Chính sách thương mại của Việt Nam hiện nay còn nhiều điểm bất cập, không phù hợp với thông lệ quốc tế và còn thiếu nhiều quy định được các nước thừa nhận và sử dụng rộng rãi. Để quá trình tham gia AFTA của Việt Nam hướng tới hình thành đồng tiền chung, thu được lợi ích lớn nhất, hạn chế những tác động tiêu cực của tự do hoá thương mại khu vực, việc điều chỉnh và hoàn thiện chính sách thương mại cần phải theo hướng thông thoáng, có tính ổn định và phù hợp với thông lệ trong buôn bán khu vực và quốc tế đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Việc điều chỉnh chính sách thương mại cần tuân theo những nguyên tắc sau: - Điều chỉnh chính sách thương mại phải đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội, nghĩa là phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế không gây nên những bất ổn, biến động mạnh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
- Tuân thủ các quy định không những của Hiệp định CEPT mà cả các Hiệp định và Thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và hướng tới những quy định của WTO. Điều chỉnh và hoàn thiện chính sách thương mại của Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề lớn sau:
Thứ nhất, chính sách thương mại cần chú trọng hơn tới mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, hay nói cách khác là bên cạnh tốc độ tăng trưởng cần chú ý hơn tới chất lượng tăng trưởng. Cho tới nay, xuất nhập khẩu thường được bàn đến trên phương diện lượng (tốc độ tăng trưởng, kim ngạch xuất khẩu,...) trong khi các vấn đề mang tính quyết định như hiệu quả và sức cạnh tranh mới được đề cập một cách rất chung, chưa được chi tiết hoá biện pháp cụ thể. Các biện pháp và công cụ chính sách thời gian tới, đặc biệt là các biện pháp khuyến khích xuất khẩu cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.
Thứ hai, chính sách thương mại còn cần khai thác triệt để thế mạnh của chính sách kinh tế nhiều thành phần để tăng cường tính năng động và khả năng thích ứng nhanh. Một trong những hệ quả tất yếu của hội nhập kinh tế quốc tế là chuyển dịch cơ cấu và bố trí lại nguồn lực. Dưới sức ép cạnh tranh một ngành sản xuất không hiệu quả có thể sẽ phải mất đi để nhường chỗ cho một ngành khác có hiệu quả hơn. Quá trình này sẽ diễn ra một cách suôn sẻ hơn, với chi phí thấp hơn nếu nền kinh tế có được tính năng động và khả năng thích ứng cần thiết. Đối với nước ta, hai đặc tính này sẽ được tăng cường nếu khai thác được hết thế mạnh của chính sách kinh tế nhiều thành phần. Chính sách thương mại một mặt cần thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp quốc doanh, mặt khác cần khuyến khích sự phát triển của các thành phần khác trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong đó đặc biệt chú trọng tới các doanh nghiệp ngoài quốc doanh để tận dụng triệt để tiềm năng và khả năng thích ứng nhanh của họ.
Thứ ba, chính sách thương mại cũng cần hướng tới một sự thay đổi căn bản về đối tượng và phương thức quản lý nhập khẩu. Hiện nay để điều tiết hàng hoá
xuất nhập khẩu, chúng ta còn dùng nhiều biện pháp phi thuế quan. Các công cụ này đều là đối tượng phải bãi bỏ trong tiến trình hội nhập.
Tiến trình loại bỏ các hàng rào phi thuế cần được tiến hành kết hợp chặt chẽ với việc cắt giảm thuế quan. Chính phủ và các Bộ ngành cần xem xét loại bỏ những biện pháp không cần thiết, đơn giản hoá các biện pháp còn lại, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu. Trước hết, chúng ta nên bắt đầu bằng các biện pháp quản lý hành chính, tiếp đến là các biện pháp phi thuế quan phổ thông như giấy phép, hạn ngạch. Đối với những mặt hàng vẫn cần duy trì giấy phép, Bộ Thương mại tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành chức năng cải tiến các thủ tục cấp giấy phép, bãi bỏ cơ chế "xin - cho", tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất nhập khẩu.
Việt Nam cần tự do hoá hoàn toàn quyền kinh doanh xuất nhập khẩu để tất cả các mặt hàng không phải chịu hạn chế định lượng (trừ các mặt hàng vì lý do sức khoẻ, an ninh, môi trường) và được nhập khẩu tự do với mức thuế suất thích hợp. Đối với những mặt hàng cần được bảo hộ để duy trì sự tồn tại và phát triển của các ngành sản xuất trong nước cũng cần loại bỏ dần các quy định về giấy phép nhập khẩu và hạn ngạch, chuyển sang bảo hộ bằng thuế quan cao trong thời gian đầu sau đó, cắt giảm dần thuế quan để tránh tư tưởng trông chờ vào bảo hộ của các doanh nghiệp và thực hiện các cam kết theo CEPT. Đồng thời trong khuôn khổ AFTA, Việt Nam cùng với các nước ASEAN sẽ ký các Hiệp định thừa nhận các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn, chất lượng của nhau, xoá bỏ những rào cản kỹ thuật trong thương mại nội bộ khối.
Đồng thời, Việt Nam cần bổ sung, hoàn thiện chính sách thương mại bằng các công cụ quản lý xuất nhập khẩu tiên tiến như hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối, thuế chống phá giá, thuế chống trợ cấp, phí môi trường và các biện pháp chống chuyển giá đối với một số loại hàng hoá nhập khẩu để bảo hộ sản xuất trong nước, bảo đảm thương mại công bằng và bảo vệ môi trường. Đây là công cụ được các nước dùng phổ biến và không bị loại bỏ trong quá trình thực hiện
CEPT/AFTA. Như vậy, chính sách thương mại của Việt Nam cần phải loại bỏ các quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế đồng thời bổ sung những công cụ quản lý tiên tiến được các nước thừa nhận và áp dụng.