Biểu tượng và thời gian ý thức

Một phần của tài liệu biểu tượng trong sáng tác của vương mông (Trang 71)

7. Cấu trúc luận văn

3.3. Biểu tượng và thời gian ý thức

Lỗ Khu Nguyên trong mục “Quan niệm văn học của tôi” từng viết: “Xuất phát từ đặc tính của bản thân văn học, tôi cho rằng, giá trị của văn học là ở chỗ “can dự” vào đời sống tâm linh của con người. Theo tôi, văn học là sự kiếm tìm cái đẹp nơi sâu thẳm tâm hồn con người, văn học là biểu hiện tự do của sự sáng tạo tâm hồn con người” [96, tr.14]. Trong hầu hết sáng tác của mình, Vương Mông luôn sử dụng biểu tượng như đầu mối gợi kỉ niệm, mở đầu câu chuyện, gợi dẫn dòng hồi tưởng về quá khứ, sự giao thoa những dòng cảm xúc khiến câu chuyện lồng ghép trong những biểu tượng khác nhau. Điều đó giúp cho việc thể hiện ý nghĩa luôn bắt nguồn từ trạng thái này sang trạng thái khác và hình thành kết cấu tâm lý.

Trong Hồ điệp, trên chuyến xe về bản làng xưa, Trương Tư Viễn thấy cánh hoa, dòng suy nghĩ hướng ông trở về quá khứ, nghĩ đến cái chết của Hải Vân. Trong truyện, cuộc đời Trương Tư Viễn được tái hiện với những mảnh đoạn thời gian khác nhau, từng ký ức hồi tưởng trong ông xâu chuỗi thành câu chuyện. Đây là kết cấu 14 phần không theo trình tự nội dung câu chuyện:

Phần 1: Giới thiệu chung (tr.87-tr.97): Trương Tư Viễn trên xe trở về thành phố, ông nhớ lại cảnh chia tay với bà con dân bản, với Thu Văn.

Phần 2: Hải Vân (tr.97-tr.116): Hồi tưởng lại lần đầu tiên gặp gỡ Hải Vân, cuộc sống hai người từ hạnh phúc đến đổ vỡ.

Phần 3: Mỹ Lan (tr.116-tr.118): Mỹ Lan đến với Trương Tư Viễn như có sự sắp đặt từ trước, ông mơ hồ cảm nhận được sự bất thường của Mỹ Lan.

Phần 4: Biến đổi (118-126): Trương Tư Viễn bị quy là phần tử phản Cách ạng, chịu bao tủi nhục, ê chề, bị mọi người xa lánh.

Phần 5: Đông Đông (tr.126-tr.136): Trương Tư Viễn nhớ lại hình ảnh bé Đông Đông ngắm mưa, những kỉ niệm khi ông đến gặp con sau khi ông và Hải Vân chia tay. Sau này lớn, Đông Đông có ý né tránh gặp bố, khi ông bị quy là phần tử phản cách mạng, Đông Đông tát bố ba cái. Hải Vân tự tử, Mỹ Lan rời bỏ ông.

Phần 6: Phán xét (tr.136-tr.138): Trương Tư Viễn tự vấn lương tâm khi cho rằng mình có lỗi rất nhiều trong cái chết của Hải Vân.

Phần 7: Bản làng (tr.139-tr.149): Trương Tư Viễn đến sống tại bản làng nơi Đông Đông làm việc, hai bố con dần dần hiểu nhau.

Phần 8: Phục chức (tr.149-tr.165): Trương Tư Viễn được phục chức, được mời về thành phố, bạn bè lại quay về muốn thân thiết với ông, Mỹ Lan ngỏ ý muốn quay về nhưng ông kiên quyết chối từ.

Phần 9: Thu Văn (tr.165-tr.172): Thu Văn cứu Trương Tư Viễn khi ông ngất xỉu, bị té trong cơn mưa, trực tiếp chăm sóc cho ông, đồng thời giúp hai bố con hòa giải, ông và Thu Văn càng ngày càng thân thiết với nhau thông qua những buổi trò chuyện.

