Biểu tượng và nhan đề tác phẩm

Một phần của tài liệu biểu tượng trong sáng tác của vương mông (Trang 60)

7. Cấu trúc luận văn

3.1. Biểu tượng và nhan đề tác phẩm

Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hầu hết nhan đề được đặt theo biểu tượng chính trong tác phẩm nhằm thể hiện dụng ý nghệ thuật. Nghiên cứu các biểu tượng gắn liền với tên tác phẩm là chìa khóa bước đầu hiểu được phương thức tạo nghĩa của chúng.

Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần, được nhà văn dụng công trong việc đặt tên nhằm gửi gắm thông điệp và thể hiện nội dung tư tưởng. Thông thường, nó gắn với tên nhân vật chính, sự việc chính, hình ảnh trung tâm hay đầu mối gợi dẫn câu chuyện. Ngay cả khi nhan đề và nội dung không ăn nhập với nhau thì bản thân nhan đề bộc lộ sự vô nghĩa của xã hội như trong văn học phi lý. Việc đặt tiêu đề như một biểu tượng trong tác phẩm không phải là điều mới mẻ, A.P. Chekhov hay Y. Kawabata là những nhà văn thường sử dụng biểu tượng. Những tác phẩm như Thảo nguyên, Phòng 6, Người đàn bà có con chó nhỏ, Người trong bao, Con kỳ nhông,... của Chekhov hay Xứ tuyết, Cố đô, Ngàn cánh hạc, Tiếng rền của núi,

Thủy nguyệt, Cánh tay,… của Kawabata là những biểu tượng nghệ thuật đầy sáng tạo. Nhan đề tiểu thuyết của Vương Mông phần lớn cũng là một biểu tượng nhưng có điểm độc đáo, khác biệt với hai kiểu loại như sau:

Thứ nhất, biểu tượng làm tên nhan đề xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm

như Sáu cây cầu trên đê mùa xuân, Chiếc lá phong, Cáo xanh, Cát xét viêm. Hình ảnh chiếc cát xét (Cát xét viêm) được nhắc đến 36 lần, con cáo (Cáo xanh) 66 lần, chiếc lá phong (Chiếc lá phong) và cây cầu (Sáu cây cầu trên đê mùa xuân) 25 lần. Biểu tượng kiểu loại này được khắc họa trực tiếp, xuất hiện tương đối nhiều trong thiên truyện, chúng có điểm gần gũi với sáng tác của Chekhov nhưng vẫn có nét khác

biệt. Nhan đề truyện ngắn Chekhov thường là biểu tượng trung tâm được tác giả khắc họa, miêu tả xuyên suốt, gắn liền trực tiếp với tên gọi tác phẩm như Người trong bao

là biểu tượng kiểu người sống thu mình, sợ hãi, Con kỳ nhôngtập trung khắc họa tên quan thay đổi lối hành xử vì sợ quyền uy như con kỳ nhông, Anh béo, anh gầy miêu tả anh gầy vì thấy anh béo có chức quan lớn nên từ thái độ thân mật mà chuyển sang cung kính đến đáng sợ. Trong sáng tác của Vương Mông, tuy biểu tượng xuất hiện nhiều nhưng sự thể hiện nội dung không những nằm ở biểu tượng chính mà còn mở rộng phạm vi phản ánh.

Tiểu thuyết Cáo xanh gắn liền với bút pháp mới mẻ, ảo thực xen kẽ tạo nên sự giao hòa giữa khát vọng tình yêu, tự do và thân phận con người trong giới văn nghệ. Biểu tượng Cáo xanh được nhà văn nhắc đến 66 lần trong gần 900 trang sách. Thanh Hồ sống trong những năm tháng biến động của lịch sử, cuộc đời cô long đong, chìm nổi, khao khát tình yêu nhưng khi đạt đến đỉnh cao sáng tác, cô từ bỏ để luyện khí công. Tác phẩm không chỉ khắc họa cuộc đời Thanh Hồ mà bao quát hơn cả là giới trí thức văn nghệ giữa năm tháng chính trị sôi sục. Mỗi một chương đều có nhân vật được khắc họa về tính cách, tài năng. Thanh Hồ như đầu mối gợi dẫn, nối kết các nhân vật, sự kiện chính, từ đó làm nên thế giới nhân vật sinh động, phong phú. Hơn 1/3 thiên truyện mô tả trực tiếp cuộc đời và số phận Thanh Hồ (chương 1, 2, 3, 7, 9, 10, 14, 17, 18, 25, 27) còn lại gần 2/3 tác phẩm nói đến từng nhân vật cùng những trí thức giới văn nghệ (chương 4 bắt đầu có sự xuất hiện của những nhà trí thức mới như Tuyết Sơn, Dương Cự Đĩnh, Tử La Lan, Viên Đạt Quan, Triệu Thanh Sơn. Chương 5 nói về Tiền Văn và Tử La Lan. Chương 6, 8, 16, 21, 22 nói về Tiền Văn, chương 11, 20 nói về Bạch Hữu Quang và Tiền Văn, chương 12 là sự xuất hiện của Lý Tú Tú, chương 13 là Mễ Kỳ Nam, chương 15, 26, 27, 28, 29 là cuộc tranh luận của giới văn nghệ, chương 19 nói về Lã Lâm Lâm, chương 24 nói về Dương Cự Đĩnh, Kim Tú Mai, Hạng Đồ, Hoa Chương, Trần Chí Cường, chương 25 nói đến Tuyết Sơn, Lý Tú Tú). Với số lượng gần 900 trang sách, biểu tượng Cáo xanh chỉ được nhắc đến 66 lần là con số không phải quá lớn, sự thể hiện nhân vật không phải là trung tâm như trong tác phẩm của Chekhov. Trọng tâm tác phẩm của Vương Mông chính là số phận con người giữa dòng lịch sử, số phận cá nhân gắn liền với vận mệnh đất nước. Vì thế Cáo

xanh không chỉ mô tả biểu tượng cáo xanh Thanh Hồ mà hơn hết, biểu tượng ấy là sợi dây gắn kết câu chuyện giữa những trí thức cùng thời.

Cát xét viêm là câu chuyện kết quả của quá trình công nghiệp hóa. Tiếng cười trào phúng tạo nên giọng điệu u mua, thủ pháp phóng đại làm nhòe đi hình tượng trung tâm. Hình ảnh cây cầu trong Sáu cây cầu trên đê mùa xuânchỉ làm nền để Lộc Trường Tư và Trịnh Mai Linh gặp gỡ, tâm sự về chuyện đời, cái ẩn ý sâu xa không phải toát ra từ nội dung mà nó được nhắc đến từ ý nghĩa nhan đề. Do vậy, ngay cả khi tiêu đề đồng nhất với biểu tượng trung tâm, Vương Mông cũng làm cho nó trở nên độc đáo, mở rộng phạm vi ý nghĩa. Điều này có nét gần gũi với những biểu tượng của Kawabata. Xứ tuyết không chỉ là biểu tượng về cuộc hành trình của nhân vật Shimamura mà còn gợi bao câu chuyện tình yêu và khát vọng với nàng Komako và Yoko, Ngàn cánh hạc không chỉ là câu chuyện về trà đạo mà còn gợi ra bao ý nghĩa về cuộc sống trong sự suy vi truyền thống, Cố đô là niềm hoài cổ về quá khứ đã xa nhưng ẩn chứa những lo âu về sự biến đổi cuộc sống phương Tây du nhập.

Thứ hai, biểu tượng làm tên nhan đề ít xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm.

Bản thân những biểu tượng của Kawabata cũng để ý nghĩa biểu tượng được nảy sinh, phát triển phong phú nhưng nếu Kawabata sử dụng phép lặp chi tiết, lặp hình ảnh biểu tượng xuyên suốt tác phẩm hay phạm vi thể loại thì Vương Mông ít khi sử dụng phép lặp nhằm mờ hóa biểu tượng, mờ hóa chủ đề, sự thể hiện nội dung cũng trở nên độc đáo. Nhà văn không miêu tả rõ nét biểu tượng như trong Mắt đêm, Tiếng mùa xuân, Hồ điệp, Dải cánh diều, Hoạt động biến nhân hình,.. nhưng điều đặc biệt là

từ nhan đề, người đọc bước đầu xác định chủ đề tác phẩm được gợi ra từ biểu tượng đó. Với Vương Mông, biểu tượng trung tâm làm nhan đề không nhất thiết phải chú trọng xây dựng, không nhất thiết xuất hiện trực tiếp nhưng chúng là tiêu điểm nối kết những biểu tượng phụ hay hệ thống nhân vật trong tác phẩm nhằm hướng tới chủ đề nhất định.

Chẳng hạn, mộng hồ điệp là biểu tượng làm nền cho việc phản ánh cuộc đời Trương Tư Viễn. Đây không phải là biểu tượng nhà văn miêu tả trực tiếp nhưng lại gợi đến sự biến hóa từ tích truyện Trang Chu. Trong tác phẩm, tích truyện được gợi dẫn qua dòng hồi tưởng của nhân vật, nhà văn không khắc họa tập trung như trong

sáng tác của Chekhov. Những tác phẩm như Hoạt động biến nhân hình, Tiếng mùa xuân, Mắt đêm, Dải cánh diều biểu tượng chỉ là sự vật được đưa vào tác phẩm, có khi xuất hiện rất mờ nhạt.

Lấy ví dụ về tiểu thuyết Hoạt động biến nhân hình. Tiểu thuyết có độ dài hơn 500 trang nhưng biểu tượng con rối chỉ xuất hiện 3 lần ở chương 9, 15, 18. Con rối xuất hiện trong tác phẩm là quyển sách mà Nghê Ngô Thành mua cho con trai Nghê Tảo. “Giống như một cuốn sách, toàn vẽ những bộ phận như đầu, nửa thân trên, nửa thân dưới, đều có thể lật giở một cách độc lập, như vậy lắp ghép vào nhau theo những trật tự lệch pha với nhau, có thể tạo thành vô số những hình vẽ người không giống nhau, vì vậy mới gọi là Hoạt động biến nhân hình” [80, tr.182]. Nghê Tảo nhận thức được rằng con người là do ba biểu tượng hợp thành: bộ phận đầu, bộ phận thân, bộ phận chân có thể biến đổi linh hoạt “hóa ra bao nhiêu kiểu biến hóa cực kỳ phong phú lắm màu sắc hình dạng của người ta là đã xảy ra như vậy […] Ôi, nếu mỗi người có thể tự biến đổi mình như vậy thì hay quá” [80, tr.310]. Hay lời của Nghê Ngô Thành: “Hoạt động biến nhân hình” của tuổi thơ mình, đầu người, hình

và bóng biến hóa một cách lạ lùng! Trong khi sắp sửa đi vào giấc ngủ hoặc sắp tỉnh lại, chẳng phải thường có sự ẩn hiện của những hình bóng đó hay sao?” [80, tr.380]. Biểu tượng chỉ xuất hiện thoáng qua và ít ai hiểu được nếu như không chú ý nhan đề

Hoạt động biến nhân hình chỉ sự biến hóa đời người do xã hội giao thoa giật dây với bao bi kịch gia đình.

