Về phía các CTCK

Một phần của tài liệu Thực trạng hoạt động của các công ty chứng khoán việt nam (Trang 33 - 38)

II. Kiến nghị nhằm phát triển hoạt động của CTCK ở Việt Nam

2.Về phía các CTCK

a. Nâng cao năng lực tài chính, phát triển các hoạt động nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa các hoạt động kinh doanh chứng khoán theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế

Nâng cao năng lực tài chính là một trong những giải pháp để phát triển hoạt động của CTCK. Các CTCK có thể tăng vốn theo nhiều cách khác nhau và kết hợp các hình thức huy động để đáp ứng nhu cầu về vốn đồng thời đảm bảo được cơ cấu vốn an toàn cho Cty. Có thể kể đến như giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư, phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu, ngoài ra CTCK nên tiến hành khai thác nguồn vốn ủy thác đầu tư từ các tổ chức trong nước cũng như quốc tế, tiến hành vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tài chính khác.

Đối với các CTCK thuộc nhóm một, các CTCK cần tiếp tục củng cố hoạt động nhằm bảo toàn vốn, hạn chế rủi ro, giảm các khoản đầu tư, tự doanh, hạn chế việc mở chi nhánh, địa điểm kinh doanh không cần thiết; giảm nghiệp vụ có tính rủi ro cao để tập trung nguồn lực cho những hoạt động còn lại – hướng tới trở thành CTCK chuyên môn hóa; cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Đối với các CTCK có năng lực tài chính hạn chế, rủi ro về an toàn tài chính cao cần sắp xếp lại theo hướng thu hẹp nghiệp vụ cấp phép, thúc đẩy việc hợp nhất, sáp nhập hoặc giải thể để tăng quy mô hoạt động, giảm số lượng công ty cho phù hợp với sự phát triển của thị trường; từng bước phát triển các tổ chức kinh doanh chứng khoán theo mô hình kinh doanh đa năng và chuyên doanh, trên cơ sở đó nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ chứng khoán ra các thị trường khu vực;

Cho dù CTCK mở rộng hay thu hẹp hoạt động thì các CTCK đều cần xây dựng quy trình nghiệp vụ cho các hoạt động cụ thể. Đối với mỗi hoạt động nghiệp vụ của CTCK đều đòi hỏi phải được tiến hành theo những quy trình riêng biệt. Do vậy, việc xây dựng một quy trình chuẩn gồm các bước không quá phức tạp nhưng cũng không quá đơn giản cho mỗi hoạt động là yêu cầu không thể thiếu đối với các CTCK. Việc xây dựng quy trình cho các hoạt động nghiệp vụ phải dựa vào tính chất của từng hoạt động và điều kiện hỗ trợ thực hiện các hoạt động. Một quy trình cho một hoạt động nghiệp vụ cụ thể được coi là hoàn thiện, chuẩn khi các bước trong quy trình phải tạo ra được sự logic trong công việc và thời gian thực hiện mỗi bước phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhất định của công ty.

Bên cạnh việc có được một quy trình hợp lý, vấn đề tiếp theo mà các CTCK cần tuân thủ là việc thực hiện đúng theo các bước trong quy trình mới là yếu tố quyết định. Đôi khi nhân viên hành nghề lại làm tắt một số công đoạn trong quy trình, điều này có thể dẫn tới những rủi ro nhất định cho công ty.

b. Tăng cường quản trị công ty và quản trị rủi ro dựa trên các chỉ tiêu an toàn tài chính đối với công ty chứng khoán phù hợp với các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế

Các CTCK cần phải xây dựng quy trình quản trị rủi ro cho toàn bộ hoạt động của công ty, có cơ chế giám sát rủi ro rõ ràng. Cơ chế giám sát rủi ro phải đảm bảo được việc giám sát tại chỗ, giám sát chéo và giám sát chung. Các CTCK phải đảm bảo được rằng toàn bộ CB CNV của công ty được phổ biến và quán triệt sâu sắc các bước trong quy trình quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy trình. Định kỳ, hoạt động giám sát rủi ro phải được báo cáo cho các cấp có thẩm quyền từ cấp phòng ban, bộ phận nghiệp vụ tới ban giám đốc và tới Hội đồng quản trị từ đó giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động, đảm bảo sự phát triển bền vững của CTCK.

CTCK phải nhận diện được các loại rủi ro trong quá trình hoạt động có thể gặp phạp, xác định rõ mức độ chấp nhận rủi ro và khả năng chấp nhận rủi ro. Trên cơ sở này, đưa ra các biện pháp cảnh báo rủi ro, giảm thiểu rủi ro và xử lý rủi ro một cách hiệu quả nhất.

Trong vấn đề tái cấu trúc hoạt động, các CTCK cần phải áp dụng phương pháp quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, vấn đề quản trị công ty theo chuẩn mực đã được quy định và được áp dụng đối với các công ty niêm yết đại chúng, nhưng số lượng CTCK niêm yết trên sàn lại quá ít. Các CTCK cần nhận thức được tầm quan trọng của việc quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế sẽ đem lại hiệu quả trong công việc cao hơn và đó cũng chính là một trong những nhân tố làm giảm rủi ro trong quá trình hoạt động

c. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Yếu tố con người luôn là vấn đề trọng tâm quyết định sự thành bại trong bất kỳ lĩnh vực nào, đối với lĩnh vực chứng khoán và TTCK thì yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế và đạo đức nghề nghiệp càng đòi hỏi cao. Do đó, các công ty CTCK cần phải xây dựng văn hóa kinh doanh nhằm tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, đào tạo đội ngũ nhân viên có trình độ và đạo đức nghề nghiệp.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các CTCK cần chú trọng tới vấn đề tuyển dụng, đào tạo và chế độ đãi ngộ lương thưởng, thăng chức cho nhân viên, cụ thể:

- Xây dựng kế hoạt và tuyển dụng cán bộ có trình độ năng lực, đạo đức nghề nghiệp: các CTCK cần có kế hoạch dài hạn về phát triển nguồn nhân lực của công ty. Trong thời gian đó, CTCK xác định nhu cầu về số lượng nhân viên cho mỗi hoạt động nghiệp vụ để từ đó có kế hoạch tuyển dụng, tránh tình trạng tuyển dụng ồ ạt, chất lượng nhân viên không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Do đó, ngay từ khâu tuyển dụng các CTCK cần có các tiêu chí rõ ràng, cụ thể cho mỗi vị trí công việc và mức độ yêu cầu nhân viên ở các vị trí công việc là khác nhau.

Đặc biệt đối với hoạt động tư vấn đầu tư, các CTCK cần nâng cao chất lượng tuyển dụng nhân viên vì với vị trí này các CTCK cần phải lựa chọn những người ngoài việc có trình độ chuyên môn còn cần phải có kỹ năng giao tiếp. Uy tín của nhân viên tư vấn chính là uy tín của CTCK có được khi khách hàng đạt kết quả tốt sau khi được tư vấn. Do vậy, yếu tố lưu loát trong hành xử, ứng xử bên cạnh trình độ và kinh nghiệm sẽ làm nên thành công của một nhân viên tư vấn đầu tư chứng khoán.

Nâng cao chất lượng nhân viên hành nghề kinh doanh chứng khoán thông qua chuẩn hóa các chương trình đào tạo hành nghề kinh doanh chứng khoán theo các chuẩn mực cao nhất và từng bước mở cửa cho các tổ chức đào tạo chứng khoán nước ngoài có uy tín.

CTCK có thể kết hợp giữa hình thức đào tạo trong công việc với đào tạo theo chuyên đề, khuyến khích động viên, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn. Với hình thức đào tạo trong công việc, các CTCK sẽ tiết kiệm được chi

phí đào tạo nhưng lại làm tăng hiệu quả trong công việc, tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên trong công ty. Hình thức này là học từ thực tế do vậy công việc được tiếp thu, xử lý nhanh hơn trên cơ sở những kiến thức đã được học tại bậc Đại học. Cũng theo hình thức đào tạo này, định kỳ các CTCK cần tiến hành các buổi sinh hoạt chuyên môn để ở đó các nhân viên chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức với nhau.

Với hình thức đào tạo chuyên đề, bản thân các CTCK hiện nay cũng đang có những chương trình tự đào tạo, bồi dưỡng cho nhân viên hành nghề của công ty bằng cách gửi đi học ngắn hạn nước ngoài, học ở trường đại học, các lơp học ngắn hạn trong nước, hoặc mời chuyên gia trong ngoài nước về giảng. Tuy nhiên các công ty này đang tiến hành đào tạo, bồi dưỡng riêng lẻ theo khả năng của mỗi công ty. Do đó, các CTCK nên tiến hành thành lập trung tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên biệt cho các nhân viên hành nghề của mình.

d. Ứng dụng công nghệ hiện đại

Các CTCK cần tập trung nguồn lực đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin hiện đại đáp ứng được yêu cầu bảo mật, tốc độ xử lý lệnh nhanh và chính xác, nhiều tiện ích khi đặt lệnh và quản lý giao dịch (đặt lệnh chờ, tính toán tài sản và danh mục thật chi tiết…) và vấn đề rất quan trọng để hỗ trợ việc ra quyết định đầu tư đó là các thống kê giao dịch, các báo cáo tổng hợp trên thị trường phải được thực hiện đầy đủ, cập nhật kịp thời theo thời gian giao dịch thực, các biểu đồ kỹ thuật đa dạng cũng không thể thiếu để xác định xu hướng giao dịch của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Một hệ thống với đầy đủ thông tin sẽ giúp nhà đầu tư không mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm và xử lý, từ đó tạo nhiều cơ hội thành công hơn cho chính mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS Bùi Kim Yến, “Thị trường tài chính-Thị trường chứng khoán”, NXB Thống Kê, 2008.

2. Nghị định số : 144/2003/NĐ-CP “về chứng khoán và thị trường chứng khoán” ngày

3. “Luật Chứng khoán” ngày 12/07/2006

4. Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC “về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động công

ty chứng khoán”, ngày 24/04/2007 của Bộ Tài chính

5. Thông tư 226/2010/TT-BTC “ Quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biệ pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính” ngày 31/12/2010 của Bộ Tài chính

6. Quyết định 62/QĐ-BTC “Về việc phê duyệt đề án tái cấu trúc các công ty chứng

khoán” ngày 10/01/2012 của Bộ Tài chính

7. http://cafef.vn/20120224112339531ca31/16-cong-ty-chung-khoan-niem-yet-lo-hon- 2200-ty-dong.chn (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

8. Bài viết có sử dụng lại một số nhận định, số liệu của bài “Hệ thống CTCK ở Việt Nam: thực trạng và giải pháp tái cấu trúc” của tác giả, Kỷ yếu Hội thảo “Tái cấu trúc hệ thống NHTM, CTCK, Bảo hiểm”,Học viện Tài chính tháng 11/2011

Một phần của tài liệu Thực trạng hoạt động của các công ty chứng khoán việt nam (Trang 33 - 38)