Phần 10: Lên đường (tr.172-tr.188): Trương Tư Viễn trở về thăm lại bản làng với bao cảm xúc, kỉ niệm với tư cách là bác Trương sau khi phải trải qua chặng đường dài gian khổ để tới được bản làng.

Phần 11: Mưa táo (tr.188-tr.199): Trương Tư Viễn đến bản làng, nhớ lại cảnh xưa, người xưa, được bà con thôn xóm đón tiếp nồng hậu nhưng vẫn thân mật, gần gũi như ông gần chục năm hồi trước khiến ông cảm thấy hạnh phúc đến nao lòng. Cuộc sống bà con nay đã đổi khác, phát triển hơn, tiện nghi hơn. Ông mong muốn sẽ cống hiến sức mình để bà con có thể đón những cơn mưa táo – cơn mưa của hạnh phúc.

Phần 12: Khoảng cách (tr.199-tr.202): Đông Đông từ chối theo Trương Tư Viễn về thành phố vì muốn tự lập và hứa sẽ thường xuyên vào thành phố thăm ông.

Phần 13: Cáo biệt (tr.203-tr.211): Trương Tư Viễn ngỏ lời nhưng Thu Văn từ chối không về cùng ông, chị mong ông toàn tâm, toàn ý với công việc, động viên ông hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhà nước giao phó. Sau một tuần ở bản làng, thư kí đến đón ông, ông cáo biệt bà con để trở về thành phố.

Phần 14: Cây cầu (tr.211-tr.215): Trở về với cuộc sống hiện tại, Trương Tư Viễn nguyện cống hiến sức mình phục vụ cho đất nước. Một ngày làm việc mới đang chờ ông.

Tác phẩm không phải là sự tiếp nối của thời gian vật lý mà là thời gian của tâm trạng, của dòng hồi tưởng. Trải qua những thăng trầm sóng gió, Trương Tư Viễn nhận thấy cây cầu trong sự tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, ở đó luôn có sự tồn tại giữa sống và chết. Chính việc đảo ngược không - thời gian cùng sự xuất hiện của biểu tượng mà người đọc hình dung câu chuyện trong sự đan xen tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn.

Trong Chiếc lá phong, từ hình tượng chiếc lá phong mà anh hồi tưởng về quá khứ, sống giữa kỉ niệm đẹp với mối tình thời sinh viên với chị. Câu chuyện được hiện lên thông qua dòng ý thức nhân vật và lá phong là sợi dây gợi dẫn dòng suy nghĩ. Chị trở về khi anh có gia đình. Cuộc gặp gỡ giữa ba nhân vật khiến câu chuyện đậm tình người. Quá khứ trở về trong anh khi những chiếc lá phong đỏ rực bầu trời, kỉ niệm chảy tràn trong anh những kí ức xa xưa. Với anh, chiếc lá ấy là nơi lưu giữ một thời tuổi trẻ, anh không rõ lí do vì sao chị xa anh mãi mãi nhưng anh vẫn giữ cho mình kí ức không phai nhòa. Câu chuyện tình yêu với bao cảm xúc trữ tình, những hồi ức suy ngẫm đưa người đọc cùng cảm nhận mối tình dẫu thoảng qua nhưng còn đẹp mãi. Cùng với tác phẩm Say nắng của Bunin hay Người đàn bà có con chó nhỏ của Chekhov, Chiếc lá phong vẫn đọng lại nơi người đọc tình người trong sáng, tình yêu thuần hậu, giản dị và thanh tao. Trong tác phẩm, câu chuyện của “anh” và “chị” không phải đi theo đường thẳng mà có sự vận động, dung hợp giữa quá khứ và hiện tại tạo thành hai tuyến đường đối chiếu, so sánh với nhau. Như vậy, câu chuyện tình yêu là sự trở về quá khứ bằng những chuỗi kỷ niệm, là dòng chảy của suy nghĩ và tình cảm trong sự hồi tưởng thông qua hình tượng chiếc lá phong.

