Trong chương này, dựa trên tiếp cận của Lý thuyết Hoạt động, mô hình về kế hoạch đã đưa ra [15]. Mô hình giúp làm rõ hơn nhiều khái niệm liên quan đến kế hoạch như hoạt động, hành động, tính khả thi, v.v. Luận án đề xuất vai trò của ngôn ngữ luồng công việc trong việc biểu diễn kế hoạch và kết hợp chúng trong mô hình. Từ mô hình này, các yêu cầu
của một khung hỗ trợ kế hoạch cũng được phác họa. Việc thiết kế chi tiết và cài đặt cho khung sẽ được trình bày trong các chương tiếp theo.
Có thể thấy, việc xây dựng một bản kế hoạch là xuất phát từ một hoạt động gốc, sau đó các hoạt động mới xác định khả thi các hoạt động hiện có sẽ được phát hiện và bổ sung thêm vào kế hoạch. Các hoạt động mới càng được bổ sung, kế hoạch càng chi tiết hơn và tính khả thi cũng tăng lên, vì khả năng tìm được đường dẫn khả thi cũng nhiều lên. Quá trình xây dựng kế hoạch như thế này cũng được gọi là làm mịn kế hoạch. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào các định nghĩa và tính chất của phụ thuộc khả thi để xác định các hoạt động mới thì dường như không dễ dàng đối với người dùng thông thường. Khó khăn này cần được khắc phục bằng cách tiếp cận khác, thân thiện hơn với người dùng.
Hơn nữa, mặc dù việc biểu diễn hoạt động tập thể bằng ngôn ngữ BPMN giúp làm rõ hơn logic của nó, nhất là quan hệ giữa các hoạt động con của hoạt động, nhưng vẫn chưa đủ để xác định được tính khả thi của hoạt động. Vì tính khả thi của một hoạt động phải được kiểm chứng qua việc thực thi trên một môi trường tính toán nào đó. Trong khi đó, ngôn ngữ BPMN lại là ngôn ngữ hướng đồ thị nhằm mô tả và phân tích các hoạt động, chưa tập trung vào việc thực thi chúng. Vấn đề này có thể được giải quyết bằng các phương pháp chuyển đổi hoạt động được biểu diễn bằng BPMN sang ngôn ngữ có tính thực thi cao hơn như BPEL (Business Process Execution Language). Các vấn đề nêu trên sẽ được trình bầy chi tiết trong Chương 3.