5 Phương pháp nghiên cứu
2.2.2 Con người với những khát khao tình yêu và tự do
Trong tiểu thuyết Đi tìm nhân vật, Tạ Duy Anh đã phản ánh con người theo từng khía cạnh, từng góc độ của cuộc sống. Con người trong Đi tìm nhân vật không phải là những con người lúc nào cũng chứa đựng những thù hận, tham lam, ích kỉ, những dục vọng thấp hèn mà tận sâu trong tâm hồn họ cũng ẩn chứa những nỗi niềm, những khát khao về tình yêu, tự do và hạnh phúc. Có thể nói, dù viết về vấn đề gì đi chăng nữa thì điều mà nhà văn hướng đến chính là hạnh phúc của mỗi con người trong cuộc sống này.
Cuộc sống này có quá nhiều điều làm cho con người phải thay đổi, dù rơi vào con đường lầm lạc không lối thoát nhưng tận sâu trong tâm hồn họ vẫn chứa đựng biết bao khát khao về một tình yêu đẹp, một cuộc sống hạnh phúc và chưa bao giờ họ từ bỏ những khao khát của riêng mình. Như Trần Bân, từ lúc lên mười ông đã yêu cô bạn gái của mình, một cô bé xinh đẹp, da dẻ hồng hào và sạch sẽ nhất đối với ông, nhưng trớ trêu thay cô bé ấy đã bị cha ông và đám đông chôn sống vì bị cho là mắc bệnh hủi. Chính điều đó đã làm trái tim non nớt của ông bị tổn thương ghê gớm. Cứ nghĩ, tình yêu của một cậu bé lên mười chỉ như một sự “cảm nắng”, những rung động nhất thời,
rồi thời gian sẽ xóa nhòa tất cả, mọi kí ức sẽ vụt bay theo năm tháng. Thế nhưng, lúc nào ông cũng đau đớn, dằn vặt về một mối tình bị đứt đoạn: “Lúc bấy giờ tôi mới nghe trái tim non nớt của mình bị thổn thức một cách đau đớn. Anh tin hay không thì tùy nhưng tôi yêu từ lúc lên mười và người yêu của tôi chính là con bé bị chôn sống. Đó là người yêu đầu tiên, mối tình thần tiên của tôi. Suốt những ngày sau đó tôi chỉ còn biết khóc thầm một mình. Tôi khóc cho mối tình bị đứt đoạn của tôi, đồng thời khóc cho
hồn tôi về cõi khác” [1, tr. 168]. Dù bao năm tháng đã trôi qua nhưng chưa bao giờ
Trần Bân quên được mối tình đầu của mình, lúc nào ông cũng khao khát được gặp lại cô bé ấy, và rồi trong ông tồn tại một niềm tin mãnh liệt rằng hai người sẽ được trùng phùng, người yêu ông sẽ chờ đợi ông ở kiếp sau và hai người sẽ có một tình duyên mĩ mãn: “Và rồi tôi tin có kiếp sau, một niềm tin không sao cưỡng lại được. Tôi tin bạn
gái tôi đợi tôi ở một kiếp khác” [1, tr. 169].
Nếu đã tồn tại trong cuộc đời này thì cho dù là ai, đang sống trong hoàn cảnh nào cũng đều có quyền khao khát về một tình yêu đẹp, một hạnh phúc vuông tròn. Tình yêu được soi rọi từ chính cảm nhận riêng tư của mỗi người, và được thể hiện trong nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ, địa vị và tình yêu giúp con người trở nên yêu đời hơn, tươi trẻ hơn và sống hướng thiện hơn. Chính vì vậy, khi miêu tả con người với những khát khao tình yêu và tự do, Tạ Duy Anh đã cho nhân vật của mình thể hiện tình yêu một cách sâu sắc và tinh tế cùng nhiều trăn trở, suy tư. Trong tác phẩm Đi tìm nhân vật, không chỉ có những người bình thường mới được quyền yêu và khao khát tình yêu mà ngay cả những người dù đã lỡ bước sa chân như mụ Tú Bà cũng đã từng ấp ủ một tình yêu cho riêng mình. Giờ đây, tuy đã trở thành chủ một nhà chứa, là một người phụ nữ độc ác, xảo quyệt, và mụ có thể có được bất kì một người đàn ông nào nếu muốn, nhưng lúc nào mụ cũng nhớ tới mối tình đầu của mình và mong được một lần gặp lại người ấy. Nhưng từ bấy đến nay vẫn chưa lần nào gặp lại. Chính vì thế, khát vọng được yêu, được dâng hiến, được trao tặng thể xác cho người mình yêu trong mụ thật mãnh liệt: “Vì cậu làm chị nhớ tới anh người yêu đầu tiên của chị quá. Anh ấy cũng đẹp trai, cũng có mẻ trí thức như cậu. Bọn chị thân nhau từ hồi nhỏ”, “không hiểu sao, với hàng ngàn thằng đàn ông rồi, chị
vẫn khao khát được cùng anh ấy một lần” [1, tr. 66]. Tình đầu quả thật rất khó phai
nhòa. Dù đã trải qua bao năm tháng nhưng tận sâu trong trái tim mỗi người vẫn chất chứa biết bao khát khao về một tình yêu đẹp. Thế nhưng, sóng gió cuộc đời đã vùi dập và chà đạp lên khát vọng chân chính và thánh thiện của họ. Nhưng chưa bao giờ họ quên đi và từ bỏ, vì tình yêu ấy vẫn nằm sâu trong đáy tim của họ.
Cũng giống vậy, Thảo Miên, một cô gái vốn xuất thân trong một gia đình danh giá, cô có một trái tim non nớt, thuần khiết, trong sáng và thánh thiện. Nhưng tạo hóa trớ trêu đã đẩy cuộc đời cô rơi vào con đường lầm lạc và trở thành một cô gái gọi hạng sang. Nói cách khác, cô chính là nạn nhân của bi kịch gia đình và xã hội. Bởi một cô gái mới lớn làm sao chịu nổi khi chứng kiến cảnh mẹ mình ngoại tình với một kẻ đào giếng vai u, thịt bắp, không tên tuổi, không lý lịch. Và kể từ những giây phút đó cuộc đời cô đã rơi tõm vào vực sâu không lối thoát, cô quyết định bán linh hồn mình cho quỷ dữ với mục đích mơ hồ là trả thù. Vì vậy, cô đi khắp nơi để “rao bán” tấm thân trinh trắng của mình. Cho đến khi cô gặp vào trao tấm thân trinh nguyên của mình cho Trần Bân. Lúc đầu đối với cô, Trần Bân chỉ như một công cụ để cô trả thù người, trả thù đời nhưng sau những ngày chung sống cùng ông Bân dường như trong trái tim cô đã có hình bóng của ông, cô khao khát được yêu ông, được hi sinh trọn đời vì ông, cô chỉ muốn sống chết vì ông thôi. Vì giờ đây chỉ có ông mới có thể cứu rỗi linh hồn cô, giúp cô thoát khỏi cảm giác cô đơn, lạc lõng trong cõi đời đầy lọc lừa và dối trá này. Thế nhưng, tình yêu kia chỉ xuất phát từ một phía vì tình cảm ông Bân dành cho cô chỉ là cảm giác tội lỗi. Chính vì thế, khi thấy người cô yêu phải chịu đau khổ và dằn vặt, cô chẳng biết làm gì hơn là phải lựa chọn: “Hoặc ở lại để trở thành kẻ hãm hại đời
ông, hoặc bỏ đi” [1, tr. 309]. Và cô đã lựa chọn cách từ bỏ. Dù vậy, sâu thẳm trong
trái tim cô vẫn mong ông sẽ tìm cô, tình yêu của ông sẽ tưới mát cuộc đời cô, cứu vớt cô khỏi cạm bẫy của cuộc đời này. Tuy đã rơi vào chốn bùn nhơ và cuộc đời cô đã thực sự ngừng lại, nhưng tình yêu của cô dành cho Trần Bân thì vẫn mãi còn đó. Dù tình yêu đó có bị chia lìa bởi những bàn tay của số phận, con đường cô có thể quay về với Trần Bân là rất mong manh, nhưng tận sâu trong tâm hồn, cô vẫn muốn chống lại định mệnh ấy, muốn nhen nhóm một tia hi vọng về một tình yêu cho riêng mình và từng ngày trôi qua cô vẫn không ngừng dõi theo ông cho đến khi ông thật sự rời xa cô, rời xa cõi đời này: “Khi ra khỏi phòng em đã xác định dứt khoát là không quay lại. Nhưng lúc ấy em không thể hình dung nổi cuộc trở về với ông của em đã bị bàn tay số phận cắt cầu rút ván. Em yếu ớt chống lại nó bằng cách, mỗi ngày đều đặn em viết cho ông một lá thư, với địa chỉ: “Từ thế giới bên kia”. Công việc này chỉ chấm dứt vào
ngày… khi em thấy người ta cáo phó ông trên báo” [1, tr. 311]. Đúng là cuộc sống
chẳng mấy khi chiều ý con người. Cuộc đời Thảo Miên đã mất đi tất cả, cô chỉ hi vọng tìm được một chỗ dựa vững chắc, một tình yêu đích thực để làm điểm tựa trong cuộc đời nhưng cũng chẳng thể nào thực hiện được. Và ngay cả khi cô gặp Chu Quý cũng thế.
Đối với Chu Quý ngày đầu tiên anh gặp Thảo Miên, cô như một “thiên thần
bước ra từ giấc ngủ, một thứ Lolita ngơ ngác, thất lạc trong cuộc đời” [1], “dù có dìm
cô xuống bùn đen thì tâm hồn cô vẫn tỏa hương trinh trắng” [1, tr. 64]. Và anh đã yêu
nàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Dù cho Mặt Đen có mỉa mai, có cười cợt anh là yêu một ả cave đi chăng nữa thì đối với anh, Thảo Miên như một thiên sứ sa lầy, anh tìm mọi cách để mong giải thoát nàng ra khỏi vùng “cấm địa” tội lỗi và mong được cùng nàng xây dựng một tình yêu đẹp tuyệt vời, thánh thiện. Bởi Chu Quý tin rằng, ngoài tất cả những điều xấu xa, tàn mạt thì cuộc đời này vẫn còn có tình yêu. Tình yêu sẽ mang hai người rời khỏi mọi đau khổ, bất hạnh và giả dối trong cuộc đời này. Thế nhưng, Thảo Miên vì đã trải qua quá nhiều sóng gió trong cuộc đời nên nàng cho cuộc sống này tất cả đều là vô vọng. Nó vô vọng như tình yêu của cô dành cho nhà văn Trần Bân, rồi tình yêu của cô và Chu Quý cũng sẽ như thế. Không phải cô không có ước mơ, không có khao khát và không tin vào một tình yêu đẹp, nhưng vì những điều mà cô đã nhìn, đã thấy nó đã giết chết trái tim non nớt, thuần khiết của mình mất rồi: “Em cũng từng khao khát một cuộc sống giản dị, được làm vợ, làm mẹ, được hạnh phúc và được đau khổ. Nhưng tất cả đã cháy thành tro, đã chết đen thui từ sau cái đêm kinh khủng đó…” [1, tr. 220]. Cuối cùng, cô đã tìm đến cái chết bằng cách tự biến mình thành ngọn đuốc. Mặc dù tìm đến cái chết là một điều tiêu cực nhưng dường như đối với Thảo Miên nó là hy vọng cho một bắt đầu mới, ngọn đuốc kia như một ánh sáng niềm tin thắp lên để cứu rỗi linh hồn cô, mang cô đến với tự do và có thể tìm lại chính mình, tìm lại một cô gái trong trắng, trinh nguyên như ngày nào.
Tình yêu và tự do là cái mà không biết bao nhiêu người đã khao khát và mơ ước có được trong cuộc đời này. Nếu đã tồn tại trên cõi đời này, có ai mà không mơ ước về một cuộc sống tự do, tự tại, có một gia đình đầm ấm, một tình yêu đẹp, một cuộc sống no đủ, bình yên và hạnh phúc bên bạn bè, gia đình và người thân. Nhưng thử hỏi, liệu cuộc đời này có như mong ước, khi những cơn lốc của cuộc đời cứ xoáy sâu con người vào vực thẳm của đau thương, tội lỗi, không lối thoát. Như tiến sĩ N, một nhà khoa học mẫn cán, tận tụy với đời, ông là người có công danh, có địa vị trong xã hội, có một gia đình đầm ấm, một người vợ xinh đẹp, hiền ngoan. Thế nhưng, mấy ai biết được công danh, địa vị và mái nhà kia chỉ là một lớp vỏ bọc để ông che mắt người đời. Chính vì thế, ông là một kẻ cô độc trong xã hội và trong chính cuộc đời ông, chẳng ai trong cuộc đời này có thể kéo ông ra khỏi cô đơn và sợ hãi để tìm đến tự do ngoài chính bản thân ông. Nhưng phải làm sao khi ông không thắng nổi và không vượt qua được chính bản thân mình. Do đó, ông đã tự giam hãm và cầm tù chính bản thân mình. Nhưng sức
chịu đựng của ông có giới hạn, ông không thể nào chịu nỗi cuộc sống tù túng, ngột ngạt như thế nữa, ông muốn được phiêu lưu, tự do, tự tại như mây như gió trong cuộc đời này. Ông như kẻ “đang kêu cứu một cách tuyệt vọng, hướng về tự do như con thú trong sa mạc hướng về nguồn nước. Tất cả đang bốc mùi, thối rữa, tan biến thành