Truyện Dải cánh diều miêu tả cuộc gặp gỡ của Giai Nguyên và Tố Tố. Câu chuyện được phát triển thông qua hoạt động tâm lý của Tố Tố khi gặp gỡ người yêu chứ không kể theo tuần tự chi tiết. Những mẩu đối thoại, độc thoại hay sự thay đổi không gian đều thông qua hoạt động ý thức của nhân vật. Tác phẩm phơi bày vết thương tinh thần và hiện thực đầy mâu thuẫn do “cách mạng văn hóa” gây nên, phê

phán hủ tục còn tồn tại trong xã hội hiện đại khiến cho đôi bạn trẻ không có chỗ để hẹn hò. Từ biểu tượng cánh diều, dòng ý thức của nhân vật được bộc lộ rõ nét, cánh diều như khát vọng của lớp người mới với ước mơ về ngôi nhà hạnh phúc của cả hai, ước mơ về con đường đại học, con đường ấy trải rộng, bay cao theo cánh diều.

Thế giới tinh thần của Nghê Ngô Thành là những tháng ngày đau khổ, nhà văn dường như nhập vào nhân vật để kể lại những dằn vặt suy nghĩ của nhân vật: “Lại còn công việc, lại còn tiền lương, lại còn triết học, lại còn chính trị, lại còn kháng Nhật, lại còn sức khỏe, lại còn tình yêu mà anh ta luôn khao khát nhưng căn bản là không thể có. Lại còn tiền nợ và tiền chịu ở khắp nơi. Lại còn lối thoát, sự lựa chọn về nay từ sau, con đường sống từ nay về sau. Tất cả đều là một mớ hồ đồ, một màu đen kịt. Thế giới rộng mênh mông nhường ấy, mà chẳng có một con đường cho anh ta đi thông ra được, tất cả những tư tưởng cao thượng kia, anh ta có thực hiện được không? Tất cả những lối sống cẩu thả thấp kém kia, anh ta liệu có an tâm được không? Ôi…sống không bằng chết, nhưng anh ta có chết cũng chẳng dám!” [80, tr.399-400]

Ở Chekhov, các biểu tượng xuất hiện trực tiếp gắn liền với việc miêu tả nhân vật, sự việc hay không gian chứ ít thông qua dòng ý thức của nhân vật. Điều đặc biệt hơn, biểu tượng trong sáng tác của Vương Mông do chính nhân vật nhắc đến và nói về ý nghĩa của chúng (suy nghĩ của Tố Tố về cánh diều, Trần Cảo về mắt đêm, Trương Tư Viễn về mộng hồ điệp, cây cầu, mưa táo, Lộc Trường Tư, Trịnh Mai Linh suy nghĩ về chiếc cầu, nhân vật anh nghĩ về chiếc lá, Thanh Hồ suy nghĩ về hình ảnh cáo mà đổi bút danh).

Trong chương 7, Thanh Hồ đã tự nghĩ về việc thay đổi tên gọi: Thế nào là Hồ? Là hồ ly, là con cáo. Cáo thì phải mềm dẻo, trơn tru, có thể phình to lên bằng con voi, có thể thu bé lại bằng con chuột. Cáo là rất tinh khôn, có thể hút tinh hoa của nhật nguyệt, có thể thâu tóm cái đẹp cái lạ của núi sông, có thế làm cho người ta yêu thích, có thể khiến người ta phiền lòng bực bội. Cáo là ranh ma khôn ngoan, có thể chạy hàng dặm mà không có tiếng động, có thể lên trời xuống đất mà không để lại dấu vết gì. Cáo là kì diệu có thể thay hình đổi dạng, có thể hóa mình đủ cách. Cáo lại thuộc phái nữ, nó xinh đẹp như hoa, nhỏ nhắn như làn mi, uốn éo nũng nịu như cô

gái, thần bí như ma quỷ. Cáo là giống hoang dã, nó điên lên như cơn lốc, nó luồn lọt vào vực thẳm khe sâu, nó cơ biến cười cợt, nó xảo trá độc ác như ong vò vẽ, ba con có thể đốt chết một con bò. Và Thanh Hồ, không phải chỉ có sắc lông xanh, mà là muốn nói nó luôn tắm mình dưới trăng, đồng thời cũng đại biểu cho một màu sáng xanh nhàn nhạt, một cặp mắt sâu thẳm, một khúc ngâm xa vời. Thanh Cô hay Thanh Hồ? [81, tr171]

Như vậy, nhà văn để nhân vật của mình liên tưởng, suy nghĩ về quá khứ, từ đó biểu tượng xuất hiện nối kết mạch truyện. Cả Kawabata và Vương Mông đều sử dụng biểu tượng như phương thức gợi nhắc về quá khứ, chủ đề câu chuyện luôn hướng về dòng chảy của thời gian nhưng nếu ở Kawabata, biểu tượng luôn gợi nhắc quá khứ phai phôi, niềm tin mất mát, đau thương bởi chia ly và những cái chết thì dòng suy nghĩ trong tác phẩm của Vương Mông hướng đến niềm lạc quan, tin yêu và hy vọng dẫu cho các biểu tượng đó gắn liền với tiềm thức nhân vật, những suy ngẫm về quá khứ đau thương.

Thời gian, không gian trong tác phẩm hoán đổi cho nhau tạo nên sự da diện trong cuộc đời nhân vật khiến tác phẩm đi theo chiều sâu nội tâm, vì vậy mở ra đường dây liên tưởng rộng lớn cho các biểu tượng. Chẳng hạn, từ biểu tượng con bướm biến hóa trong giấc mơ mộng ảo của Trang Sinh mà nhà văn đưa người đọc đến thực tại với cuộc đời biến hóa, thăng trầm của Trương Tư Viễn, cuộc đời ấy đang vinh quang bỗng chốc đầy bùn lầy rồi lại tỏa sáng chỉ trong nháy mắt: “Ông là “bác Trương”, sao bỗng nhiên biến thành Thứ trưởng Trương được nhỉ? Thật là một chuyện thú vị” [79, tr.91] hay: “Cũng như lúc đầu ngay lập tức ông trở thành thui thủi một thân, bóng hình làm bạn, không ai được tiếp xúc, thì bây giờ ngay lập tức ông lại trở thành hy vọng, thành trung tâm khiến mọi người nhìn vào” [79, tr.160]. Đây là thời điểm mà Trương Tư Viễn đã được giải án oan, ông nhìn lại quá trình biến đổi đời mình, tựa như con bướm kia biến hóa khôn lường. Như vậy, từ một cảm giác có tính chất ngẫu nhiên, nhà văn làm sống dậy cả một khoảng không-thời gian rộng lớn. Phải chăng “Cuộc sống mà không cần ngoảnh lại cân nhắc thì chẳng qua chỉ là cuộc sống vội vàng lướt qua. Đã không cần ngoảnh lại cân nhắc thì còn có vị gì nữa”

Nhân vật Mai Linh trong Sáu cây cầu trên đê mùa xuân đọc mấy câu thơ thì người đọc cảm thấy bà đang hồi tưởng về quá khứ, ước vọng về tương lai khi đi qua những đoạn đời khác nhau :

Tôi mơ thấy bầu trời bát ngát, Tôi mơ thấy rất nhiều ngôi sao. Tự nhắc nhở đó chỉ là mộng ảo,

Tỉnh giấc rồi vẫn nuối tiếc khôn cùng. [...]

Tôi mơ trên sân cỏ trở thành anh hùng,

Bóng không ném trượt, trăm quả trúng cả trăm… Tỉnh giấc rồi vẫn thấy người bay lâng lâng

Dù tự nhắc đó chỉ là mộng ảo. [...]

