Biểu tượng và khả năng tạo nghĩa

Một phần của tài liệu biểu tượng trong sáng tác của vương mông (Trang 65)

7. Cấu trúc luận văn

3.2.Biểu tượng và khả năng tạo nghĩa

Nếu như trong sáng tác của Kawabata, biểu tượng thường mang ý nghĩa tương phản, đối lập như biểu tượng xứ tuyết với cuộc hành trình của Shimamura, niềm khao khát trở về thiên nhiên ban sơ, thuần khiết, tránh xa thực tại thì đến đây, anh lại dấy lên tình yêu nồng nàn với Komako và tình cảm tôn thờ với Yoko (Xứ tuyết), biểu tượng cố đô mang trong mình những nét truyền thống nhưng trong chiều hướng phai phôi khi phương Tây du nhập (Cố đô), biểu tượng chén trà Shino (Ngàn cánh hạc) với vẻ đẹp thuần khiết của trà đạo dấy lên bao suy nghĩ về nếp uống trà và những phàm tục xoay quanh đó thì biểu tượng trong sáng tác của Vương Mông lại mang ý nghĩa chuyển tiếp, luôn đi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Hồ điệp là biểu tượng sự biến hóa từ cuộc sống đầy biến động sang cuộc đời vinh quang của Trương Tư Viễn, cây cầu là sự hoài niệm từ quá khứ sang thực tại của Lộc Trường Tư và Trịnh Mai Linh, chiếc lá phong là miền kí ức từ quá khứ chảy tràn đến thời hiện tại, con rối là sự lựa chọn lối sống phong kiến sang phương Tây, cánh diều và mắt đêm là những khát vọng từ hiện tại mơ đến cuộc đời mới, cát xét viêm là câu chuyện quá trình hiện đại hóa quá mức và những lo lắng hướng đến tương lai.

Trên đây là những biểu tượng mang ý nghĩa chuyển tiếp trạng thái nếu xét từ chính biểu tượng đó. Mở rộng trong toàn bộ tác phẩm, chúng tôi cũng nhận thấy điều đặc biệt: sự kết hợp các biểu tượng, biểu tượng phụ bổ sung ý nghĩa cho biểu tượng chính cũng đi theo chiều hướng: chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác và gặp nhau ở điểm chung: phát triển ý nghĩa nội dung tác phẩm. Trong sáng tác của Vương Mông, đối với truyện dài sẽ xuất hiện biểu tượng chính xuyên suốt, các biểu tượng nhỏ tập trung làm nổi bật biểu tượng chính. Sự cộng hưởng ý nghĩa các biểu tượng làm cho chủ đề được sáng tỏ, ý nghĩa tác phẩm được mở rộng. Biểu tượng phát triển ý nghĩa với bản thân như biểu tượng hồ điệp, nhóm biểu tượng mở rộng ý nghĩa trong toàn bộ tác phẩm như các biểu tượng trong Hồ điệp, Cáo xanh, Hoạt động biến nhân hình. Các truyện ngắn như Dải cánh diều, Mắt đêm, Tiếng mùa xuân, Sáu cây cầu trên đê mùa xuântuy không tập trung nhiều biểu tượng để cộng hưởng

ý nghĩa nhưng chúng đều mang ý nghĩa mở, thể hiện thái độ lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống như Dải cánh diều với ước mơ bay cao, Mắt đêm với không gian bao quát tầm nhìn, âm thanh cuộc sống đổi mới trong Tiếng mùa xuân

Lấy ví dụ về biểu tượng trung tâm hồ điệp. Biểu tượng này xuất hiện năm lần, ba lần trong phần Bản làng, một lần trong phần Lên đường và một lần ở phần Cáo biệt. Trong năm lần xuất hiện đó, lần thứ nhất hồ điệp xuất hiện trực tiếp nhắc đến tích Trang Chu: “Trang Sinh nằm mơ thấy mình hóa bướm nhẹ nhàng bay lượn. Đến khi tỉnh dậy, Trang Sinh cũng không biết bản thân mình là vật gì nữa. Lúc tỉnh là Trang Sinh, trong mơ là bướm, phải vậy chăng? Hay là lúc tỉnh là bướm, trong mơ là Trang Sinh? Ông ấy là Trang Sinh, trong mơ hóa thành Trang Sinh, hay ông ấy chính là bướm, chỉ trong mộng mới tự nhận mình là người, là Trang Sinh?” [79, tr.139] nhưng đây chỉ là diễn giải tích truyện.