Mắt đêm là những suy nghĩ của Trần Cảo khi ra tỉnh với bao nỗi niềm trước thực tại. Cả thiên truyện hầu như không miêu tả biểu tượng mắt, chỉ khi đến cuối tác phẩm, hình ảnh ấy loáng thoáng hiện ra một lần duy nhất: “Ngọn đèn mang hình dáng dấu hỏi hoặc là hình dấu chấm than bỗng biến thành mầu đỏ gạch như mắt một con quỷ. Con mắt vô cùng khủng khiếp, nó có thể biến con chim thành con chuột, con ngựa thành con gấu” [71, tr.185] như thay lời tác giả, cách nhìn nhận với cuộc sống còn nhiều bất cập, những lo lắng về nhân cách, tình cảm con người bị rạn nứt. Toàn bộ thiên truyện nếu không có nhan đề gợi dẫn, chúng ta rất khó nắm bắt chủ đề. Đó chỉ là những dòng suy nghĩ, ngỡ ngàng trước sự đổi thay cuộc sống, câu chuyện nhờ sửa cái ô tô, những suy nghĩ của nhân vật không tuân theo cốt truyện, chi tiết, không

có xung đột. Vì vậy, nhan đề định hướng tiếp cận chiều sâu văn bản, đường dây liên tưởng của biểu tượng gợi mở nội dung tác phẩm.

Cánh diều trong tác phẩm Dải cánh diều được nhà văn nhắc tới 4 lần, chỉ thoáng qua còn toàn bộ câu chuyện là những hội thoại, suy nghĩ của Tố Tố. Đêm khi gặp Giai Nguyên, Tố Tố nằm mơ thấy Giai Nguyên. Chiếc diều đã cũ kỹ và rách nát đến đáng thương nhưng nó bay cao trên mọi thứ, cánh diều bay qua núi, qua sông, qua rừng thông xanh,… Tố Tố cũng bay theo cánh diều, cô biến thành cái dải đuôi dài của cánh diều. Cánh diều ở đây tượng trưng cho khát vọng tình yêu của Tố Tố, cuộc gặp gỡ định mệnh nối kết trái tim hai người. Sau buổi hẹn hò bị thẩm vấn và may mắn thoát được, Giai Nguyên và Tố Tố chia tay và chúc nhau có giấc mơ đẹp tối nay – giấc mơ về một cánh diều – giấc mơ thi đỗ đại học – giấc mơ về một căn phòng của riêng hai người. Cánh diều tượng trưng cho khát vọng bay cao, niềm hân hoan trước cuộc đời mới.

Tiếng mùa xuân là những suy nghĩ của Nhạc Chi Phong trên chuyến tàu trở về quê hương. Dòng cảm xúc chảy tràn trên trang giấy, những đối thoại vu vơ khiến người đọc khó nắm bắt chủ đề. Nhờ nhan đề và dòng liên tưởng từ biểu tượng, người đọc hiểu được ý nghĩa thiên truyện: niềm hân hoan trước âm thanh cuộc sống khi đất nước đang phát triển.

Có thể nói, những biểu tượng xuất hiện mờ nhạt trong tác phẩm là sự sắp đặt có chủ ý. Vương Mông là nhà văn chú trọng xây dựng kết cấu tâm lý, việc để biểu tượng định hướng nội dung nhằm mục đích mờ hóa chủ đề, tác giả không giải thích, bình luận hay sắp xếp sự kiện theo nội dung định sẵn mà từ biểu tượng, người đọc tham gia giải mã nội dung, thâm nhập vào trò chơi nhà văn xây dựng. Đây là điều mới mẻ đối với tác phẩm cùng thời, sự vận dụng có sáng tạo thủ pháp hiện đại kết hợp với truyền thống minh chứng cho những lao động nghệ thuật không mệt mỏi của nhà văn.

Trong tác phẩm của Vương Mông, việc đặt tiêu đề trùng với biểu tượng chính tạo thành một kiểu loại xuyên suốt. Biểu tượng làm tên nhan đề có thể xuất hiện trực tiếp hay không trực tiếp, khắc họa chi tiết hay không chi tiết nhưng điểm cốt yếu đều

thống nhất. Tất cả tạo thành một thế giới biểu tượng phong phú, đa dạng và độc đáo trong sáng tác của nhà văn.

Một phần của tài liệu biểu tượng trong sáng tác của vương mông (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(141 trang)