Cơ sở lý thuyết của việc tạo hình:

Một phần của tài liệu bài giảng về thủy tinh (Trang 54)

Các sản phẩm thủy tinh được tạo hình trong quá trình nhiệt độ giảm liên tục. Khi đó các tính chất của thủy tinh cũng bị biến đổi theo và đó là điều rất đáng quan tâm trong quá trình tạo hình.

4.9.1.1 Vai trò của độ nhớt:

Khả năng tạo hình của khối thủy tinh ở trạng thái dẻo có liên quan trước hết đến sự thay đổi độ nhớt theo nhiệt độ. Việc đầu tiên là tạo cho khối thủy tinh có nhiệt độ thích hợp để tạo thành phôi. Phôi phải có độ nhớt thích hợp để thực hiện giai đoạn tạo hình.

Sau giai đoạn này sản phẩm thủy tinh được tạo hình, lúc đó độ nhớt cũng phải tăng kịp để đảm bảo thủy tinh được định hình, tức là hình dáng sản phẩm không bị biến đổi nữa.

4.9.12 Vai trò của sức căng bề mặt:

Nhờ có sức căng bề mặt mới có thể tạo giọt thủy tinh trong các máy cung cấp giọt cho máy tạo hình tự động, và lấy được mồi thủy tinh ở đầu ống thổi để thổi thành

phôi hoặc thành sản phẩm. Sức căng bề mặt làm cho các chỗ thủy tinh bị cắt, sau khi đốt nóng không còn sắc cạnh nữa và có thể tiến hành đánh nhẵn bề mặt thủy tinh bằng ngọn lửa.

Nhưng cũng chính sức căng bề mặt là nguyên nhân làm cho mép của các tấm kính sản xuất bằng phương pháp kéo bị cộm lên, thủy tinh khó chui vào các chi tiết phức tạp trên bề mặt khuôn và các phần mép hay góc của các chi tiết rất khó sắc, nhọn vì những chỗ đó thường bị co tròn lại.

Sự thay đổi độ nhớt và sức căng bề mặt của thủy tinh theo nhiệt độ làm cho việc tạo hình thủy tinh có những sắc thái độc đáo mà các ngành công nghệ khác không thể áp dụng được.

4.9.1.3 Yêu cầu nhiệt trong quá trình tạo hình:

Sau khi tách khỏi lò thủy tinh và bị đưa ra ngoài, mồi hay phôi thủy tinh bị nguội đi rất nhanh. Do đó người thợ hay máy tạo hình phải hoạt động phù hợp với sự tăng độ nhớt của phôi thủy tinh. Ngược lại cũng phải không chế chặt chẽ chế độ nhiệt độ để đảm bảo hoạt động bình thường của người và đặc biệt là của thiết bị tạo hình.

Khoảng nhiệt độ tạo hình phải nằm ngoài khoảng kết tinh của thủy tinh. Cần chú ý tốc độ đóng rắn của thủy tinh.

Để sản phẩm có chất lượng bề mặt cao, khuôn tạo hình cũng phải có chế độ nhiệt độ thích hợp. Khuôn quá nóng thì thủy tinh sẽ dính vào khuôn, khuôn quá lạnh thủy tinh sẽ bị rắn lại quá nhanh, bề mặt sẽ rất xấu và dễ bị rạn nứt. Trên toàn bộ bề mặt khôn phải có nhiệt độ, đồng đều. Yêu cầu này rất khó thực hiện với khuôn cỡ lớn.

4.9.1.4 Yêu cầu của khuôn tạo hình:

Thủy tinh có thể tạo hình tự do hoặc tiếp xúc. Tùy theo phương pháp tạo hình mà chất lượng bề mặt và chế độ nhiệt của khuôn có ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Muốn có khuôn có chất lượng cao cần phải sử dụng những loại vật liệu có khả năng gia công chính xác, chịu sự dao động nhiệt độ, bền hóa, bền cơ,…

Khuôn thường làm bằng kim loại: gang, đồng, thép hoặc có phủ thêm hợp kim. Ít khi dùng khuôn gốm vì cường độ cơ học kém, khuôn vật liệu chịu lửa dùng trong trường hợp làm thuyền kéo kính hoặc ống để kéo thủy tinh ống.

Chiều dày khuôn có ảnh hưởng đến phân bố nhiệt độ trong khuôn. Thực tế người ta hay áp dụng phương pháp đốt nóng hay làm lạnh khuôn để tạo ra một chế độ nhiệt độ thích hợp như nhúng khuôn vào nước (thổi thủ công), thổi không khí làm lạnh, hay làm lạnh bằng nước tuần hoàn… Cũng có thể dùng biện pháp thay đổi chế độ làm việc của khuôn bằng cách bố trí luân phiên nhiều khuôn. Muốn tăng chất lượng bề mặt sản phẩm có thể áp dụng phương pháp quay sản phẩm trong khuôn, bôi trơn khuôn nhằm làm giảm độ ma sát giữa khuôn và thủy tinh, tạo điều kiện truyền nhiệt tốt hơn, chất lượng bề mặt sản phẩm tăng.

Một phần của tài liệu bài giảng về thủy tinh (Trang 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w