3.2.1 Cần thay đổi nhận thức quản lý của các cơ quan chủ quản báo chí.
Hiện nay, cả nước ta có trên 700 ấn phẩm báo chí đăng tải về nhiều lĩnh vực khác nhau. Tất cả đều nằm dưới sự quản lý của các cơ quan chủ quản. Theo điều 12 của Luật Báo chí, thì cơ quan chủ quản báo chí là tổ chức đứng tên xin cấp giấy phép hoạt động báo chí và trực tiếp quản lý cơ quan báo chí. Cũng theo luật quy định thì cơ quan chủ quản báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn: “Xác định, chỉ đạo thực hiện tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ và phạm vi phát hành chủ yếu, công suất, thời gian, tần số, phạm vi toả sóng và ngôn ngữ thể hiện của cơ quan báo chí được quy định trong giấy phép” (Luật Báo chí, trang 198- 199). Như vậy, về mặt pháp lý, cơ quan chủ quản có vai trò rất lớn đối với hoạt động thông tin tuyên truyền của báo chí. Nói cách khác, cơ quan chủ quản là người chi phối toàn bộ hoạt động của cơ quan báo chí. Vì vậy, nhiệm vụ hoạt động của cơ quan báo chí là phải phục vụ cho những lợi ích thiết thực của cơ quan chủ quản. Trên hết về mặt nội dung, cơ quan chủ quản là người quyết định xác định chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo chí. Cơ quan báo chí đó càng có uy tín, có nhiều độc giả thì việc tuyên truyền cho cơ quan chủ quản càng hiệu quả hơn.
Trong thực tiễn thông tin tuyên truyền ở nước ta, các cơ quan báo chí đã không ngừng cố gắng tiếp cận công chúng của mình bằng những thể hiện cả nội dung và hình thức. Tuy nhiên, điều này khó có thể thành công nếu không được sự ủng hộ của cơ quan chủ quản, nhất là trong trường hợp các cơ quan chủ quản có hỗ trợ kinh phí cho tờ báo.
Với cách nghĩ, cơ quan chủ quản là “bầu sữa lớn”, không được đụng chạm tới, không được đấu tranh, vạch trần một số tiêu cực như trong thực tế hiện nay, những tờ báo thể thao như Thể thao Hàng ngày, không “dám” có bài viết nào về những vụ việc tiêu cực của ngành như vụ Trung tâm huấn luyện
thể thao Quốc gia I chỉ là đưa tin sau khi có kết luận thanh tra của Bộ. Báo Bóng đá không có những bài viết chi tiết về vụ án các cầu thủ U23 bán độ tại SEA Games 23 hay vụ các trọng tài nhận và môi giới hối lộ. Ngay cả vụ mua chức vô địch của SLNA hay vụ dàn xếp tỷ số của đội bóng Lâm Đồng…báo Bóng đá - cơ quan ngôn luận của LĐBĐVN cũng chỉ dừng ở một chừng mực là thông tin khi có những kết luận xác thực từ cơ quan điều tra hay là phán quyết của LĐ. Vụ “Mâu thuẫn ở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam”, “ông Bụt ở LĐ Bóng đá”, “Mất đoàn kết ở LĐ Bóng đá” lại được báo Thể thao Ngày nay, Thể thao TP. Hồ Chí Minh… phanh phui, làm rõ chứ không phải là báo Bóng đá. Những tờ Thể thao Ngày nay hay Thể thao TPHCM không có bài viết nào về những bất cập trong làng thể thao địa phương, những khuất tất về chế độ đãi ngộ cho VĐV như “Phạm Văn Mách – nhà vô địch thế giới vẫn ở nhà trọ”, “Lý Đức giải nghệ vì bất hoà với HLV” – đây là những bài viết trên chuyên mục Thể thao của báo Thanh niên và Tuổi trẻ.
