Giọng điệu phê phán

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết đi tìm nhân vật của tạ duy anh (Trang 64)

5 Phương pháp nghiên cứu

3.2.2 Giọng điệu phê phán

Bên cạnh giọng điệu giễu nhại, Đi tìm nhân vật còn mang trong mình giọng điệu phê phán. Ngoài việc tạo ra tiếng cười trào lộng, châm biếm, đả kích, Tạ Duy Anh còn lên án, phê phán lối sống hẹp hòi, ích kỉ của những con người trong cuộc sống. Ở đây, giọng điệu phê phán được nhà văn sử dụng rất nhiều. Ông phê phán những con người trong tác phẩm chỉ biết sống cho riêng mình mà tỏ ra thờ ơ, lạnh nhạt với những người xung quanh: “Chú ơi, ngày nào cả khu phố này chả có vài vụ đâm chém, cướp giật.

Chú đừng hỏi tôi bởi vì triết lý làm ăn của chúng tôi là ai biết việc người nấy” [1, tr.

98]. Đối với họ mọi thứ đều là vô nghĩa, chỉ có tiền bạc, danh vọng, địa vị, quyền thế mới là những thứ cốt yếu nhất trong cuộc sống. Và đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự tha hóa, xuống cấp trầm trọng về giá trị cũng như đạo đức của con người trong xã hội. Điển hình như Mặt Đen, một kẻ ngay từ thuở nhỏ đã có những khả năng và sở thích hết sức kì quặc đó là: “thích được nhìn thấy người khác lâm vào cảnh khốn nạn”

[1, tr. 176], “ai đó vui thì hắn buồn; hắn cười khi người khác khóc; thích bóng tối,

nhất là bóng tối ở những khu đền miếu” [1, tr. 179]. Không chỉ vậy, hắn còn là một kẻ

bệnh hoạn trong tâm hồn, để có thể thấy được “biểu hiện thú vật của con người”, “hắn đã nhẫn tâm bố trí cho hai thằng bạn cưỡng dâm một cô gái và đứng ngoài quan sát” [1, tr. 179]. Từ đó nhà văn không chỉ phê phán sự vô tâm, phản trắc của con người mà ông còn phê phán sự xuống cấp trầm trọng về đạo đức, sự tha hóa về nhân tính của con người trong xã hội. Đồng thời đó cũng chính là căn nguyên, cội rễ dẫn con người đến mọi suy đồi trong cuộc sống.

Mỗi nhân vật trong tiểu thuyết Đi tìm nhân vật đều ẩn chứa một vai trò, vị trí khác nhau trong xã hội. Nhưng dù ở vị thế nào đi chăng nữa đều được ngòi bút Tạ Duy Anh phản ánh một cách gay gắt mà không chút kiêng dè, sợ sệt. Đấy là một trong những điều làm cho giọng điệu phê phán trong tiểu thuyết Đi tìm nhân vật trở nên gai góc và sắc nhọn hơn bao giờ hết. Vì thế, trong tác phẩm, nhà văn không chỉ phê phán những kẻ tha hóa về đạo đức, lối sống như Mặt Đen mà còn phê phán những kẻ vì danh vọng, vì quyền lực mà sẵn sàng từ bỏ quê hương, từ bỏ nguồn gốc như tiến sĩ N. Và điều cốt yếu mà ông muốn lên án, phê phán ở đây đó chính là tình trạng vong thân, vong bản của con người trong cuộc sống.

Nhân vật “đám đông” trong tác phẩm cũng là một trong những đối tượng nằm trong giọng điệu phê phán của nhà văn. Trong tiểu thuyết của Tạ Duy Anh, nhân vật “đám đông” xuất hiện rất nhiều. Tuy nhiên, chưa bao giờ độc giả thấy nhà văn ca ngợi,

tán dương đám đông mà chủ yếu là phê phán, mỉa mai, châm chọc. Thường khi nói về đám đông ta sẽ nghĩ ngay đến một sức mạnh về sự đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau, nhưng “đám đông” trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh hoàn toàn trái ngược, nó rời rạc, biệt lập với cộng đồng. Đám đông trong tiểu thuyết Đi tìm nhân vật cũng vậy, họ là những con người giả tạo, vô tâm, tàn nhẫn và ích kỉ. Nếu một ai đó gặp tai họa đám đông ấy sẽ xuất hiện nhưng không phải để giúp đỡ mà bàn tán xem chuyện gì đang xảy ra, ai là kẻ gặp bất hạnh, thậm chí còn cảm thấy vui vẻ và khoái trá trước đau khổ của kẻ đang gặp bất hạnh: “Người vừa bị cắt bóp lăn ra đất cào cấu, kêu trời kêu đất. Mọi người nhanh chóng tảng ra vì không ai muốn mình bị nghi là kẻ ăn cắp hoặc phải trở thành nhân chứng. Người mất tiền là một chị từ nhà quê ra. Chị xót của nên cứ giãy đành đạch, xé quần xé áo thế mà mọi người chuyển từ lo lắng sang thương xót rồi sang buồn cười và khi quần chị bị rách toang một miếng thì không ít người khoái trá. Tình cảm sau cùng mà chị nhận được ở mọi người là sự bực tức, một vài người nguyền rủa chị” [1, tr. 82 - 83]. Tụ họp nơi ấy là cả một đám đông rộng lớn, thế nhưng người phụ nữ bất hạnh kia không hề nhận được một sự chia sẻ, cảm thông nào mà còn trở thành đối tượng để họ đem ra bỡn cợt, bông đùa. Chọn nhân vật “đám đông” làm đối tượng phê phán, Tạ Duy Anh còn muốn kín đáo vạch trần bản chất vô trách nhiệm của những con người trong một xã hội hỗn mang, vô tâm và không một chút tình người.

Một phần của tài liệu đặc điểm tiểu thuyết đi tìm nhân vật của tạ duy anh (Trang 64)