Dầu nhờn phế thải là dầu nhờn sau khi sử dụng được một thời gian nhất định thì không còn khả năng đáp ứng được các yêu cầu bôi trơn của các thiết bị máy móc, động cơ và bị thải ra. Trong thành phần dầu nhờn thải có các thành phần gây ra sự giảm phẩm cấp chất lượng là:
• Các hợp chất có màu tối, sản phẩm của quá trình oxi hóa như các hợp chất nhựa, axit.
• Các hạt kim loại sinh ra do mài mòn thiết bị.
• Nước bị lẫn vào từ các nguồn khác nhau như hơi ẩm trong không khí, sản phẩm của quá trình oxi hóa, dầu thải thu gom không đúng qui định...
• Bụi, cặn từ bên ngoài lẫn vào.
• Nhiên liệu do sự ngưng đọng của hỗn hợp làm việc của động cơ trên thành xylanh và trộn lẫn với dầu nhờn.
• Do tác dụng của các của các cấu tử phân tán tẩy rửa của phụ gia sẽ chứa nhiều tạp chất phân tán mịn tạo thành hệ huyền phù bền vững trong dầu.
Các thành phần này làm cho dầu nhờn có màu tối, độ nhớt thay đổi (có thể tăng hoặc giảm), chỉ số độ nhớt giảm, thành phần cơ học và hàm nước trong dầu tăng lên.
Đặc tính của dầu nhờn bị thay đổi và không thích hợp với yêu cầu sử dụng, nếu qua một thời gian sử dụng nhất định mà không thay dầu nhờn thì sẽ làm cho máy móc hư hỏng mau chóng. Nhưng nếu dầu nhờn thải tháo ra mà bỏ đi thì có những tác hại như sau:
• Gây ô nhiễm môi trường.
• Lãng phí rất lớn, nhất là với một nước đang phát triển như nước ta. Nếu việc thu hồi dầu nhờn sau khi đã sử dụng được thực hiện tốt, có biện pháp và có qui định khuyến khích thực hiện... thì có thể tái sử dụng dầu nhờn này đến 50% . Sự cần thiết phải thu hồi dầu nhờn thải và tái sinh chúng còn có liên quan tới hai mục tiêu chính của xã hội hiện nay, đó là :
• Giữ gìn tài nguyên thiên nhiên. • Cải thiện môi trường.