2.5.1. Thành công
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các ban ngành đoàn thể các cấp.
Tập thể sư phạm nhà trường có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao đối với công tác giáo dục đạo đức HS; rất nhiều thầy cô giáo luôn luôn trăn trở, tìm mọi biện pháp để giáo dục HS chậm tiến về đạo đức, nhằm giúp các em tiến bộ hơn.
Ban đại diện CMHS rất nhiệt tình và thường xuyên phối hợp, chăm lo các hoạt động của nhà trường, nhất là hoạt động giáo dục đạo đức HS.
Nhiều HS được giáo dục tốt ở gia đình, ở trường học rất nhiều em có ý thức, tư cách đạo đức tốt làm hạt nhân ở các lớp. Phần lớn các em HS đều ngoan, có ý thức trong học tập và rèn luyện, vâng lời ông bà, cha mẹ và thầy cô; có tinh thần giúp đỡ bạn, có lòng nhân ái; xây dựng được quan hệ tình bạn trong sáng lành mạnh.
2.5.2. Hạn chế
Nhìn chung, công tác quản lý giáo dục đạo đức cho HS THCS thông qua HĐNGLL trên địa bàn quận 2 vẫn còn những tồn tại như: Việc xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức chưa cụ thể, chưa phù hợp với đặc điểm tình hình mà thường xây dựng chung với kế hoạch năm học; nội dung các hoạt động giáo dục đạo đức thực hiện ở mức độ trung bình; các phương pháp giáo dục đạo đức chưa được tốt, HS chưa thấy được tác dụng hiệu quả của các phương pháp trong việc rèn luyện bản thân; vai trò các lực lượng giáo dục chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất và đồng bộ; việc kiểm tra đánh giá nhiều lúc còn chiếu lệ, qua loa, chưa mang tính động viên, khuyến khích, răn đe kịp thời; giáo viên chủ nhiệm chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể hàng tuần phù hợp với đặc thù riêng của lớp, ít quan tâm và đầu tư công sức vào công tác chủ nhiệm; ý thức thực hiện nội quy của học sinh chưa cao, nhiều em thường xuyên vi phạm.
2.5.3. Nguyên nhân của những hạn chế
Mức độ nhận thức, cũng như khả năng tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức thông qua HĐNGLL của đội ngũ giáo viên còn chưa đồng đều, công tác điều hành hoạt động giáo dục đạo đức thông qua HĐNGLL của cán bộ quản lý các trường trong quận chưa đều tay.
Cán bộ quản lý còn xem nhẹ việc xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức; công tác giáo dục đạo đức chưa được tuyên truyền rộng rãi trong tập thể giáo viên; sự phối hợp của giáo viên chủ nhiệm với CMHS và các lực lượng giáo dục trong trường chưa tốt; hoạt động của Đoàn thanh niên trong giáo dục đạo đức chưa thật sự toàn diện và hiệu quả; thực hiện xã hội hoá giáo dục đạo đức nhà trường làm chưa tốt; việc đánh giá, khen thưởng còn nhiều hạn chế…
Khâu kiểm tra đánh giá việc thực hiện các hoạt động đôi khi còn bị xem nhẹ, nên chất lượng hoạt động chưa cao.
Các hoạt động còn mang tính rập khuôn, máy móc, thiếu sự sáng tạo, việc đổi mới nội dung, hình thức có thực hiện nhưng chưa đi vào chiều sâu nên chưa thu hút được sự tham gia tích cực từ phía HS.
Công tác phối hợp giữa cá nhân, tổ chức bên trong và ngoài nhà trường còn mang nặng tính hình thức, thiếu tính kế hoạch nên dễ bị động trong việc phối hợp thực hiện.
Kết luận chương 2
Trong quá trình khảo sát thực trạng quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho HS THCS trên đại bàn quận 2, tôi nhận thấy rằng công tác này đã có nhiều kết quả đáng trân trọng. Tuy nhiên còn một số hạn chế như: Việc xây dựng kế hoạch chưa cụ thể; nội dung, phương pháp còn đơn điệu; vai trò của các lực lượng giáo dục chưa có sự phối hợp nhịp nhàng…Vì thế rất cần tìm ra được những biện pháp hữu hiệu nhằm khắc phục các nguyên nhân của hạn chế để nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục đạo đức cho HS THCS thông qua HĐNGLL.
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG
NGOÀI GIỜ LÊN LỚP TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 2, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH