Phối hợp đồng bộ CSTT với chính sách vĩ mô khác

Một phần của tài liệu ĐỒ ÁN: Đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam (Trang 36 - 39)

CSTT là chính sách quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Nó thường có sự đan xen phức tạp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác (như chính sách tài chính, chính sách đầu tư, chính sách xuất nhập khẩu…).

Vì vậy, việc xây dựng và điều hành CSTT cần phải được đặt trong tổng thể nền kinh tế và sự hài hoà với các chính sách kinh tế khác. Mọi sự khập khiễng, không đồng bộ từ khâu soạn thảo, ban hành chính sách… đều có thể làm hạn chế hay triệt tiêu tác dụng của các chính sách khác.

Do đó, hoàn thiện CSTT có nghĩa là hoàn thiện cơ chế điều hành,công cụ điều hành của CSTT để chính sách này trở nên có hiệu quả hơn, có nghĩa là xây dựng CSTT trong một thể thống nhất, thực hiện mục tiêu chung của nền kinh tế hợp lý và hỗ trợ lẫn nhau.

Đối với chính sách tài chính, CSTT có mối quan hệ đặc biệt với nhau, bởi hai chính sách này vừa có tính đồng nhất vừa có sự khác biệt, với tư cách là hai chính sách độc lập nhưng bổ sung và hỗ trợ cho nhau.

Tóm lại, việc phối hợp đồng bộ giữa CSTT với các chính sách kinh tế vĩ mô khác là rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, tiến tới xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh trong thiên niên kỷ mới.

3.3 Kiến nghị

Chính sách tiền tệ quốc gia là một bộ phận của chính sách kinh tế - tài chính của Nhà nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo các lý thuyết kinh tế và dự báo đã đề cập ở trên, năm 2010 và các năm tiếp theo, chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt, thận trọng để kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đối với nền kinh tế, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lí, đảm bảo khả năng an toàn thanh toán hệ thống ngân hàng, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo em, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ cụ thể:

- Tiếp tục áp dụng mô hình kiểm soát khối lượng tiền là chủ yếu (quy mô và tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán – M2 và tín dụng), kết hợp với kiểm soát giá cả tiền tệ (lãi suất và tỷ giá).

- Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và thận trọng; kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán với hệ số tương quan phù hợp với tốc độ tăng GDP, đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.

- Thực hiện chính sách lãi suất theo cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại huy động vốn, mở rộng tín dụng với nền kinh tế.

- Thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt, trong điều kiện tự do hóa các giao dịch vãng lai và từng bước tự do hóa các giao dịch vốn.

LỜI KẾT

Mặc dù trong khoảng thời gian 2005-2012 có những biến động rất lớn của tình hình kinh tế, chính trị thế giới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam nhưng Chính phủ, NHNN và các TCTD đã có những biện pháp kịp thời, sáng tạo đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng khá trong khu vực và thế giới. Có được thành công trên là do NHNN đã sử dụng rất kịp thời, đúng đắn, quyết liệt các công cụ CSTT phù hợp với từng điều kiện của nền kinh tế trong từng thời kỳ. ‘‘Thắt chặt” khi nền kinh tế rơi vào tình trạng lạm phát cao và ‘‘nới lỏng” khi nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Sự vận dụng CSTT của NHTW tốt hay xấu có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế, tuỳ theo mục tiêu của mỗi quốc gia và từng giai đoạn phát triển của đất nước mà NHTW mỗi nước điều chỉnh CSTT cho phù hợp.

Hiện nay Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức: nền kinh tế Việt nam đang ở trong giai đoạn lạm phát gia tăng, giá cả đắt đỏ, sự bất ổn định về chính trị của một số nước, đòi hỏi cần phải nâng cấp hệ thống NH, và đòi hỏi các NH sử dụng có hiệu quả hơn các công cụ của CSTT. Ngoài ra, thì cần phải lựa chọn đội ngũ nhân viên là những người có đủ đức độ và năng lực, đặc biệt là đối với các cán bộ lãnh đạo. Bên cạnh đó cần phải thường xuyên nâng cấp về trình độ kinh tế thị trường và nghiệp vụ chuyên môn cho tất cả các cán bộ, nhân viên để tạo ra một hệ thống NH ngang tầm thế giới về cả trình độ lẫn sức vóc cạnh tranh, từ đó tạo tiền đề cho nền kinh tế Việt Nam phát triển hội nhập với nền kinh tế thế giới, và tạo ra một nền kinh tế phát triển bền vững.

Một phần của tài liệu ĐỒ ÁN: Đánh giá chính sách tiền tệ của Việt Nam (Trang 36 - 39)