bụi…” [1, tr. 156]. Giờ đây, cuộc sống đối với ông thực sự đã trở nên vô nghĩa, ông
cảm thấy ghê tởm tất cả những thứ đang hiện tồn trong cuộc đời này: “Tôi đột nhiên bị thôi thúc phải làm một cái gì đó phá tan sự vô nghĩa. Tôi ghê tởm những kẻ không hiểu gì về tôi, luôn luôn tỏ lòng sùng mộ. Điều đó khiến tôi bị đè thêm những tảng đá, không thể nào sống lại được sau cái chết. Tôi nguyền rủa họ. Tôi nguyền rủa chính
bản thân tôi” [1, tr. 159]. Và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân thôi
thúc ông tìm đến cái chết thêm một lần nữa. Bên cạnh đó, ông còn muốn thoát khỏi cuộc đời nhầy nhụa, tối tăm này, vì đối với ông, có tồn tại trong cõi đời này thêm một ngày nào nữa thì chỉ làm cho tâm hồn ông thêm tâm tối và vấy bẩn. Chính vì thế, những ý nghĩ về cái chết cứ thế ngày một lớn dần, lớn dần, nó như một kim chỉ nam thôi thúc ông tìm về với niềm an lạc và tự do trong cuộc đời: “Tôi nghe thấy những âm thanh rất lạ, vọng từ bên ngoài vào như một lời giục giã. Đột nhiên tôi muốn rời khỏi cuộc sống này, như một hành khách muốn rời con tàu toa đen, ẩm mốc và hôi thối, dầy đặc không khí ô nhiễm và độc tố… mà ông ta đã ngồi quá lâu trên một đoạn đường tẻ ngắt bởi chỉ toàn sa mạc, nghĩa địa. Tôi nhìn xuyên qua lớp thời gian và ở đó hiện tại, quá khứ, tương lai, nỗi sợ hãi vẫn bám đuổi tôi… đều biến mất. Tôi cảm nhận một cái gì rất xa, rất xa, rất sâu, xa hơn cả quá khứ, sâu hơn cả thời gian; ở đó chỉ có niềm an
lạc và tự do” [1, tr. 159, 160]. Tuy rằng chết không phải là hết, là kết thúc tất cả, nó
không giúp tiến sĩ N xóa sạch mọi dấu vết, mọi tội lỗi trong cuộc đời mình, nhưng ít ra nó cũng khiến ông một lần được tự do và nhìn thấy phía sau là cả một ngày mai, cái ngày mai không còn thù hận, đau thương, cô đơn, lạc lõng trong cuộc đời, mà là ngày mai của sự thanh sạch và tự do trong tâm hồn tiến sĩ N, cái tự do mà chưa bao giờ ông chạm tới được dù chỉ một lần.
Qua đó, Tạ Duy Anh không chỉ đưa nhân vật của mình bước vào một xã hội hỗn mang, xô bồ, với những con người độc ác, đánh mất niềm tin, đánh mất lý trí để chạy theo đồng tiền, vật chất, danh lợi mà bên cạnh đó, những nhân vật trong Đi tìm nhân vật còn là những con người biết nhận diện lại cuộc đời, và nhận diện chính bản thân mình để tìm thấy một chút ánh sáng của niềm tin về một tình yêu con người và khát khao tự do trong cuộc đời này. Dù ánh sáng kia chỉ là một ngọn lửa le lói nhưng cũng đủ làm bừng sáng cuộc đời con người, đưa con người rời khỏi những bến mê của cuộc
đời. Mặc dù cái kết mà Tạ Duy Anh chọn cho từng nhân vật của mình đó chính là tự sát. Nhưng tự sát chỉ làm cho con người thoát khỏi kiếp sống nhầy nhụa chứ không hoàn toàn mở được lối phục sinh cho tâm hồn. Chính vì thế, cuối tác phẩm Tạ Duy Anh đã thốt lên rằng: “Can đảm lên con,đừng sợ!” [1, tr. 333]. Vì chỉ có can đảm mới làm cho con người dám đối diện với tất cả mọi thứ. Đừng bao giờ chạy chốn bất cứ lỗi lầm nào mà mình đã gây ra, hãy đối diện với con người, với cuộc đời này, chỉ có như thế mới thật sự tìm được niềm tin, tự do, tình yêu và hạnh phúc thật sự trong cuộc đời này.