Cách sử dụng ca từ trong thể loại tình ca

Một phần của tài liệu cảm hứng trữ tình trong nhạc của văn cao (Trang 52)

5. Phương pháp nghiên cứu

3.1.1 Cách sử dụng ca từ trong thể loại tình ca

Tình ca là một thể loại được Văn Cao sáng tác nhiều nhất trong khoảng thời gian trước cách mạng tháng 8. Trong khoảng thời gian này chúng ta thường được biết đến Văn Cao với những ca khúc trữ tình, mang đậm chủ nghĩa lãng mạn đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Những ca khúc tình ca này thường mang đến cho người nghe một cảm giác thư thái, êm ái vì giai điệu ngọt ngào và đặc biệt hơn hết chính là những ca từ và hình ảnh trong những ca khúc này được nhạc sĩ trau chuốt và lựa chọn một cách cẩn thận nhất, thể hiện được tài năng và sự uyên bác của người nhạc sĩ tài hoa.

Ca từ trong những sáng tác tình ca của Văn Cao trong giai đoạn này được đánh giá cao về tính lãng mạn, dịu dàng nhưng cũng không kém phần triết lý. Có thể nói rằng, cảm hứng trữ tình đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc lựa chọn ca từ trong sáng tác nhạc của nhạc sĩ Văn Cao. Ông đã lựa chọn những ca từ sao cho phù hợp với cảm hứng trữ tình để truyền tải một cách trọn vẹn thông điệp mà nhạc sĩ muốn truyền tải đến người thưởng thức.

Những nhạc phẩm tình ca đầu tiên như Buồn tàn thu, Thiên Thai, Suối mơ,

Bến xuân, Em đi mùa cưới, Trương Chi, Thu cô liêu, Cung đàn xưa ở giai đoạn

đầu đến nhạc phẩm cuối cùng Mùa xuân đầu tiên đã đánh giá được phần nào tài

năng sử dụng ca từ trong sáng tác nhạc của Văn Cao. Với ca khúc đầu tay là Buồn tàn thu được nhạc sĩ sáng tác khi chỉ mới 17 tuổi, tuy nhiên tác phẩm này đã đánh

dấu sự ra đời của một nhân tài âm nhạc sau này. Tác phẩm chính là sự kết hợp hài hòa giữa cảm hứng trữ tình, ca từ vô cùng độc đáo thể hiện sự uyên bác và tính nghệ sĩ cao của chàng nhạc sĩ trẻ.

Khi thưởng thức Buồn tàn thu, người nghe một lần nữa như được trải lòng

mình theo từng nốt nhạc du dương và ca từ vô cùng lãng mạn. Để thể hiện được trọn vẹn những ý đồ của mình, Văn Cao đã lựa chọn một cách hết sức khéo léo

những ca từ sinh động thể hiện rõ nét nỗi buồn của người thiếu nữ. Và để làm được điều như thế, người nhạc sĩ tài hoa ấy đã sử dụng nhiều từ láy, tính từ, động từ nhằm miêu tả nội tâm của nhân vật người nữ trong tác phẩm này một cách hoàn hảo nhất:

Ai lướt đi ngoài sương gió Không dừng chân đến em bẽ bàng

……….. Lòng buồn vương vấn Em thương nhớ chàng ……… Người ơi còn biết em nhớ mong

Tình xưa còn đó xa xôi lòng ……….

