HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG CƠ SỞ CỦA LÀNG LỤA VẠN PHÚC

Một phần của tài liệu xây dựng làng lụa vạn phúc thành làng nghề du lịch (Trang 46)

1.Hệ thống quần thể kiến trúc

1.1.Hệ thống đình, đền, chùa, miếu

Đến Vạn Phúc, người ta bắt gặp nguyên nét cổ kính của làng Việt cổ thời xưa với cây đa, bến nước, sân đình. Vạn Phúc có một hệ thống đình, đền, chùa, miếu… là những điểm tham quan hấp dẫn.

Đình làng là hình ảnh thân quen gắn bó những người làng nghề với nhau. Đình làng Vạn Phúc nơi chứng kiến mọi sinh hoạt lề thói và thay đổi trong đời sống xã hội của làng quê Việt Nam qua bao thế kỷ. Kiến trúc đình làng vì vậy mang đậm dấu ấn văn hóa, độc đáo và tiêu biểu cho kiến trúc điêu khắc Việt Nam truyền thống. Đình Vạn Phúc nằm ở khu trung tâm là một công trình kiến trúc văn hoá cổ kính được xây dựng từ lâu đời, đến đời vua Tự Đức được trùng tu tôn tạo. Đình có khuôn viên sân cỏ, vườn cây, hồ nước rộng thoáng mát làm tôn vẻ đẹp cổ kính của một công trình kiến trúc làng xã. Tại hậu cung có ngai thờ Thành Hoàng và để các báu vật như: gương, lược, vạch chỉ, thước đo, chỉ may dệt... của bà tổ nghề dệt. Đình được xây từ năm 898. Ban đầu chỉ là một mái đình đơn sơ là nơi thờ bà ả Lã. Bà sinh ngày 10 tháng 8 năm Ất Sửu 845, mất ngày 25 tháng chạp 896 tại làng. Sinh thời bà có công xây dựng làng ấp và dạy cho dân nghề dệt lụa, khuyên dân làng làm việc thiện bỏ điều ác “nam chăm lo việc nông, nữ chăm lo tầm cang canh cửi”, “sinh vị dân tử vị quốc”. Sau khi mất ngài được phong làm “Thượng Đẳng Thần” thần hiệu “Đương Cảnh Thành Hoàng, Quốc Vương Thiên Tử, Nga Hoàng Đại Vương”. Được các triều vua phong kiến phong tặng 11 sắc phong vì có công hộ quốc giúp dân (hiện đang lưu giữ tại đình làng). Năm 1875 (đời vua Tự Đức) nghề dệt phát triển, nhân dân đóng góp công đức tôn tạo ngay trên nền đất cũ ở giữa làng.

Đình được xây theo kiểu hình chữ “Quốc” với phương đình 8 mái, có bộ vì kèo chạm trổ công phu đẹp mắt với hình rồng cuộn mây ôm. Hai dẫy “tảo mạc” tả hữu ôm lấy phương đình tạo thành một thế ấm cúng, vững chãi. Phía trước là ao sen, vườn hoa cây cảnh. Năm 1989 đình được trùng tu và năm 2004 lại được tu bổ khang trang như ngày nay. Tại đây ngày 17/8/1945 dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Vạn Phúc vùng lên lật đổ chế độ thực dân, phong kiến xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân sớm nhất trong tỉnh. Ngày 28/1/2005 được UBND tỉnh Hà Tây cấp bằng di tích lịch sử văn hóa. Hàng năm nhân dân lấy ngày 13 tháng giêng làm ngày đại lễ rước kiệu hoa và tế lễ long trọng.

Đền Phường cửi được xây dựng ngay cạnh chùa đầu làng. Ban đầu chỉ có 3 gian đơn sơ. Đền được xây dựng lại quy mô cách đây trên 300 năm. Sau khi nghề dệt của nhân dân phát triển, nhân dân đã lập đền thờ những nghệ nhân do bà ả Lã mời về dạy nghề cho dân. Vì không có tên cụ thể các nghệ nhân nên bài vị thờ chỉ đề chung là “Liệt vị tổ sư”. Ngày hội đền từ 6-8 tháng Giêng hàng năm. Có tế lễ và hội hè vui chơi cho toàn dân diễn ra quanh đền. Ngày 7 tháng Giêng (giữa hội) những người mới xin gia nhập Phường làm một lễ (trong đó có một mâm xôi, một con gà trống thiến), các cụ lão nghề sẽ chấm điểm và thưởng cho ai có lễ đẹp nhất. Làng có quy định nếu ai chưa vào phường chưa được tự tiện mang sản phẩm đi bán, để đảm bảo giữ chất lượng sản phẩm của làng.

