II. Nội dung
2. Vấn đề nhiễm mặn
2.4.2. Ảnh hưởng đến trồng trọt
- Báo cáo của Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, ảnh hưởng của mặn hóa đối với vụ lúa đông xuân 2009 - 2010 đến các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và Bến Tre... là 620.000/1.545.000 ha - chiếm 40% diện tích toàn vùng.
- Theo lịch thời vụ, cuối tháng 4 đầu tháng 5, Đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt xuống giống lúa hè thu. Tuy nhiên, nắng hạn kéo dài, khả năng hạn đầu vụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 550.000 ha ở vụ lúa này.
- Cục thủy lợi cho biết, đầu tháng 3/2010 nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền, có nơi vào sâu đến 70 km. Cụ thể trên sông Vàm Cỏ Đông, tại cống Bà Xiểng (cách biển 45 km) độ mặn 5,5‰; trên sông Tiền độ mặn tại Vàm Giồng lên đến 6,2‰; trên sông Hàm Luông tại Phú Khánh 7,7‰; sông Cổ Chiên tại Láng Thé 5,6‰; sông Hậu mặn đã vượt qua cống Mỹ Văn ăn sâu vào đất liền đến 60 km. Trên những loại đất này không thể trồng trọt được gì cả.
- Giới khoa học còn cảnh báo những thiệt hại do lũ mặn sẽ chưa dừng lại. Thậm chí, mực nước biển dâng mang theo lũ mặn sẽ nhấn chìm nhiều vùng đất ở đồng bằng sông Cửu Long là điều khó tránh khỏi. Trong một cuộc hội thảo về biến đổi khí hậu mới đây, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường
thành phố Cần Thơ Kỷ Quang Vinh, cảnh báo: “Điều mà chúng ta nên dành sự quan tâm nhiều hơn là lũ mặn thay vì lũ ngọt như trước đây. Lũ mặn là lũ do nước biển dâng, khi nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông bị hạn chế bởi hệ thống đập thì ở hạ nguồn thiếu nước, từ đó tạo điều kiện cho nước biển tràn sâu vào nội đồng…”.
- Cảnh báo này là có thể chứng minh bởi thực tế nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền, ruộng đồng. Có thời điểm, trên hai con sông Tiền và sông Hậu nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng đến 60 - 65km. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ còn cho hay, mùa khô vài năm trở lại đây, nước mặn đã xâm nhập sâu cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 12km. Độ mặn cũng tăng lên theo thời gian.
- Biến đổi khí hậu rõ ràng đang tác động đến đời sống con người cũng như sinh vật các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nếu chỉ chăm chăm đổ lỗi do “tác động từ biến đổi khí hậu toàn cầu” là chưa thoả đáng. Chính con người đang “góp tay” làm cho tình hình thêm tồi tệ hơn.
- Tại nhiều vùng, nông dân phá đê đưa nước mặn vào vùng ngọt hoá để nuôi tôm cá, bất chấp khuyến cáo về tác hại mà nó gây ra (quy hoạch bị phá vỡ, hiệu quả kinh tế bấp bênh, ô nhiễm môi trường…) Tình trạng thái quá này đã diễn ra từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Hệ thống đê bao nhiều nơi chưa làm tròn nhiệm vụ điều tiết mặn - ngọt hợp lý.
-Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, từ năm 1997 đến nay, nhiều vùng ven biển ở tỉnh này bị xói lở nghiêm trọng, rừng ngập mặn bị mất hơn 25%. Nhiều địa phương ở Bến Tre những năm gần đây thường bị nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa, thiếu nước ngọt trầm trọng trong những tháng mùa khô. Ở Đồng Tháp, biến đổi khí hậu (BĐKH) làm thay đổi dòng chảy khiến toàn tỉnh có trên 25 điểm sạt lở bờ sông, mỗi năm mất trên 30ha đất.
-Theo tính toán của Bộ NN-PTNT, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất ở đồng bằng sông Cửu Long bị xâm nhập mặn, mất khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa. Nhiều địa phương sẽ bị chìm trong nước. Cụ thể, Bến Tre mất 1.131 km2 (hơn 50% diện tích ), Long An: 2.169km2 (gần 50%), Trà Vinh: 1.021km2 (gần 46%), Sóc Trăng: 1.425km2 (gần 44%), Vĩnh Long: 606km2
(gần 40%)…
- Các đô thị như Cần Thơ, Cà Mau, Long Xuyên thường xuyên bị ngập úng trầm trọng, hạn hán gia tăng, mặn truyền sâu hơn trên các sông chính dẫn đến nguy cơ phá vỡ các dự án ngọt hóa; các tuyến đê sông, đê biển hiện hữu không đủ năng lực ngăn mực nước cao nhất của thủy triều; chế độ dòng chảy trên các sông thay đổi gây xói lở bờ sông, đe dọa nhiều hệ thống đê sông, đê biển…