Chàng ngày nao tìm đến còn nhớ đêm mong Kề má say sưa

Nhưng năm tháng qua dần mùa thu chết bao lần…

(Buồn tàn thu)

Có thể nói rằng ca từ đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành một ca khúc hay. Văn Cao sử dụng động từ “lướt” trong ca khúc gợi cho

người nghe một cảm giác êm đềm, dường như trong không gian vắng lặng người thiếu phụ tội nghiệp ấy như nghe được tiếng bước chân thật nhẹ nhàng của người mình yêu nhưng kết quả mang lại đối với nàng chỉ là một tính từ “bẽ bàng” trong vô vọng. Tác giả sử dụng từ láy “vương vấn” và “say sưa” gợi cho người nghe một chút gì đó giàn trải, miên man như chính nỗi lòng của người chinh phụ, đó chính là niềm khát khao cháy bỏng của nàng về một hạnh phúc lứa đôi, sự hoài niệm không muốn xa rời những kỷ niệm đẹp của tình yêu. Việc sử dụng những từ láy, động từ, tính từ trong ca khúc ấy đã lột tả hết tâm trạng của nhân vật trữ tình để rồi từ đó gợi cho người nghe một cảm thông về thân phận bé nhỏ của người phụ nữ.

Sự nhẹ nhàng, thanh thoát của mùa thu một lần nữa đi vào trong sáng tác của Văn Cao với hình ảnh của dòng Suối mơ bên cánh rừng đang độ vào thu, nét lãng mạn trữ tình ấy được hiện ra trong từng ca từ của ca khúc:

“Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng

………

Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát”

(Suối mơ)

Tính từ “lững lờ” phối hợp với động từ “róc rách” gợi cho người nghe là

một dòng suối yên bình và lãng mạn, làm cho nó trở nên có hồn và sinh động, giúp cho người nghe có sự liên tưởng đến vẻ đẹp dịu dàng và thanh thoát của dòng suối mùa thu.

Trong ca khúc Cung đàn xưa tác giả sử dụng các từ láy thể hiện tâm trạng và sử dụng biện pháp đảo ngữ khiến tâm trạng nhân vật trữ tình trong ca khúc ngày càng sinh động:

Tình duyên lãng đãng, nhớ thương dần pha phôi ……….

Buồn tê tái trong tiếng ngân, buồn như lúc xuân sắp tàn

(Cung đàn xưa)

Cung đàn ngày xưa đã khiến cho tình yêu của tác giả nguôi ngoai đi biết bao sầu muộn, từ láy “lãng đãng” gợi cho người nghe một chút gì đó giàn trãi, nhớ

thương, kết hợp với đảo ngữ “pha phôi” được đảo từ “phôi pha” thể hiện một sự

kết thúc một mối tình không trọn vẹn. Tính từ “tê tái” góp phần giúp cho việc miêu tả tiếng đàn càng thêm sức gợi, thể hiện môt nỗi buồn sâu thẳm trong tiếng đàn.

Trong ca khúc Bến xuân, tâm trạng của chàng trai tan vỡ trong tình yêu được tác giả khắc họa một cách rõ nét qua những từ láy và thành ngữ đã thể hiện tâm trạng:

“Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác Em vắng tôi một chiều

Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu ………

Du khách còn ngại ngùng nhìn bến xuân

Bèo dạt mây trôi”

(Bến xuân)

Từ láy “ngơ ngác” trong ca khúc thể hiện rõ nét tâm trạng bàng hoàng của

nhân vật trữ tình khi tình yêu đầu tan vỡ, một nỗi buồn sâu thẳm, một tâm trạng cô đơn không thể nào chấp nhận được sự thật phũ phàng ấy. Nối tiếp dòng cảm xúc ấy, tác giả sử dụng từ láy “tiêu điều” thể hiện nỗi buồn của nhân vật đang hòa vào

trong cảnh thiên nhiên, sông nước, cảnh vật ấy như nói hộ tâm trạng của người trong cuộc. Việc sử dụng từ láy “ngại ngùng” cùng với thành ngữ “bèo dạt mây trôi” góp phần thể hiện một nỗi buồn sâu thẳm, giờ đây cảnh vật ngày xưa vẫn còn

đó nhưng người xưa giờ ở nơi đâu, chàng trai không dám đối mặt với thực tế đau lòng ấy để rồi buông xuôi tình cảm như dòng sông cứ chảy.

Ca khúc Mùa xuân đầu tiên đã khẳng định được vị trí và tài năng của một nhạc sĩ hàng đầu của Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng. Giống như hình ảnh của những mùa xuân trước đó, Mùa xuân đầu tiên được viết trên nền của điệu Valse nhẹ nhàng, cùng với những hình ảnh và ca từ độc đáo đã tạo ra trước mắt người nghe một bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp, yên bình trong những ngày đầu tiên đất nước thu về một cõi.

Trong ca khúc này, người nghe sẽ cảm thấy thú vị khi tác giả sử dụng đến ba lần từ “dặt dìu” và hai lần từ “bình thường” trong lời hát:

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về Mùa bình thường mùa vui đã về

……….. Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về Người mẹ nhìn đàn con nay đã về

………. Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về Mùa bình thường, mùa vui nay đã về”

“Dặt dìu” là một đảo ngữ, nó gợi cho người nghe một cảm giác vô cùng êm

ả, phảng phất một gì đó một chút ngại ngùng của mùa xuân đang đến, mùa xuân ấy mang một vẻ đẹp dịu dàng, không tưng bừng và hoa lệ. Đối với Văn Cao chỉ là một mùa “bình thường” trong năm, việc sử dụng từ “bình thường” thể hiện dụng ý của tác giả, trong khí thế cả nước đang tưng bừng đón chào một mùa xuân mới độc lập thì hãy lắng lại để cả dân tộc nhìn lại một chặng đường dài đã qua với biết bao hy sinh gian khổ đã đổ xuống để có được ngày hôm nay, mùa xuân ấy cũng là một mùa “bình thường” như bao mùa khác, hãy quên đi những gian khó nhọc nhằn để cùng hưởng trọn một mùa xuân của tương lai phía trước. Việc sử dụng những ca từ như thế đã khẳng định được tài năng và sự khéo léo của Văn Cao trong việc lựa chọn ca từ trong nhạc phẩm.

Tạm biệt những mùa thu, những mùa xuân tuyệt đẹp, Văn Cao đã cho người nghe được đến cõi Thiên Thai. Lấy bối cảnh và cảm hứng từ câu chuyện nhân gian – Lưu, Nguyễn nhập Thiên thai, Văn Cao đã kể lại câu chuyện tình tuyệt đẹp đó bằng âm nhạc của mình, chính vì thế nhạc sĩ đã khéo léo lựa chọn những ca từ qua đó thể hiện rõ tinh thần của tác phẩm.

Để thể hiện một cách rõ nét tâm trạng của các nhân vật trữ tình trong ca khúc, Văn Cao đã sử dụng khá nhiều từ láy và tính từ trong ca từ:

“Kìa đường lên tiên kìa nguồn hương duyên Theo gió tiếng đàn xao xuyến

Phím tơ lưu luyến, mấy cung u huyền ………..

Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan

……….. Này là khúc bồng lai

Là cả một thiên thu trong tiếng đàn chơi vơi ……… Đàn non tiên khao khát khúc tình duyên

Hành trình đi tìm cõi Thiên thai của hai chàng Lưu, Nguyễn được Văn Cao miêu tả thật đẹp qua những tính từ thể hiện tâm trạng và từ láy vần. Tiếng đàn của cõi tiên vang xa theo gió khiến“xao xuyến” cõi lòng, làm “chơi vơi” trong suy nghĩ và “lưu luyến” bước chân của người du khách trần gian. Việc sử dụng các ca từ này góp phần miêu tả cảnh sắc thêm đẹp, làm cho tiếng đàn nơi tiên cảnh thêm cuốn hút. Tiếp nối những cảm xúc ấy, nhạc sĩ đã sử dụng thêm nhiều từ láy hoàn toàn đã góp phần tô điểm thêm bức tranh tiên cảnh ngày càng sinh động. Từ láy “nao nao” kết hợp với “bầu sương khói phủ quanh trời” tạo cho người nghe như cảm nhận

một một làn khói sương mong manh tuyệt đẹp đang hòa quyện và níu kéo bước chân người du khách. Từ láy “lênh đênh” để miêu tả chiếc thuyền hoa, gợi cho

