Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo và sự biến đổi của nó trong đời sống văn hóa tinh thần người việt (Trang 28)

5. Cấu trúc của luận văn

1.2.2.1.Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức

Nếu như Nho giáo, một học thuyết chính trị xã hội lấy đức trị làm phương châm hành đạo, hình thành nên cả một hệ thống đạo đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; và có hẳn cả một cấu trúc truyền tải nội dung đạo đức, trên lễ nhượng thì dưới dâng lên lễ nhượng, từ vua quan cho tới thứ dân, ai cũng phải trau dồi đạo đức. Thế nhưng trong một xã hội đầy rẫy sự áp bức của vua quan mà đòi hỏi dân phải lễ nhượng với vua quan thì làm sao dân theo. Vì thế đạo

đức Nho giáo mang tính chất kinh viện, sách vở, chỉ có tầng lớp trên có chữ đọc sách thánh hiền và vì quyền lợi giai cấp của họ thì đạo đức Nho mới thấm được vào họ. Còn Phật giáo, tuy không có thuyết lý gì về đạo đức, nhưng lại đề cập rất nhiều đến thuyết nhân duyên, đến quan hệ nhân quả, nhìn sự vật từ kết quả để tìm nguyên nhân và từ kết quả này lại là nguyên nhân của quả khác, trong mối liên hệ khác. Luân hồi nghiệp báo dựa trên luật nhân quả. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách và đạo đức trong nhân dân ta.

Những quan niệm ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão, nhân nào quả đấy, cha mẹ hiền lành để đức cho con, bản chất từ bi hỷ xả trong triết lý nhân sinh Phật giáo thấm đượm vào đời sống tinh thần dân tộc, hướng mọi tầng lớp nhân dân vào con đường thiện nghiệp tu dưỡng đạo đức. Có người đã nhận xét: cái sống đời đời trong đạo đức Phật giáo là từ bi cứu khổ cứu nạn. Nó vượt thời gian, không gian bởi nó nhằm bảo vệ, phát huy tư tưởng làm điều lành, tránh làm điều ác.

Mặt khác, tư tưởng từ bi bác ái của Phật giáo cũng góp vào trong dân ta đạo đức thương người, cứu người: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “chị ngã em nâng”… Điều này đã tạo nên sức mạnh cộng đồng trong dân ta. Rồi cũng từ Phật giáo, rút ra cho việc trau dồi đạo đức của con người “thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”. Ở nhà hiếu với cha mẹ, đễ với anh chị, trên kính dười nhường…Thực ra đây là cách dân gian hóa việc tu Phật, coi Phật là ở trong tâm, nên tu Phật là tu dưỡng đạo đức ở trong lòng.

Luật nhân quả theo Phật giáo đề cập đến dòng biến động, sinh diệt nối tiếp nhau, khẳng định khi chúng ta gieo nhân tức là đã gây nghiệp, gây nghiệp lành được quả lành, gây nghiệp dữ được quả dữ. Vì vậy hướng con người vào

việc thiện, xa lánh điều ác. Nếu chúng ta gạt bỏ yếu tố thần bí về kiếp người trong luật nhân quả, sẽ thấy được tinh thần nhân bản trong việc giáo dục con người sống lành mạnh, làm việc tốt, từ đó góp phần vào việc xây dựng xã hội yên lành và có nhân tính hơn. Ngoài ý nghĩa tích cực trong việc giáo dục và xây dựng một gia đình tốt, một xã hội yên bình, Phật giáo nhấn mạnh sự nỗ lực là yếu tố quyết định của mỗi con người trong quá trình tu tập đi đến giác ngộ.

Triết lý nhân quả của Phật giáo còn góp phần trong việc phòng ngừa ý định, hành vi phạm pháp của con người khi còn chưa bộc lộ. Con người trước nguy cơ trở thành tội phạm thì lương tâm thường cắn rứt, dắn đo, đấu tranh tư tưởng. Bởi vậy, nếu họ sợ bị quả báo trừng phạt, quả báo có thể ứng ngay vào bản thân mình thậm chí còn chịu hậu quả lâu dài về sau “đời cha ăn mặn đời con khát nước”, thì họ sẽ tránh hành vi phạm pháp của mình mà có những hành động tích cực để tạo nghiệp lành mà không tạo nghiệp ác.

Phật giáo với một hệ thống triết lý sâu sắc ít mang tính siêu hình, mà trái lại có tính thực tiễn cao. Đó là con đường giúp con người thoát khổ mà đức Phật là một con người thực với sự chứng ngộ thực làm tấm gương để mọi người tin tưởng noi theo. Phật giáo có ảnh hưởng tác động sâu sắc đến nền tảng đạo đức, sự hình thành nhân cách con người Việt Nam. Truyền thống đạo đức của dân tộc ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo đức Phật giáo. Theo Đức Phật, một đời sống hạnh phúc là một đời sống có đạo đức. Ngay từ khi được du nhập vào nước ta, Phật giáo đã tham gia vào đạo đức dân tộc một cách hòa bình, thẩm thấu vào truyền thống yêu nước trong suốt chiều dài lịch sử. Đạo đức Phật giáo thâm nhập vào đạo đức dân tộc theo truyền thống vì nghĩa, vì nước. Trong lịch sử, đạo đức Phật giáo đã thích ứng với hoàn cảnh Việt Nam, đó là tinh thần dũng cảm, anh dũng đấu tranh vì dân vì nước. Trần Nhân Tông – vị tổ sư khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (dòng thiền lớn

nhất của Việt Nam thời Trần), là người đã có công trong việc đưa chính pháp vào đời sống đạo đức xã hội Việt Nam thời kỳ này. Ông là vị vua yêu nước, đã lãnh đạo toàn dân chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông 1285 -1288., ông còn là vị vua có lòng nhân từ, thân dân nhất. Suốt thời Lý – Trần, đạo đức Phật giáo đã có ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống đạo đức của nhân dân ta.

Trong mỗi gia đình, việc thờ cúng tổ tiên là một nét đẹp của con người Việt Nam, nó thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc. Điều đặc biệt là, truyền thống đó lại được cộng hưởng bởi đạo đức Phật giáo. Điều này được thể hiện rất rõ ở chỗ: khi mở đầu bài khấn lễ gia tiên, hay trước khi tiến hành các thủ tục tế lễ thì bao giờ cũng được mở đầu bằng câu “Nam mô a di đà phật”. Có thể nói, ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đã trở thành một bộ phận hợp thành đạo đức của xã hội Việt Nam. Đạo đức Phật giáo hầu như đồng nhất với đạo đức xã hội. Nhiều giá trị đạo đức của Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung có tính phổ quát. Chính vì vậy, khi đánh giá vai trò của tôn giáo, Kant – nhà triết học người Đức (1724 – 1804) cho rằng chức năng cơ bản của tôn giáo là chức năng đạo đức.

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan phật giáo và sự biến đổi của nó trong đời sống văn hóa tinh thần người việt (Trang 28)