Với nhận thức là cơ quan báo chí dưới sự chủ quản của mình, không được nói “xấu” cơ quan chủ quản đã làm cho chính cơ quan chủ quản mất đi cơ hội sử dụng tờ báo của mình làm vũ khí. Không phải là vũ khí để “lấp liếm” mà là để đưa ra những thông tin chính thức về vụ việc, là sự đính chính cho công chúng quan tâm hiểu rõ nội tình, là diễn đàn để công chúng thoả mãn sự quan tâm của mình, để không có phóng viên không thiện chí nào đó tung tin giật gân, phỏng đoán để tạo dư luận không hay.
Trong bối cảnh hiện nay, một cuộc thảo luận khí thế và hiểu biết lẫn nhau về một vấn đề tiêu cực cụ thể nào đó trong thể thao là chưa có, dù Tổng cục TDTT và các lãnh đạo sở VH-TT&DL địa phương có hô hào quyết tâm chống tiêu cực, bởi nếu đề cập tới những vấn đề nhạy cảm thì nó sẽ là một cuộc thảo luận gây khó chịu cho các quan chức. Trong khi các phóng viên của cơ quan báo chí trực thuộc im lặng thì các phóng viên khác, thuộc sự quản lý
của cơ quan khác liên tục tìm kiếm những tin tức có thể xuất hiện trên trang nhất - những câu chuyện về các quan chức thể thao có biểu hiện, hành vi tiêu cực hoặc những sai lầm của cơ quan quản lý. Báo chí Thể thao thực sự là nhận được rất ít sự hợp tác từ cơ quan chủ quản. Các cơ quan này chỉ tiết lộ thông tin có lợi cho hoạt động của họ và né tránh những câu hỏi gây phiền toái. Nhưng chính điều đó đã thể hiện họ đã làm rơi mất vũ khí quan trọng nhất – vũ khí tuyên truyền.
Chỉ có sự thay đổi nhận thức của cơ quan quản lý báo chí về việc sử dụng tối đa vũ khí tuyên truyền của mình, báo chí Thể thao mới phát triển tốt được. Không chỉ tuyên truyền cho toàn xã hội biết về những chính sách, chiến lược thể thao đã, đang và sẽ thực hiện, những lợi ích của cộng đồng khi tham gia tích cực vào đời sống thể thao, mà báo chí thể thao còn là cầu nối giữa lãnh đạo thể thao với công chúng, giải quyết những vướng mắc nội tại của ngành, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí của mình chống tiêu cực, chống lại được sự quan liêu và tăng thêm doanh thu và uy tín xã hội của cơ quan báo chí trực thuộc.
Cần tạo điều kiện cho các cơ quan thuộc hệ thống báo chí Thể thao luôn bám sát được thực tiễn, tiếp cận được với đầu nguồn tin để nắm bắt được bản chất của những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của ngành để có những luận giải, thông tin chính xác, hợp tình, hợp lý giúp cho quần chúng nhân dân, các cán bộ, HLV, VĐV trong toàn quốc nhận thức được rõ vấn đề. Không chỉ vậy, các cơ quan quản lý, chủ quản còn phải hậu thuẫn đội ngũ phóng viên chuyên biệt về lĩnh vực chống tiêu cực. Ngoài việc cung cấp thông tin chân thực, khách quan, họ còn phải là người bảo đảm an toàn khi cung cấp thông tin cho phóng viên. Vì dù sao vấn đề đấu tranh bao giờ
cũng “gây thù chuốc oán” và nhà báo ở lĩnh vực này thật sự là người “chiến sĩ” trên mặt trận tư tưởng.
3.2.2. Người làm báo về tiêu cực luôn phải rèn luyện về bản lĩnh chính trị, đạo đức và năng lực nghề nghiệp, hiểu luật pháp.
Làm báo là một nghề, nhưng là một nghề đặc biệt, mang tính chất một hoạt động chính trị - xã hội. Mỗi tác phẩm báo chí đều trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần hướng dẫn dư luận xã hội, định hướng tư tưởng và hành vi con người. Vì thế, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân và giỏi về nghiệp vụ, chuyên môn… Để đáp ứng yêu cầu đó, mỗi người làm báo cần ý thức đầy đủ nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội trong hoạt động nghề nghiệp của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, đã thấm nhuần sâu sắc quan điểm của VI.Lênin và sử dụng nhạy bén báo chí làm “người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức tập thể” trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Để thực hiện điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng tự học tập, rèn luyện mình thành một nhà báo thực thụ và giáo dục, rèn luyện đội ngũ những người làm báo nâng cao kỹ năng chuyên môn và đạo đức cách mạng. Theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người làm báo phải trung thực, độc lập và công bằng trong quá trình làm báo. Bởi lẽ, theo Người đạo đức là sức mạnh của nhà báo, chỉ khi nào nhà báo nói lên được sự thật, phục vụ cho đông đảo quần chúng, thì lúc đó nhà báo sẽ được quần chúng nhân dân bảo vệ. Người làm báo mà không có đạo đức, họ sẽ nói không đúng sự thật, hay thổi phồng, bóp méo, đưa thông tin một chiều, thiếu khách quan; từ đó, có thể làm hại đến nhiều
người, làm hại nguồn tin, làm hại tờ báo của chính họ, suy rộng ra là làm hại đến lợi ích cách mạng. Vì vậy, Người căn dặn “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Đạo đức cách mạng của người làm báo thể hiện rõ ở tính mục đích, sự trung thực, tính thiết thực và đối tượng của bài báo, trong đó phải hướng tới phục vụ cho đông đảo quần chúng nhân dân. Người khẳng định: “Báo của ta là báo của nhân dân, phải nói thật với dân. Thổi phồng khó khăn làm dân sợ, dân hoang mang là sai, là không tốt. Nhưng ngược lại nói quá dễ dàng, tưởng để động viên nhưng khi làm thấy sự thật không đúng như thế, dân không tin ta nữa, không xem báo nữa! Báo không còn tác dụng nữa thì gọi là báo lá cải, vì nó không có giá trị bằng lá rau cải”. Để thực hiện được điều đó mỗi nhà báo “phải đến tận nơi, phải nghiên cứu, phải suy nghĩ nên viết cái gì và viết như thế nào” và “không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức người làm báo, là người làm báo phải nêu cao ý thức trách nhiệm xã hội, phản ánh những vấn đề xã hội quan tâm và góp phần xây dựng xã hội phát triển ngày càng tốt đẹp hơn. Để thực hiện được vấn đề, mỗi người làm báo phải không ngừng học tập, rèn luyện về mọi mặt để nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, nhất là đạo đức người làm báo. Đây là, vấn đề có ý nghĩa quyết định đảm bảo để đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo được thực hiện trong thực tiễn hoạt động báo chí. Bởi lẽ, mỗi nhà báo đều hoạt động có tính độc lập tương đối cao, họ có thể tác nghiệp tự do, cung cấp thông tin, bài viết cho báo chí, hay hoạt động trong tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị, xã hội (Hội Nhà báo)… Dẫu vậy, bản thân mỗi nhà báo trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều phải luôn học tập, rèn luyện nâng cao đạo đức nghề nghiệp của mình, tuyệt
đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Chỉ khi nào làm tốt vấn đề này, thì Nhà báo mới có thể thực sự đặt hết tâm huyết của mình để thực hiện câu trả lời “Viết cho ai? ; Viết để làm gì?, và họ mới tránh được căn bệnh “thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn, khuyết điểm. Chỉ có nhà báo nào phục vụ lợi ích của đại đa số quần chúng nhân dân thì mới làm tốt chức năng của báo chí “người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức tập thể”, đưa mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, đấu tranh với mọi luận điệu thù địch, hiện tượng sai trái đi ngược lại lợi ích của nhân dân, tránh xa được những cám dỗ vật chất tầm thường, tránh được chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hay bị sử dụng cho lợi ích của một nhóm người, một thế lực nào đó trong xã hội…Nghề làm báo rất vất vả, thậm chí là một nghề có mức độ nguy hiểm cao. Thế mạnh của nhà báo là chân lý từ thực tiễn, sự thật là sức mạnh, là vũ khí để nhà báo tự bảo vệ mình. Nói đúng sự thật, lẽ phải, nhân dân sẽ bảo vệ nhà báo.