người thưởng thức sự mênh mông, lãng mạn, tạo ra một không gian cõi tiên thật thoáng đãng, yên bình. Tính từ “khao khát” để đặt tả tiếng đàn của người tiên nữ đã thể hiện một cách rõ nét tâm trạng của những nhân vật trữ tình trong tác phẩm, đó là sự khát khao có một tình yêu trọn vẹn của tiên nữ và người trần gian. Có thể nói rằng, nhờ vào sự am hiểu tinh tường về đời sống nội tâm của con người và sự nhạy bén đã giúp cho Văn Cao có thể lựa chọn ca từ hay đến như vậy.

Đối với nhạc sĩ Văn Cao, cống hiến cho đời những tác phẩm hay chính là tâm nguyện suốt đời của ông. Ông thường ví mình chính là một chàng Trương Chi dâng hiến cho đời những ca khúc tuyệt vời và tự thương cho số phận của mình khi bị chính cuộc đời ruồng bỏ. Với nền nhạc buồn như chính tâm sự của tác giả cùng với những hình ảnh và ca từ mang đậm tính cổ điển. Văn Cao đã viết lên một câu chuyện cảm động về người nghệ sĩ tài hoa nhưng bạc mệnh Trương Chi.

Để phù hợp về đề tài trong tác phẩm, Văn Cao đã lựa chọn những ca từ vô cùng tuyệt đẹp, đưa người nghe trở về với khung cảnh xa xưa với tiếng sáo trúc trong trẻo làm lay động lòng người của chàng Trương Chi. Một lần nữa những từ láy và tính từ miêu tả tâm trạng nhân vật được Văn Cao sử dụng thành công:

“Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ

Trầm trầm không gian mới rung thành tơ

Chập chùng đêm khuya thức ai phòng loan

………

Anh Trương Chi, tiếng hát vọng ngàn xưa còn rung, anh thương nhớ Ooán trách cuộc từ ly não nùng

……….. Lòng bâng khuâng theo mưa đưa canh tàn

Về phương xa ai nức nở và than”

(Trương Chi)

Không gian âm nhạc như lắng lại và mang mát buồn khi tác giả sử dụng từ láy “trầm trầm” việc sử dụng từ này gợi cho người nghe một cảm giác êm đềm và một không gian nhẹ nhàng, tha thiết như đưa người nghe trở về với một không gian xưa cũ để cùng chứng kiến câu chuyện tình buồn của Trương Chi, Mỵ Nương. Tiếp nối sau đó, tác giả đã sử dụng tính từ “bơ vơ” góp phần thể hiện rõ nét tâm trạng cô đơn, mòn mỏi chờ đợi của Mỵ Nương mong lắng nghe tiếng sáo Trương Chi. Nhưng rồi tình yêu không trọn vẹn, chàng nghệ sĩ tài hoa phải chon khối tình vào trong ký ức, tình yêu tan vỡ nhưng không biết trách ai, Văn Cao sử dụng tính từ

“não nùng” và “nức nở” làm tăng thêm vẻ đau buồn, giúp cho người nghe có một

niềm cảm thông sâu sắc về mối tình và thân phận của nhân vật trữ tình trong tác phẩm. Việc nhạc sĩ sử dụng hết sức khéo léo những từ láy và tính từ trong tác phẩm, đã phần nào đã diễn tả được nỗi lòng của hai nhân vật trong ca khúc, thể hiện nỗi đau đớn xót xa của người nghe trước một mối tình đẹp nhưng không trọn vẹn.

Những ca từ trong thể loại tình ca, Văn Cao đã sử dụng khéo léo những từ láy, tính từ và động từ, việc sử dụng những từ như thế một đã thể hiện được tinh thần của tác phẩm, diễn tả một cách rõ nét tâm trạng và khai thác sinh động đời sống nội tâm của những nhân vật trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu cảm hứng trữ tình trong nhạc của văn cao (Trang 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)