Chùa Vạn Phúc được xây dựng ngay đầu làng. Tương truyền chùa được xây trên đầu rồng. Tam quan là trán rồng, ao trước là miệng rồng. Hai giếng nước hai bên là mắt rồng, còn đuôi rồng là một con đường dẫn nước dài 2 km (từ thôn Đại Mỗ chảy về Vạn Phúc, nay không còn). Đây là nơi thờ phật linh thiêng, có sư trụ trì, dân làng và các nơi về cúng lễ quanh năm. Tại đây còn có bia ghi công liệt sĩ là con em của dân làng hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tương lai đây sẽ là quần thể cảnh quan du lịch làng nghề.

Miếu nằm bên bờ sông Nhuệ, có hình như một bông hoa sen mà dải cong của dòng sông Nhuệ như cuống sen đỡ lấy bông hoa. Tương truyền nơi đây là nơi Thành Hoàng hóa. Nhân dân lập miếu thờ. Giữa miếu là cây đa gần 200 tuổi, bao quanh là những cây cổ thụ, tạo thành hình tròn xanh mát ôm lấy bàn thờ. Hàng năm cứ ngày 13 tháng Giêng, rước kiệu Thành Hoàng về Đình cúng tế trong 3 ngày. Chiều 15 là lễ rước giả từ Đình về Miếu.

1.2.Cảnh quan làng quê đồng bằng Bắc bộ

Vạn Phúc nằm giữa hai dòng nước bao bọc, người dân sống êm đềm trong một không khí thuần khiết mát mẻ. Sau quá trình hình thành, làng được bao bọc bởi những lũy tre xanh, được xây 3 cổng làng, có 2 cổng chính ở đầu làng và một cổng phụ gọi là cổng hậu (ngày nay chỉ còn một cổng hậu, trên đó có ghi câu đối đáp nổi bằng chữ Hán “Khuyển Phụ Kê Minh Cô Thanh Viễn Cận” nghĩa là “Ngay từ lúc chó sủa, gà gáy đã nghe thấy tiếng máy dệt lúc xa lúc gần” phía trên có bức đại tự với 4 chữ Hán “Vạn Phúc Lai Cầu” nghĩa là “ mời đến đây với muôn vàn hạnh phúc”).

Đến làng lụa Vạn Phúc, du khách như được trở về vùng quê nông thôn yên ả - nét đặc trưng thường thấy ở những vùng quê miền Bắc với những lũy tre làng, cây đa, bến nước, mái đình. Phong cảnh ở đây vẫn giữ được nét cổ kính ngày xưa, vẫn hình ảnh chiếc giếng làng lác đác bông sen, cây đa cổ thụ, vẫn là buổi chiều họp chợ trước đình, vẫn cái ao làng trong veo trước cửa đình đặc kín hoa súng, các cụ cao tuổi nhàn hạ hóng mát trước cửa đình đến khu chợ riêng của làng và cả những món quà quê hấp dẫn… tồn tại bên cạnh con đường bê tông và những ngôi nhà cao tầng. Quanh làng có luỹ tre xanh bao bọc. Cổng làng được xây dựng cách đây hàng trăm năm, rêu phong cổ kính, trên nóc có bức đại tự “Vạn Phúc lai cầu”. Cây đa đầu ngõ vẫn um tùm và xanh mát. Trong làng hiện còn giữ lại được một số ngôi nhà cổ có trên 100 năm tuổi. Nhìn xa xa, cánh đồng xanh rì không ai “thèm” trồng lúa, người Vạn Phúc để dành đất chỉ để phơi lụa. Cánh đồng bên sông Nhuệ Giang xanh mướt. Gió về làm hanh vàng từng chiếc lá. Nắng như rót mật ong vào từng dải lụa đang được phơi căng bóng,

