5. Cấu trúc của luận văn
1.2.2.2 Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến lối sống
Lối sống của con người trong mỗi quốc gia, dân tộc được hình thành trên cơ sở của điều kiện tự nhiên, bao gồm vị trí địa lý, đất đai, khí hậu, hệ động thực vật; của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa tư tưởng, truyền thống, v.v…Theo quan điểm triết học Mác – Lênin, trong các yếu tố nói trên thì điều kiện xã hội có ý nghĩa quyết định. Trong đó, phương thức sản xuất lại đóng vai trò quyết định đối với chính trị xã hội và văn hóa tư tưởng của mỗi quốc gia, dân tộc.
Lối sống của con người Việt Nam có nhiều nét đặc thù. Về cơ bản, đời sống tinh thần của con người Việt chịu ảnh hưởng rất nhiều của tư tưởng Tam giáo, trong đó có các vấn đề nhận thức luận, thế giới quan và đặc biệt là nhân sinh quan của Phật giáo. Việt Nam nằm ở vị trí giữa Ấn Độ và Trung quốc, nên đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai nền văn hóa văn minh lâu đời vào loại bậc nhất thế giới đó, trong đó phải kể đến ảnh hưởng của Phật giáo. Ngay từ buổi đầu, Phật giáo Việt Nam đã có mầm mống hình thành các khuynh hướng khác nhau, trong đó khuynh hướng nổi trội là Phật giáo dân gian.
Đi chùa lễ Phật lâu nay đã trở thành nếp sống quen thuộc không thể thiếu trong đời sống tâm linh của rất nhiều người dân Việt Nam. Người Việt đến chùa với lòng thành kính cầu mong sự an bình, hạnh phúc cho cá nhân và người thân, kể cả cầu mong sự thanh thản cho người đã quá cố ở cõi vĩnh hằng. Cuộc sống đạo hạnh của các vị chân tu luôn là những tấm gương, là niền tin, có vị trí vững chắc trong tâm hồn tình cảm của con người Việt Nam. Vì vậy, hiện nay nhiều gia đình Việt ở Huế, người Khơme Nam Bộ vẫn gửi con em mình vào chùa để mong muốn nhận được sự giáo dục, rèn luyện cuộc sống đạo hạnh ngay từ khi còn nhỏ.
Việc ăn chay niệm Phật vào các ngày mùng một, rằm hàng tháng cũng là nếp sống của một bộ phận không nhỏ dân chúng. Trong lối sống của người Việt, các phong tục tập quán chịu ảnh hưởng khá rõ của nhân sinh quan giáo lý Phật giáo.
Cầu siêu giải hạn cũng là nếp sống quen thuộc của một bộ phận không nhỏ dân cư. Chẳng hạn, mỗi khi có người đau ốm hoặc gặp chuyện chẳng lành thì gia đình họ thường mời nhà chùa tới tụng kinh cầu siêu, thậm chí trẻ em khó nuôi cũng làm lễ gửi nhà chùa v.v…. Những ngày lễ Phật Đản, Vu Lan đã trở thành đại lễ của đông đảo quần chúng nhân dân. Đây cũng là dịp
giáo dục con người phải biết sống tốt, sống đẹp cùng với tình yêu nước nồng nàn, lòng nhân ái bao dung. Đó là những giá trị truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam từ ngàn xưa.
Đạo lý “thương người như thể thương thân” của người Việt được biểu hiện qua hành động của từng cá nhân và lối sống của cộng đồng. Nhân sinh quan Phật giáo quan niệm cuộc đời chúng sinh tràn ngập trong khổ đau. Từ đó đạo Phật đòi hỏi một tình thương nhân loại đối với tất cả mọi người, phải giúp đỡ, san sẻ, đùm bọc, không vụ lợi, không đợi chờ sự đền đáp và hoàn toàn mang tính tự nguyện. Trong mười điều tâm niệm Phật đã dạy và được người Việt lĩnh hội: “Thi ân đừng cầu đền đáp vì cầu đền đáp là thi ân có mưu tính”. Tình cảm này được con người Việt Nam coi trọng. Đây vốn là truyền thống trọng nghĩa của dân tộc ta.