Lần thứ hai, nhân vật đã so sánh mình với cuộc đời đầy sóng gió. Hóa thân nhiều lần, Trương Tư Viễn tưởng mình như con bướm trong giấc mộng Trang Chu, mấy lần biến hóa: “Ông cũng là một con bướm nhưng không bay lượn [...] Một cán bộ Bát lộ quân luồn rừng xuyên núi hóa thành nhà lãnh đạo, nhà cầm quyền hiển hách quyền uy rồi lại hóa thành một bia bắn sống để cho quần chúng cách mạng xô đi đẩy lại, rồi hóa thành tên tù cô đơn, cuối cùng hóa thành con bướm hiu quạnh vì bị bỏ quên. Ông có thể chịu đựng nổi mấy lần biến hóa đó không?” [79, tr.140].

Lần thứ ba, Trương Tư Viễn muốn như cánh bướm vượt thoát khổ nạn: “ông chỉ mong sao mình biến thành bướm thật để từ ngọn núi tuyết phủ kia bay sang thung lũng nước chảy rào rào, từ rừng đầy quả dại bay sang những ruộng bậc thang” [79, tr.142]

Lần thứ tư, trong chuyến xe về bản làng, những chuyện xô bồ của cuộc sống khiến ông nghĩ về cuộc sống hiện tại: “Chuyện này đâu phải chuyện Trang Sinh mơ thấy mình hóa thành bướm hoặc bướm mơ thấy mình hóa thành Trang Sinh, mà là chuyện con trâu mơ thấy mình hóa thành máy kéo, hoặc máy kéo mơ thấy mình biến thành trâu vậy.” [79, tr.186]

Lần thứ năm, cánh bướm xuất hiện thể hiện ước mơ bay cao, đó không còn là ước vọng thoát khỏi cuộc đời vạn biến mà là niềm tin về đất mẹ Trung Hoa, “Một

cánh hơi nâng cao, máy bay đang bay lượn để đạt tới độ cao dự định. Máy bay bay cao hơn bất kì một con bướm nào […] bất kể bay cao đến đâu, máy bay đến từ đất thì nhất định phải trở về với đất. Bất kể người hay là bướm thì cũng đều là con đất đai rộng lớn” [79, tr.211]

Năm lần xuất hiện nhưng biểu tượng hồ điệp không chỉ minh họa, làm rõ tích truyện Trang Chu, mỗi lần xuất hiện biểu tượng này lại mang ý nghĩa khác, tác giả nói về thời hiện đại trong niềm tin tưởng đất nước. Đặt trong mối quan hệ ý nghĩa, ta thấy những lần xuất hiện đều mang ý nghĩa tịnh tiến, đều có sự phát triển về ý nghĩa: giới thiệu – biến hóa – vượt thoát – đời thường – niềm tin. Vì vậy, lấy Hồ điệp làm tiêu đề tiểu thuyết, Vương Mông đã gợi ra bao ý nghĩa.