ánh lên sắc hồng, tía, lam, trắng, tím… trên nền cỏ xanh rì. Những “con sóng” lụa đủ màu dập dềnh bên những thửa ruộng trong ánh nắng. Từ góc độ này, biết bao nghệ sĩ nhiếp ảnh từng làm nên tên tuổi. Từ lâu, âm thanh từ những khung cửi, từ tiếng thoi đưa rộn ràng, khoan thai, dìu dặt đã trở thành nhịp điệu cuộc sống nơi đây. Cùng tiếng thoi đưa, những nghệ nhân đã tạo ra sản phẩm nổi tiếng: lụa hàng vân, gấm hoa ngũ sắc… Tất cả hòa quyện, đan xen với không khí làm ăn nhộn nhịp thời công nghiệp, đã khiến Vạn Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn của mọi du khách.

1.3.Di tích lịch sử: Nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến

Làng Vạn Phúc nổi tiếng không chỉ là làng dệt mà đã gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh cách mạng vẻ vang của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vạn Phúc sớm trở thành cơ sở cách mạng với những ưu thế về địa lí, giáp Hà Nội, thuận đường bộ, thuận đường sông; và trên hết là lòng dân Vạn Phúc luôn một lòng, một dạ ủng hộ cách mạng. Năm 1938, Vạn Phúc đã có chi bộ Đảng đầu tiên. Trong quá khứ, dân Vạn Phúc cũng hết lòng ủng hộ Tây Sơn phục quốc. Trong kháng chiến chống Pháp, nằm ngay sát nách thị xã Hà Đông, là nơi tập trung các cơ quan đầu não của địch nhưng Vạn Phúc vẫn trở thành một làng cách mạng kiên cường, từng nuôi dấu 60 cán bộ Trung ương về hoạt động bí mật (danh sách hiện lưu trong nhà bảo tàng). Trong làng có 61 cơ sở kháng chiến, trong đó có 16 gia đình cơ sở cách mạng được ghi sổ vàng. Vạn Phúc từng là một trong các cơ sở cách mạng vững mạnh nằm trong an toàn khu của Trung ương và xứ uỷ Bắc Kỳ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nơi đây các đồng chí lãnh đạo của Đảng như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh đã từng hoạt động và được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Đặc

biệt, di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa trọng đại nhất ở Vạn Phúc là Nhà

lưu niệm Bác Hồ tại xóm Đoàn Kết. Tại đây, Người đã làm việc và cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cách

mạng quan trọng và viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 đã được phát đi khắp cả nước. Hiện nơi Bác ở ngôi nhà 3 gian, 2 tầng được xây dựng từ năm 1939 vẫn được giữ nguyên trạng làm khu

chính của Nhà lưu niệm do bảo tàng tỉnh Hà Tây quản lý. Chiếc cổng ngôi

nhà có đắp nổi dòng chữ số 1935. Tầng 2 là nơi lưu trữ ký vật của Bác sử dụng trong những ngày Bác ở và làm việc. Trên căn gác, một chiếc tủ thờ có bức chân dùng Hồ Chủ tịch lồng khung kính trang trọng. Trong căn buồng nhỏ, mọi hiện vật được giữ gìn, bài trí như nó vốn có: một chiếc giường gỗ trải chiếu cói, có một cái gối mây; bên cạnh giường là bộ bàn ghế có đặt một chiếc đèn bão… Tầng dưới là nơi trưng bầy hình ảnh và hiện vật về Bác và các cán bộ Trung ương, của Đảng bộ và nhân dân Vạn Phúc đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.

