III. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ODA
1. Chính Sách Thu Hút và quản lý vốn ODA của chính phủ Việt Nam:
1.1 Chính sách thu hút:
Trong 2 năm 2009, 2010, nguồn vốn ODA đã cam kết cho Việt Nam rất lớn, nên phải chuẩn bị tốt các dự án, nguồn vốn đối ứng để giải ngân hiệu quả, tranh thủ thêm nguồn vốn mới, nhất là các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án hạ tầng giao thông.
Thủ tướng nhấn mạnh tới 3 nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện sớm, quyết liệt và có trách nhiệm:
Thứ nhất, trong tháng 3 hoàn tất việc phân bổ và thông báo kế hoạch vốn năm 2010 tới đơn vị cơ sở. Yêu cầu nguồn vốn đúng mục tiêu, công trình đã quy hoạch, lên kế hoạch, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, ưu tiên những công trình cấp bách, có khả năng sớm đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng phục vụ phát triển kinh tế địa phương.
Thứ hai, rút kinh nghiệm năm 2009, ngay từ đầu năm các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án ngay từ quá trình chuẩn bị đầu tư, tư vấn, đấu thầu trên tinh thần phân cấp, nâng cao trách nhiệm từng khâu. Các cấp chính quyền và chủ đầu tư nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng trong nước đối với các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, vốn ODA để bảo đảm giải ngân tối đa nguồn vốn này.
Thứ ba, về vấn đề vốn, Thủ tướng yêu cầu các lĩnh vực phải rà soát lại trên tinh thần sử dụng hết số vốn đã phân bổ. 2 vướng mắc lớn trong vấn đề này phải được xử lý sớm là cơ chế điều chỉnh tổng mức đầu tư và kế hoạch bổ sung vốn ứng trước đối với các dự án cấp bách đang dở dang và có khả năng hoàn thành sớm.
Trước những động thái thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn tài trợ, Nhật Bản đã tiếp tục cam kết viện trợ ODA cho Việt Nam. Và trong tháng 11 vừa qua, Nhật Bản và Việt Nam đã ký 7 Hiệp định vay ODA tổng trị giá 119,791 tỷ yên (khoảng 1,3 tỷ USD) trong năm tài khóa 2009, nâng tổng số vốn hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam tính đến nay trên 1.500 tỷ Yên, khẳng định vị trí của Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng giá trị vốn ODA giải ngân tính đến 20/11 ước đạt 1,99 tỷ USD, so với kế hoạch dự kiến cả năm 2009 (1,9 tỷ USD) đã vượt khoảng 5% . Với tốc độ này, các chuyên gia dự đoán, tổng vốn ODA được giải ngân trong năm 2009 sẽ lên đến 3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Đây là một yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của nước ta khi mà cạnh tranh về nguồn vốn ODA trên thế giới ngày trở nên gay gắt do nguồn cung đã có phần suy giảm trong khi nhu cầu lại rất lớn. Điều này thể hiện vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao; kinh tế tiếp tục hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới; môi trường thể chế, pháp lý được cải thiện và tiệm cận với thông lệ quốc tế; quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và cộng đồng tài trợ quốc tế không ngừng được củng cố và phát triển... Nếu không có thay đổi lớn, tổng vốn ODA ký kết cả năm 2009 dự kiến sẽ đạt ở mức 5.056 triệu USD (vốn vay 4.822 triệu USD, viện trợ không hoàn lại 234 triệu USD)
Trước vai trò không nhỏ của nguồn vốn ODA cũng như sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng nhà tài trợ dành cho công cuộc phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục đưa ra các cam kết mạnh mẽ về việc sử dụng hiệu quả hơn nữa nguồn vốn quý giá này.“Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường trong nước", Thủ tướng khẳng định. Bên cạnh đó, Việt Nam nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo một bước tiến mới trong việc cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng (phấn đấu đạt 6,5% năm 2010).Việt Nam có chính sách hỗ trợ thích hợp để kích thích phát triển kinh tế trung và dài hạn, tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hướng mạnh vào nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.Phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội và bảo vệ môi trường hài hoà với phát triển kinh tế; đẩy nhanh chương trình giảm nghèo vững chắc; tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội và an sinh xã hội; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn ODA”.