5. Kết cấu của bài luận văn:
2.2.1.3. Tương quan giữa đòn bẩy tài chính và quy mô doanh nghiệp (Size)
Có nhiều quan điểm khác nhau về mối quan hệ giữa đòn bẩy tài chính và quy mô doanh nghiệp.
Theo lý thuyết đánh đổi thì quy mô doanh nghiệp có tương quan (+) với đòn bẩy tài chính. Các doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ có tiếng nói trọng lượng hơn trong việc đàm phán các khoản nợ vay dài hạn so với những doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên sẽ sử dụng nhiều nợ vay dài hạn hơn (Marsh-1982). Hơn nữa, những doanh nghiệp có quy mô lớn thì dòng tiền ổn định và khả năng phá sản thấp hơn những doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Theo lý thuyết chi phí đại diện, các doanh nghiệp nhỏ có động lực chấp nhận rủi ro để tăng trưởng nên chi phí đại diện của chúng sẽ lớn. Thêm vào đó, lý thuyết bất cân xứng về thông tin cho rằng các doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ thì sự bất cân xứng về thông tin càng lớn. Với các doanh nghiệp có quy mô lớn, do việc bất cân xứng thông tin ít hơn nên họ có thể tiếp cận dễ dàng hơn các khoản vay để có thể hưởng lợi ích từ tấm chắn thuế.
Dựa trên đặc điểm này, có thể kết luận rằng quy mô doanh nghiệp có tương quan (+) với đòn bẩy tài chính. Một số nghiên cứu thực nghiệm chứng minh cho quan điểm này như Marsh (1982), Titman và Wessels (1988), Chen (2004).
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Rajan và Zingales (1995) ở Đức, các doanh nghiệp có quy mô lớn ít sử dụng nợ vay hơn do họ có thể dễ dàng tiếp cận với thị trường cổ phiếu. Nhưng kết quả này đã được Kremp et all (1999) giải thích rằng do đặc điểm riêng của luật phá sản Đức và khả năng bảo vệ chủ nợ tốt của ngân hàng Hausbank ở Đức chứ không phải là kết quả của thông tin bất cân xứng. Ngoài ra, nghiên cứu của Beven và Danbolt (2002) cho kết quả có mối tương quan (-) giữa nợ ngắn hạn và tương quan (+) giữa nợ dài hạn với quy mô doanh nghiệp.
Vậy giả thiết (H3) đặt ra là quy mô doanh nghiệp có mối quan hệ (+) hoặc (-) đối với đòn bẩy tài chính.