Đặt các biểu tượng trong toàn bộ tác phẩm ta thấy, biểu tượng trung tâm là giấc mộng hồ điệp biểu thị sự biến hóa đời người. Hai biểu tượng phụ cánh hoa và bánh xe chỉ cái chết của Hải Vân xuất hiện đầu tác phẩm biểu thị sự chia ly. Cuối tác phẩm, hai biểu tượng mưa táo và cây cầu mở ra không gian rộng lớn biểu thị ước mơ, khát vọng của nhân vật. Trong tác phẩm, Vương Mông có hai phần riêng dành cho sự tượng trưng đầy tính ẩn dụ: Mưa táoCây cầu: “Có lẽ hướng về bình đẳng, chất phác, tình bạn và một xã hội giàu có như mưa táo rơi đầy đất, hướng về sự công bằng, chính trực chung cho cộng đồng và đời sống đầy đủ đã tiềm ẩn trong những trái tim nhặt táo bé nhỏ thích huyên náo đó chăng?” [79, tr.195] hay “Những gì chúng ta mong mỏi, thỏa thuận, nợ nần hoặc làm tổn thương thì dần dần chúng ta cũng đã thực hiện rồi. Dù sao chúng ta cũng học được chút ít gì đó. Bà con ạ, táo ngọt hồng tươi rơi xuống như mưa” [79, tr.196]. Cơn mưa táo là niềm hy vọng hướng tới tương lai, một giấc mơ ngày mai tươi sáng đi trên cây cầu đầy vinh quang,

“cây cầu đó kiên cố và thông với ánh mặt trời” [79, tr.214]. Đó cũng là ước vọng của nhà văn trước những dông tố cuộc đời, một sự chiêm nghiệm đầy ý nghĩa.

Trong Cáo xanh, biểu tượng cáo với thuộc tính hai mặt lồng ghép với biểu tượng con đường thể hiện khát vọng tìm kiếm ý nghĩa bản thể cuộc sống của nhân vật Lư Sảnh Cô. Biểu tượng trung tâm là cáo xanh, biểu tượng con đường chỉ là biểu tượng nhỏ xuất hiện cuối tác phẩm nhưng lại giàu sức gợi.

Theo nghĩa gốc, con đường là lối đi dẫn bước chân đến nơi mà họ muốn. Mở rộng ra, con đường chính là cuộc hành trình tìm đến đích cuối cùng của đời người, đến với hạnh phúc, niềm vui, chân lý,… Trong tác phẩm Hữu thể và thời gian,

Martin Heidegger xem cuộc đời con người chỉ là một phác hoạ, muốn hoàn thiện bản thân, chúng ta phải biết vượt qua hoàn cảnh để kiếm tìm bản ngã. Văn học truyền thống phương Đông thường mô tả các cuộc hành trình về với thiên nhiên như biểu tượng tìm kiếm ý nghĩa (hành trình Shimamura trong Xứ tuyết trở về thiên nhiên nguyên sơ; hình ảnh con đường trong các vở kịch của R. Tagore như Thầy tu khổ hạnh, Nhà bưu điện, Dòng thác; Cao Hành Kiện với Linh Sơn). Như vậy, có thể xem Lư Sảnh Cô đang trong hành trình tìm kiếm bản thân, tìm ý nghĩa cuộc đời và ý nghĩa đích thực cuộc sống.

Dù tài năng được đón nhận và trở thành nhà văn nổi tiếng nhưng Lư Sảnh Cô lại chọn lối sống ẩn dật, thoát khỏi cuộc sống tầm thường bằng cách luyện khí công. Hình ảnh khe Hồ Ly, nơi Sảnh Cô tìm thấy ý nghĩa cuộc đời mình hiện ra với không gian đậm chất kì ảo: Từ Bao nguyệt lâu đi vòng ra sau núi có một con đường nhỏ ngoằn ngoèo lên cao, thế núi chênh vênh, vách núi xô nghiêng, sau đó chỉ còn khe cạn, dưới khe cạn là đá cuội, người ta đặt tên là khe Hồ Ly, tương truyền rằng xưa kia có rất nhiều cáo và những câu chuyện li kì về cáo. Đi theo khe núi đầy đá cuội ngược lên có con cáo già cao to và có phép thần thông. Trong lịch sử có nhiều người muốn lên để thấy Hồ Ly tinh một lần nhưng không phải lên nửa chừng rồi sợ thì cũng bỏ mạng nơi rừng sâu. Thanh Hồ nghe kể rất thích thú, cô men theo khe Hồ Ly vào rừng đêm khuya. Sau này, cô viết tác phẩm cuối của cuộc đời Nguyệt Hồ nơi núi thẳm, từ bỏ con đường sáng tác văn chương. Nhiều lần, cô nằm mơ thấy mình vái lạy dưới trăng, vài năm sau, cô luyện khí công, biết biến hình, cưỡi mây đạp gió. Thanh Hồ đã trở thành con cáo xanh với bao nỗi niềm cay đắng.

Trong Hoạt động biến nhân hình, nhân vật Nghê Ngô Thành sống trong ngôi nhà được miêu tả như nhà tù. Biểu tượng nhà mở rộng ra là chế độ phong kiến khiến nhân vật cảm thấy bức bối trước làn sóng phương Tây du nhập: “Nghê Ngô Thành bước vào nhà cửa của mình mà như đi vào hầm chứa băng. Chẳng lẽ anh ta đang đi vào một thế giới chết chóc? Sau cơn điên cuồng giận dữ kia, trong sân không còn

một chút sinh khí nào nữa […] Những cái chén uống trà trên bàn đọng lại bao nhiêu cặn trà từ bao nhiêu hôm trước. Dưới đất cũng bao nhiêu ngày chưa hề quét. Trên giường có cả một lớp bụi. Cảm giác chết chóc tĩnh lặng khiến anh ta phát rủn người”

[80, tr.190]. Nhân vật rơi vào vòng rối ý thức bản thân, sự giằng xé giữa hai làn tư tưởng Đông Tây khiến nhân vật rơi vào bi kịch không lối thoát. Vì vậy, biểu tượng ngôi nhà tuy không phải là biểu tượng trung tâm nhưng sự kết hợp với biểu tượng con rối đã mở rộng ý nghĩa: sự giao thoa gìn giữ nét văn hóa truyền thống hay tiếp thu thành tựu một cách máy móc. Điều đáng lưu ý là tiểu thuyết này cũng dành trọn những chương cuối cùng nêu kết thúc cho số phận các nhân vật. Nghê Ngô Thành sống trong những năm tháng khó khăn, bản thân ông muốn thoát khỏi chế độ phong kiến đang kìm kẹp gia đình nhưng không được, hạnh phúc tan vỡ. Sau này, ông tham gia Cách mạng và sống cuộc đời không hối tiếc. Cách mạng đến mang theo những đổi thay, tầng lớp tư sản như mẹ vợ và chị vợ lâm vào cảnh lao đao nhưng hơn hết còn Nghê Tảo, bạn của tác giả sẽ là những trí thức mới thay đổi xã hội.

Như vậy, những biểu tượng trong sáng tác của Vương Mông phần lớn tồn tại trong thế phát triển ý nghĩa với bản thân nó hoặc cộng hưởng với các biểu tượng khác đặt trong tác phẩm. Hệ thống bốn biểu tượng chính mà chúng tôi đã phân chia:

Biểu tượng chia ly => Biểu tượng biến hóa => Biểu tượng hy vọng => Biểu tượng “hiện đại” là sự phát triển ý nghĩa của biểu tượng. Trong đó, biểu tượng biến hóa (con rối, con cáo, hồ điệp) là nơi tập trung những thủ pháp nghệ thuật mới mẻ với khả năng triển khai ý nghĩa sâu sắc.

Trong tác phẩm của Kawabata, phương thức tạo nghĩa các biểu tượng theo hướng tương phản, đối lập thể hiện ý nghĩa trong chiều hướng phai phôi. Với tác phẩm của Vương Mông, những biểu tượng mang trong mình ý nghĩa lồng ghép thường kết thúc theo chiều hướng tịnh tiến với không gian mở, kết thúc tác phẩm nhân vật hướng về tương lai dẫu quá khứ đầy biến động.

Nếu cảm thức thẩm mỹ của Kawabata luôn hướng tới cái đẹp và buồn thì ở Vương Mông lại hướng tới cái buồn nhưng hy vọng. Cuộc đời Kawabata nhiều thăng trầm hòa quyện cùng nền văn hóa Phù Tang luôn đem đến cho tác phẩm sắc thái thương cảm. Ở Vương Mông, tinh thần Cách mạng cùng tư tưởng Lão Trang khiến

nhà văn luôn tin vào cuộc sống. Bản thân Vương Mông trong tác phẩm Triết học nhân sinh của tôi đã nói: “Cảnh ngộ luôn luôn biến đổi [...] Thực ra sự biến đổi đó là rất bình thường [...] Mọi biến đổi đều có cái giá của chúng [...] Sự biến đổi của sự vật thường nối tiếp nhau, nghịch cảnh là sự chuẩn bị cho thuận cảnh, thuận cảnh là tấm đệm cho nghịch cảnh, trong thuận cảnh có thể đã ẩn chứa nhân tố của nghịch cảnh, trong nghịch cảnh có thể đã tích lũy nhân tố cho thuận cảnh” [82, tr.242-243],

“Người ta ai cũng có cơ hội của mình, cũng có trở ngại cho mình; có vô thường và cũng có hữu thường riêng của mình, có cơ may xuôi buồm thuận gió và cũng có vận ách của mình. Chúng ta hãy đối xử với những biến hóa trong cảnh ngộ của mình bằng thái độ thông minh hơn, lý tính hơn” [81, tr.263]. Nhân vật Trương Tư Viễn trải qua khó khăn và nhận ra: “Tất cả những thứ đó đến gõ cửa tâm linh của mỗi người, dù rằng vết thương đau đớn làm một số tâm linh nào đó đã rạn nứt như mặt trống vỡ, nhưng rồi vẫn phát ra một chút âm vang, cho người ta một chút hy vọng [...] Ông đã quen lạc quan và đầy hy vọng. Trong mùa xuân này, ông lại tràn trề dự cảm về một sự chuyển biến nào đó” [79, tr.153]. Bản thân Vương Mông cùng gia đình đã trải qua mười sáu năm cơ cực ở vùng biên cương trước khi nhà văn được gỡ bỏ tội danh phần tử phái hữu, trở nên nổi tiếng trên văn đàn. Những nhân vật của ông dù trong khó khăn vẫn ánh lên niềm lạc quan, hy vọng ở cuộc sống mới.

Việc sử dụng phương thức tạo nghĩa trong biểu tượng của Vương Mông do sự cộng hưởng nền văn hoá Trung Hoa với tinh thần khoáng đạt, niềm vui lạc quan: “Văn hóa Trung Hoa làm mê người ta ở chỗ đó: thú vui điền viên trong đời sống và phong hoa tuyết nguyệt trong nghệ thuật văn học” [29, tr.53],“Người Trung Hoa tìm hạnh phúc lý tưởng không phải trong sự phát triển tài năng của mình như người Hy Lạp mà trong một cuộc đời bình dị, thôn dã hài hòa với mọi người [29, tr.59],“người Trung Hoa tuyên bố một cách rất minh bạch rằng nội dung chân thực của đời sống là tìm cái vui trong cuộc sinh hoạt bình dị, hòa hài với gia đình và xã hội” [29, tr.53]

Như vậy, bản thân việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật này đã thể hiện nhân cách người con Trung Hoa trước muôn trùng sóng gió vẫn lạc quan, yêu đời, tràn đầy niềm tin vào cuộc đời mới.

Biểu tượng trong sáng tác của Vương Mông mang sắc thái thẩm mỹ riêng không trùng lắp với bất kì nhà văn nào khác. Sự tạo nghĩa biểu tượng luôn theo chiều hướng tịnh tiến, phát triển ý nghĩa không chỉ ở bản thân biểu tượng mà còn trong toàn bộ tác phẩm cũng như toàn bộ hệ thống sáng tác. Phương thức tạo nghĩa theo chiều hướng nối kết, phát triển góp phần không nhỏ trong việc thể hiện nội dung tư tưởng. Sự tồn tại cùng lúc những biểu tượng với thế phát triển ý nghĩa là nét thú vị trong sáng tác của nhà văn.

Một phần của tài liệu biểu tượng trong sáng tác của vương mông (Trang 65)