III. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ODA
1. Chính Sách Thu Hút và quản lý vốn ODA của chính phủ Việt Nam:
2.1 CÁC GIẢI PHÁP THU HÚT VÀ SỬ DỤNG ODA:
5 năm không phải là thời gian quá ngắn nhưng cũng chưa đủ để chúng ta có thể rút ra đầy đủ những kinh nghiệm cũng như hoàn chỉnh các biện pháp thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA một cách hoàn hảo, mà Chính phủ còn phải tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp cải cách hơn nữa nhằm tranh thủ nhiều hơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Trong tình hình cả 2 bên
- các nhà tài trợ và Chính phủ Việt Nam – cùng tiến hành nhiều biện pháp nhằm phối hợp chặt chẽ để đưa ra những thủ tục hợp lí, thoả mãn yêu cầu của bên cung cấp và bên tiếp nhận. Sau đây nhóm xin nêu một số giải pháp tăng cường thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA như sau:
2.1.1. Về Thu Hút Vốn:
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lí và điều hành công tác tiếp nhận ODA.
- Tăng cường công tác cán bộ, đầu tư đào tạo để nâng cao năng lực cho những cán bộ thuộc bộ phận liên quan đến việc xác định nhu cầu đàm phán, kí kết những hiệp định với đối tác nước ngoài nhằm nâng cao hơn nữa cả về số luợng và chất lượng của nguồn vốn thu hút được.
- Mở lớp đào tạo ngắn về những kiến thức có liên quan đến ODA, tập huấn về những quy định và thủ tục, điều kiện cung cấp ODA của các nhà tài trợ.
- Những ngành và địa phương có nhu cầu về cung cấp vốn ODA cần nghiên cứu kĩ những chính sách ưu tiên của các đối tác nước ngoài cũng như quy chế quản lí và sử dụng vốn ODA của Chính phủ Việt Nam để tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ và các cơ quan có liên quan trong việc lập hồ sơ dự án và các thủ tục xin viện trợ phù hợp với đối tượng ưu tiên.
2.1.2 Về Tổ Chức Thực Hiện Dự Án:
Thứ nhất, Xác định rõ hơn nữa trách nhiệm của từng cơ quan quản lý và của người vay vốn ODA trong việc huy động vốn vay và sử sụng, quản lý nguồn vốn ODA cho vay lại phải được đồng bộ, thống nhất qua đầu mối là Bộ tài chính thực hiện cho vay lại hoặc uỷ quyền cho ngân hàng thương mại cho vay theo quy định.
Thứ hai, Khi xây dựng các các hạng mục, các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư của nhà nước cần chỉ rõ thứ tự ưu tiên cho từng chương trình, dự án để làm căn cứ vận động vốn nước ngoài.
Thứ ba, Các nguồn vốn viện trợ cho từng lĩnh vực cần phải phân bổ theo trật tự ưu tiên với cơ cấu cụ thể, kết hợp với những khả năng và nhu cầu vốn đối ứng có tính toán cụ thể, phải xác định rõ về vốn đối ứng ngay từ khi bắt đầu, đảm bảo tính khả thi. Nhà nước chỉ bố trí vốn đối ứng cho dự án xây dựng cơ sở hạ tầng không có khả năng thu hút vốn trực tiếp. Các dự án còn lại chủ đầu tư cần có phương án bố trí vốn đối ứng chắc chắn hơn mới đưa vào kế hoạch sử dụng vốn ODA. Đây là vấn đề then chốt cho yêu cầu sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn tài trợ từ bên ngoài.
Thứ tư, kiện toàn bộ máy vay, trả nợ trong các cơ quan quản lý nợ nước ngoài. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lập và quản lý dự án ở các Bộ, ngành, địa phương nhằm đảm bảo khả năng lập kế hoạch, lập dự án và quản lý dự án ở các bộ, ngành. Nâng cao trình độ thẩm định để xét duyệt, quyết định dự án ngay ở từng bộ, ngành, địa phương cũng như huy động các nguồn vốn đối ứng trong nước nhằm làm cho việc hấp thụ nguồn vốn nước ngoài có hiệu quả cao.
Thứ năm, Tăng cường công tác quản lý, giám sát nợ nước ngoài ngay từ khâu đàm phán, giám sát việc đấu thầu, mua sắm thiết bị, tư vấn, ký kết các hợp đồng, thực hiện rút vốn, sử dụng vốn, quyết toán nợ và bố trí nguồn trả nợ.
Thứ sáu, Tăng cường hoàn thiện hệ thống thống kê, kế toán về nợ nước ngoài, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với các tổ chức tài trợ để họ hiểu thêm về thể chế điều phối và quản lý vay nợ nước ngoài, nguồn ODA của Việt Nam.
2.1.3. Về Sử Dụng Vốn:
Việt Nam là một nước đang phát triển do đó nguồn vốn ODA có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đây sẽ là nguồn tài nguyên chủ yếu để Chính phủ đầu tư tái thiết cơ sở hạ tầng đang trên đà xuống cấp, lạc hậu nghiêm trọng và cần được khẩn trương nâng cấp, đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội nói chung và mở rộng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng. ODA cũng là nguồn tài trợ cần thiết cho các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tiềm năng của các nguồn tài nguyên, thực trạng kinh tế xã hội, tình hình của các ngành, lãnh vực trong nền kinh tế quốc dân, những thông tin thu thập, được sẽ là căn cứ xác đáng cho quản lý vĩ mô.
Nhận thức được vai trò của nguồn vốn ODA đối với công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước, chúng ta đã có một số thành công lớn trong công tác vận động đầu tư và là dấu hiệu chứng tỏ sự ủng hộ của quốc tế đối với công cuộc cải cách kinh tế xã hội đang được thực hiện có kết quả tại Việt Nam. Tuy nhiên có được nguồn vốn mới chỉ là tiền đề, điều quan trọng hơn hết là làm thế nào để hấp thụ, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nói trên. Để góp phần xử lí vấn đề này cần phải thực hiện cho được những biện pháp sau:
Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức về vai trò và bản chất của viện trợ nước ngoài. Tính chất ưu đãi của nguồn vốn ODA (thời gian, lãi suất ) thường làm cho các cơ quan trong nước (quản lí tiếp nhận) có quan niệm hết sức dễ dãi và chủ quan về sự phân phối và sử dụng nguồn vốn này. Họ không chú ý đến yêu cầu hiệu quả, bỏ qua yếu tố chi phí thời cơ trong thẩm định, đánh giá dự án, chưa quan tâm đầy đủ đến việc xác định các ưu tiên đầu tư, vẫn còn dựa dẫm
chủ yếu vào nguồn vốn nước ngoài và xem nhẹ sự đối ứng của nguồn vốn trong nước, triển khai dự án chậm có khi còn lãng phí. Những quan niệm sai lầm trên cần sớm được chấn chỉnh, luôn luôn lưu ý rằng đây là nguồn vốn phải hoàn trả vốn gốc và lãi vì vậy nếu sử dụng kém hiệu qủa vẫn có thể rơi vào khủng hoảng nợ nần như đã xảy ra ở nhiều nước.
Thứ hai, thiết lập các định hướng ưu tiên đầu tư và tiến hành nghiên cứu khả thi từng dự án chặt chẽ. Cần tránh xu hướng dàn trải viện trợ nước ngoài trên một diện rộng bao quát nhiều lãnh vực, ngành hay địa phương. Trong điều kiện nguồn vốn hạn chế, để nguồn vốn phát huy hiệu quả nhanh và rộng, nên tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực, vùng lãnh thổ có lợi thế tương đối và có khả năng gây tác động phát triển lớn.
Thứ ba: tăng cường nguồn lực đối ứng trong nước. Khả năng hấp thụ viện trợ tuỳ thuộc vào mức độ đáp ứng của nguồn lực trong nước. Nếu các nguồn lực trong nước quá yếu kém (được thể hiện qua nguồn vốn trong nước nhỏ bé, năng lực cán bộ hạn chế, các yếu tố đầu vào thiếu thốn, hệ thống pháp lý không rõ ràng, chặt chẽ...) thì sẽ phát sinh hiện tượng viện trợ nước ngoài quá tải và không được sử dụng một cách có hiệu quả. Để hấp thụ hoàn toàn và có hiệu quả nguồn ODA mà cộng đồng quốc tế đã cam kết cần sớm khắc phục và cải thiện những vấn đề còn tồn tại nêu trên.
Thứ tư: Cải tiến cơ chế quản lý và điều phối viện trợ. Viện trợ nước ngoài có liên quan đến nhiều cơ quan chức năng ở trong nước kể từ lúc vận động kinh tài trợ cho đến khi hoàn tất cam kết hoàn trả cho nên thiết lập một cơ chế nhằm đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng , thông suốt của cả một hệ thống tổ chức có liên quan đến việc trợ là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Ngoài ra còn phải xác định khả năng trả nợ cả gốc và lãi trong tương lai để xây dựng kế hoạch trả nợ, cập nhật các thông tin trong và ngoài nước về sự biến động của các nhân tố có khả năng tác động đến nguồn vốn vay để xử lý kịp thời và có những quyết định đúng đắn tránh tình trạng lỗ do những tác động của những nhân tố khách quan khi dự án đã đi vào hoạt động.