Nguyên nhân dẫn đến hạn chế, thiếu sót

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn Luận văn ths luật (Trang 72)

Các vụ, việc thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói chung và các vụ án tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn nói riêng mà Tòa án các cấp thụ lý, giải quyết ngày càng tăng về số lượng, đa dạng phức tạp về nội dung, trong khi đội ngũ thẩm phán, thư ký Tòa án đang dần trẻ hóa nên năng lực và kinh nghiệm tiến hành tố tụng còn hạn chế, chưa đồng đều. Các quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chưa rõ ràng gây ra nhiều quan điểm nhìn nhận, đánh giá vấn đề khác nhau, dẫn đến vướng mắc, khó khăn cho hoạt động thụ lý, giải quyết của tòa án. Những điều này không những dẫn đến chất

lượng giải quyết án thấp còn dẫn đến số lượng giải quyết án hàng năm cũng thấp, án tồn đọng nhiều. Sau đây là những nguyên nhân cụ thể:

Thứ nhất: Số lượng và chất lượng của đội ngũ Thẩm phán - người trực tiếp giải quyết các vụ án tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó nhiều Thẩm phán vẫn chưa có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, chưa chủ động tích cực trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án và chưa thực hiện tốt các kỹ năng về xác minh thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ; không biết thu thập những chứng cứ quan trọng và cần thiết cho việc giải quyết vụ án, chưa tìm hiểu sâu sắc về thực trạng quan hệ gia đình giữa các đương sự với nhau nên đã giải quyết và ban hành những bản án không phù hợp về lý, về tình, trong khi đó các tranh chấp về chia của vợ chồng khi ly hôn ngày càng nhiều và phức tạp, việc xét xử sao cho thấu tình đạt lý không chỉ cần dựa vào quy định của pháp luật mà còn đòi hỏi sự kiên nhẫn và công tâm của người Thẩm phán. Thứ hai: Trong quá trình xét xử các vụ án, có trường hợp đương sự không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, có hành vi gây khó khăn, cản trở việc Tòa án thực hiện việc tiến hành tố tụng, dẫn đến khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ, dẫn đến kéo dài vụ án.

Thứ ba: Hiện nay giữa Tòa án và các cơ quan Nhà nước khác vẫn chưa có sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ với Tòa án dẫn đến việc xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình tố tụng vẫn còn nhiều khó khăn. Hiến pháp đã quy định Tòa án xét xử độc lập, nhưng độc lập ở đây là độc lập trong cách nhìn nhận, đánh giá, quyết định nội dung vụ án chứ không có nghĩa Tòa án phải tự mình thực hiện tất cả các khâu tố tụng theo quy định của pháp luật mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ, trợ giúp nào của các cơ quan khác. Thực tế cho thấy trong quan hệ hành chính giữa các cơ quan Nhà nước với nhau vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, khó khăn kéo dài dẫn đến chậm trễ

trong việc giải quyết vụ án làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của đương sự, của Nhà nước và xã hội.

Thứ tư: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân vẫn còn hạn chế, đặc biệt là trình độ dân trí ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn thấp nên tình trạng tảo hôn, kết hôn trái pháp luật vẫn còn diễn ra rất nhiều, cũng do chưa có sự hiểu biết sâu sắc về Luật HN & GĐ, chưa hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc kết hôn nên nhiều nam nữ không nhận thức được ý nghĩa nhân văn của quan hệ gia đình nên không có ý thức bảo vệ hạnh phúc gia đình vì thế mà tình trạng ly hôn của giới trẻ hiện nay diễn ra rất nhiều, khi ly hôn thì đương nhiên các bên dễ tranh chấp tài sản chung. Bên cạnh đó, do việc tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa được thực hiện sâu rộng nên các thành viên trong gia đình chưa có sự hiểu biết căn cứ tạo lập, bảo vệ tài sản chung, tài sản riêng, khi ly hôn sẽ xảy ra sự tranh chấp tài sản chung, tài sản riêng với nhau.

Thứ năm: Hệ thống văn bản pháp luật trong lĩnh vực dân sự nói chung và trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói riêng hiện nay tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng vẫn còn nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau gây khó khăn cho việc áp dụng. Mặc dù đã có nhiều văn bản dưới luật hướng dẫn các quy định của Luật HN&GĐ nhưng vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất giữa các Thẩm phán, giữa các Tòa án với nhau.

Thứ sáu: Một số quy định của BLTTDS vẫn chưa rõ hoặc mang tính chung chung dẫn đến khó áp dụng trong thực tế.

Ví dụ: BLTTDS quy định “Trong một vụ án có nhiều đương sự, mà các đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải… nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải…” [20, Điều 184], quy định này không nêu rõ số lần tối đa

đương sự được vắng mặt có lý do chính đánh hoặc nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì giải quyết như thế nào, điều này dẫn tới việc các đương sự lợi dụng việc vắng mặt tại phiên hòa giải để kéo dài việc giải quyết vụ án.

Hoặc theo quy định tại BLTTDS thì thẩm quyền của Hội đồng xét xử

có thể là “Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án” [20, Điều 275]. Khi giải

quyết lại thì Tòa án cấp sơ thẩm có cần hòa giải lại không? Về nguyên tắc thì khi giải quyết lại theo một trình tự tố tụng mới, Tòa án cần tiến hành hòa giải nhưng cũng có quan điểm cho rằng khi vụ án đã bị kéo dài, mâu thuẫn giữa các bên đã quá sâu sắc, việc hòa giải lúc này sẽ không mang lại hiệu quả, nhưng hiện nay pháp luật vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này nên việc thực hiện không thống nhất.

Thứ bảy: Theo quy định của pháp luật tố tụng hiện nay thì khi xét xử sơ thẩm các vụ án trong đó có vụ án hôn nhân và gia đình phải có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân. Như vậy, Hội thẩm nhân dân có vai trò rất quan trọng, cùng Thẩm phán chủ tọa nghiên cứu, xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đương sự. Thực tế hiện nay, các Hội thẩm nhân dân có trình độ hiểu biết pháp luật, kiến thức pháp lý không chuyên sâu vì phần lớn họ không được đào tạo về lĩnh vực pháp luật mà thường làm ở các lĩnh vực khác, được các cơ quan nhà nước khác giới thiệu nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của Toà án.

Kết luận chương 2

Từ thực trạng áp dụng pháp luật giải quyết các vụ án tranh chấp tài sản vợ chồng khi ly hôn của Toà án các cấp cho thấy bên cạnh những thành tựu đạt được thì việc giải quyết chia tài sản chung vợ, chồng khi ly hôn vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần phải khắc phục mới có thể nâng cao hiệu quả, chất lượng giải quyết án.Từ những đánh giá, phân tích đó làm cơ sở để học viên đưa ra các giải pháp cụ thể ở chương 3.

Chương 3

MỘT SỐ PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT, TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ CỦA VIỆC GIẢI QUYẾT

TRANH CHẤP VỀ CHIA TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG KHI LY HÔN

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn Luận văn ths luật (Trang 72)