,29 triệu tấn CO2, chi phí giảm nhẹ 1,6 USD/tCO2.
Phương án F3: Quản lý rừng cộng đồng theo chủ trương xã hội hóa nghề rừng kết hợp trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng
Theo phương án này, 0,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có được bảo vệ kết hợp trồng cây lâm sản dưới tán rừng trong khoảng thời gian 30 năm. Loài cây được trồng dưới tán là Song mây và Sa nhân trong vòng năm năm đầu, mật độ trồng Song mây 2.000 cây/ha và Sa nhân 3.000 cây/ha. Tiềm năng tăng cường bể hấp thụ KNK của phương án F3 là 137,30 triệu tấn CO2, chi phí giảm nhẹ 0,9 USD/ tCO2.
Tiềm năng giảm nhẹ KNK và hiệu quả chi phí của ba phương án nêu trên được trình bày trong Bảng 3.6.
Bảng 3.6. Tiềm năng giảm nhẹ khí nhà kính và chi phí của các phương án LULUCF Phương án Ký hiệu Tiềm năng giảm phát thải
(triệu tấn CO2)
Chi phí (USD/ tấn CO2) Trồng rừng hỗn giao các loài cây bản địa gỗ lớn
theo phương thức trồng tập trung F1 504,17 1,3
Khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng kết hợp
trồng bổ sung cây bản địa dưới tán rừng F2 151,29 1,6
Quản lý rừng cộng đồng theo chủ trương xã hội hóa nghề rừng kết hợp trồng bổ sung cây bản
địa dưới tán rừng F3 137,30 0,9
CHƯƠNG 4
NHU CẦU TÀI CHÍNH, CÔNG NGHỆ,
TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC VÀ TRỢ GIÚP NHẬN ĐƯỢC CHO CÁC HOẠT ĐỘNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực xây dựng và triển khai nhiều hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP-RCC) và Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong giai đoạn 2012-2015, NTP-RCC đã xác định 13 nhiệm vụ/dự án nhằm xây dựng và triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bên cạnh đó, Chương trình còn đề ra sáu nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu, xây dựng và triển khai chương trình về giáo dục cộng đồng và tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng chương trình giáo dục và đào tạo về biến đổi khí hậu.
Về khoa học và công nghệ, NTP-RCC đã đề ra nhiệm vụ xây dựng và triển khai chương trình khoa học và công nghệ về biến đổi khí hậu với kinh phí dự kiến khoảng 320 tỷ đồng thực hiện trong giai đoạn 2009-2015. Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đã được hình thành từ năm 2009 và đến nay đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể của một số nhà tài trợ quốc tế. Trong giai đoạn 2010-2014, Việt Nam đã huy động được nguồn vốn tài trợ cho SP-RCC với khoản kinh phí khoảng hơn 800 triệu USD từ các nhà tài trợ chính như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Canada (CIDA), Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan Hỗ trợ phát triển quốc tế Australia (AusAID), Ngân hàng EximBank Hàn Quốc (Korea Eximbank).
Tuy nhiên, hỗ trợ về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Bên cạnh đó, một số khó khăn, khiếm khuyết có liên quan dưới đây cần được khắc phục trong thời gian tới.