Ngày nay, khoa học – kỹ thuật và công nghệ phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế thị trường chi phối đời sống chính trị, xã hội của nhân dân. Nạn tham nhũng, tiêu cực luôn nảy hàng ngày, hàng giờ trong nhiều Bộ, ngành nói chung và thể thao Việt Nam nói riêng. Bên cạnh sự quản lý giám sát của các cơ quan chức năng về TDTT, Báo chí với xứ mệnh là thông tin, định hướng, giám sát dư luận xã hội càng phải có năng lực nghề nghiệp. Năng lực nghề nghiệp của nhà báo quyết định đến việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa việc bảo đảm thông tin nhanh chóng, chính xác, đúng định hướng chính trị. Độ nhạy bén của nghề nghiệp, nói chính xác hơn là độ nhạy bén chính trị của nhà báo, đòi hỏi nhà báo phải "bắt" được mạch sống chủ đạo của xã hội để phát hiện vấn đề và chọn thời điểm cũng như tìm cách thức thông tin phù hợp, có
hiệu quả. Đặc biệt trong vấn đề đấu tranh chống tiêu cực, bài trừ các tệ nạn xã hội thì ngoài bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực nghiệp vụ là một yếu tố hết sức quan trọng nhằm đạt hiệu quả cao về thông tin, song vẫn giữ vững ổn định chính trị- xã hội, không làm lộ bí mật quốc gia, không gây hoang mang trong dư luận. Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, đòi hỏi mỗi nhà báo cần nhanh nhạy, nắm bắt vấn đề, xử lý thông tin chuẩn xác bằng bản lĩnh chính trị vững vàng, bằng đạo đức nghề nghiệp trong sáng và trình độ chuyên môn giỏi. Đồng hành với năng lực nghề nghiệp, nhà báo phải am hiểu pháp luật, gương mẫu chấp hành pháp luật cả trong cuộc sống cũng như trong hoạt động báo chí. Trên thực tế, nhiều nhà báo đã nêu gương tốt trong việc thi hành pháp luật, lấy pháp luật làm cơ sở pháp lý cho các tác phẩm báo chí của mình. Nghĩa vụ công dân không chỉ đòi hỏi nhà báo phải tuân thủ hiến pháp và pháp luật trong hoạt động nghề nghiệp mà còn phải nắm vững pháp luật. Thực tế cho thấy, có những nhà báo “nói, viết” rất hay, song bản thân họ lại làm không hay; lợi dụng nghề nghiệp báo chí để vụ lợi, để “loè, dọa” người khác, sống mất đoàn kết với đồng nghiệp, buông thả trong sinh hoạt, thậm chí, vi phạm pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội… Điều đó làm cho nghề nghiệp báo chí mất đi chức năng “người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức tập thể”, mất uy tín với nhân dân.
3.2.3. Các cơ quan chức năng phối hợp cung cấp đúng và đủ thông tin về vụ việc tiêu cực cho phóng viên.
Đây phải nói là một “đòi hỏi” hay giải pháp mang tính thuyết phục nhất và nó là cơ sở quan trọng để nhà báo thông tin một cách chính xác, xác thực về các vụ việc tiêu cực trong hoạt động TDTT. Nhưng trên thực tế việc thông tin đúng và đủ các sự vụ tiêu cực của các cơ quan chức năng, quản lý TDTT dường như vẫn chỉ dừng ở mức chung chung, đôi khi là cả che đậy, thậm chí là dung túng, dấu diếm và làm sai lệch thông tin, nhằm giảm thiểu trách
nhiệm liên quan đối với các cơ quan quản lý. Mặc dù Uỷ ban TDTT trước, nay là Bộ Văn hoá thể thao và du lịch đã có thông tư liên tịch phối hợp với Bộ