Em đã mơ rất nhiều,

Nhưng chẳng lần nào mộng thấy điều muốn mơ”

[79, tr.266-267]

Việc sử dụng thủ pháp dòng ý thức tạo điều kiện cho độc giả mở rộng trường liên tưởng, sự đối ứng giữa quá khứ và hiện tại thể hiện rõ nét. Qua hệ thống biểu tượng, nhà văn có điều kiện để nhân vật trình bày suy nghĩ, những chiêm nghiệm về cuộc đời trong sự đối chiếu từ xưa tới nay.

Khi được hỏi về sự ra đời của những cuốn tiểu thuyết mới, Vương Mông nói rằng những tác phẩm đó “không tuân theo kết cấu của bản thân cuộc sống, mà là tuân theo hình ảnh phản chiếu của cuộc sống trong tâm linh mọi người, trải qua sự nhấm nháp nghiền ngẫm nhiều lần nơi tâm linh con người, trải qua những ký ức, lắng đọng, hoài niệm, quên lãng rồi lại hồi ức lại” [96, tr.40]. Tác phẩm của Vương Mông không phải là sự nhìn nhận giản đơn một chiều, sự sâu sắc trong tác phẩm chính là “sự nhấm nháp nghiền ngẫm nhiều lần nơi tâm linh con người”, để ta có thời gian hồi tưởng, có thời gian ngẫm nghĩ, có thời gian đối sánh với quá khứ và “hồi ức lại” bởi ông từng nói: “Đối với nhà văn mà nói, tìm tòi cuộc sống, tức là tìm tòi thế

giới tinh thần của con người”. Với nhận thức như vậy, ông mạnh dạn phá bỏ cách viết truyền thống, mượn kỹ thuật viết “dòng ý thức” của phương Tây nhằm thể hiện rõ ý nghĩa biểu tượng đồng thời mở rộng trường liên tưởng phong phú rất khác biệt so với cách viết truyền thống.

Vương Mông là một trong số ít tác giả tiếp thu nền văn hóa dân tộc, vận dụng vào tác phẩm của mình một cách linh hoạt, sáng tạo đồng thời tiếp thu, cải biến thủ pháp sáng tác Tây phương hiện đại tạo được hiệu quả nghệ thuật đặc sắc. Nhà văn cho rằng cách làm của ông là “dùng truyền thống đột phá truyền thống”. Nhà phê bình văn học Trần Minh Sơn đã có đánh giá về Vương Mông: “Ông được coi là người đi tiên phong trong việc cách tân thể loại tiểu thuyết của văn học Trung Quốc Thời kì mới. Với việc vận dụng nhuần nhuyễn thủ pháp “dòng ý thức” của lý luận chủ nghĩa hiện đại phương Tây, từ năm 1979 đến 1980, ông viết một mạch sáu tiểu thuyết mới18F

19 gây chấn động văn đàn Trung Quốc lúc đó, thu hút sự chú ý của giới lý luận” [96, tr.39].

Tiểu thuyết truyền thống thường có tính mục đích rõ ràng, có chủ đề tư tưởng xác định, do vậy tác giả thường tập trung khắc họa nhân vật để thể hiện đạo lý. Thời Cách mạng văn hóa còn có lý thuyết duy tâm cho rằng chủ đề đi trước tình tiết, nhân vật khiến hàng loạt tác phẩm có khuynh hướng trùng lặp nhau, cốt thể hiện tư tưởng thông qua công thức cho sẵn. Tiểu thuyết của Vương Mông không có hàm ý làm nổi chủ đề định sẵn, mỗi tác phẩm của ông như “kính vạn hoa” biểu hiện một thế giới đầy phức tạp, luôn xoáy sâu đời sống tinh thần. Đây chính là cách làm mờ hóa chủ đề, nội dung tư tưởng được hiểu rõ khi độc giả tìm được sợi dây liên tưởng từ nghĩa gốc ban đầu thông qua biểu tượng trong tác phẩm.

Thủ pháp dòng ý thức luôn được nhà văn tận dụng ưu thế để nhận thức về cuộc đời có lẽ vì những biến động của bản thân cũng như thời đại nhà văn đang sống.

Một phần của tài liệu biểu tượng trong sáng tác của vương mông (Trang 71)