2.Cơ sở vật chất - dịch vụ phục vụ du lịch của làng nghề

2.1.Hạ tầng giao thông

Làng lụa Vạn Phúc nằm kề với thị xã Hà Đông, năm 2003 chính thức trở thành một phường của thành phố Hà Đông, là nơi có vị trí giao thông tương đối thuận lợi để tiếp cận với Hà Nội cũng như các tỉnh bạn. Vạn Phúc nằm trên đường 430, đường quốc lộ 6, sát trung tâm thành phố Hà Đông (cách khu trung tâm 500m), cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 10 km (khoảng 30 phút đi xe máy), có đặc thù rất thuận tiện trong việc giao thông, đi lại, trao đổi hàng hóa, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, Vạn Phúc rất có điều kiện để phát triển gắn với du lịch làng nghề, góp phần đáng kể cho việc phát triển kinh tế của địa phương. Hệ thống giao thông nội bộ trong làng đã được nâng cấp. Đường làng ngày xưa lát gạch, nay đã được bê tông hóa 100%. Trong làng, ngõ dọc, ngõ ngang tráng xi măng phẳng phiu. Làng nghề có đường ô tô về tận trung tâm, đảm bảo thuận lợi cho việc lưu thông luân chuyển nguyên liệu, hàng hóa, phục vụ khách du lịch đến tham quan.

Về phát triển hạ tầng, các cấp, các ngành đã quan tâm nâng cấp cải tạo, đầu tư xây dựng mới. Các công trình lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc trong nhiều năm qua cũng có sự tăng lên nhanh chóng, đáp ứng tốt nhu cầu SXKD, từng bước đem lại hiệu quả cao cho làng nghề. Làng Vạn Phúc giờ khang trang, đẹp như thành phố với những ngôi nhà cao tầng, tiếng dệt lụa rộn ràng, không khí nhộn nhịp, tấp nập của cửa hàng giới thiệu làng lụa Vạn Phúc được đặt ở đầu làng với những xấp vải nhiều màu sắc. Sau khi chuyển xã thành đơn vị hành chính phường, Vạn Phúc đã có vài chục doanh nghiệp, có 3 dãy phố sầm uất với hơn 200 quầy hàng, cửa hiệu bán hàng giới thiệu sản phẩm. Hiện nay, trong làng đã hình thành một trung tâm thương mại khá lớn với vài chục cửa hàng của tư nhân và hợp tác xã, xen kẽ nhau san sát tạo thành một “phố lụa”. Tất cả những điều đó tạo nên nét độc đáo riêng của du lịch làng nghề Vạn Phúc.

Nét đặc biệt ở làng lụa là vẫn còn giữ được nét cổ khi trưng bày những khung cửi dệt lụa từ ngày xưa. Du khách có thể ngắm nhìn những nghệ nhân trẻ đứng bên khung dệt, làm việc một cách say sưa để cho ra đời những mảnh lụa mềm óng, nhiều màu sắc. Ngày nay, công việc dệt vải được hỗ trợ bằng máy móc, nhưng chỉ được áp dụng với khâu dệt thành phẩm. Các khâu khác như se tơ, kết tơ, nhuộm,… đều phải làm bằng tay. Khách có thể tham quan cả công đoạn, quy trình làm lụa để hiểu hết các bước làm ra những sản phẩm lụa tinh xảo tại các xưởng lụa. Thông qua các công đoạn : quay tơ, làm hồ, dệt cửi, du khách có thể dễ dàng hình dùng ra việc cho ra đời một tấm lụa yêu cầu nhiều công đoạn thế nào.

Tuy vậy, về cơ sở vật chất, tiện nghi phục vụ du lịch Vạn Phúc hầu như chưa có được là bao. Hiện Vạn Phúc vẫn thiếu một nhà truyền thống làng nghề để đón khách, để giới thiệu về lịch sử làng nghề, cũng như trưng bày và bảo tồn các di vật của làng nghề. Cảnh quan làng xã và môi trường của làng nghề cũng đang bị đe dọa bởi nên kinh tế thị trường và làn sóng đô thị hóa. Hiện nay các trục đường làng chính, thậm chí cả trong các

đường ngõ hẻm, hàng ngày mọc lên các cửa hàng hay ki-ốt bán các sản phẩm của làng nghề cũng như của các nơi khác một cách tràn lan. Nếu không có sự quy hoạch cẩn thận, chắc chắn không gian làng nghề sẽ bị phá vỡ, môi trường ô nhiễm và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút khách du lịch. Chính điều đó đã khiến cho hoạt động du lịch của làng nghề phát triển chưa xứng với tiềm năng vốn có.

Một phần của tài liệu xây dựng làng lụa vạn phúc thành làng nghề du lịch (Trang 46)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(90 trang)
w