1.Cái đẹp của thiên nhiên đất nước Việt Nam.
Làng quê Việt Nam trong những nét bình dị đã lôi cuốn, hấp dẫn tâm hồn của biết bao thế hệ. Bầu trời quê trong sáng, giếng nước gốc đa thanh bình, hương biển, hương cau man mác trong đêm, câu hát câu hò đậm chất trữ tình... tất cả đã góp phần giữ gìn sự thanh khiết trong trẻo của miền đất quê hương. Viết về quê hương đất nước, Thơ mới đã có nhiều bài hay như: “
Tràng giang ” của Huy Cận, “ Đây thôn Vĩ Giạ ” của Hàn Mạc Tử, “ Quê hương “ của Tế Hanh .v.v...Nguyễn Bính là tác giả tiêu biểu hơn cả, là “ thi sĩ
của đồng quê “. Xuân Diệu chịu nhiều ảnh hưởng của thơ ca phương Tây nhưng khi viết về thiên nhiên thì thiên nhiên đó là của đất nước Việt Nam.
Xuân Diệu có nhiều bài thơ về mùa thu : ( Thu, Đây mùa thu tới, Ý
thu ... ). Trong thơ cổ điển mùa thu thường gắn với những ước lệ : sen tàn, cúc
nở hoa, lá ngô đồng rụng ... Xuân Diệu nhìn thấy tín hiệu của mùa thu qua hình ảnh rặng liễu :
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
( Đây mùa thu tới )
Xuân Diệu đã tiếp thu những thi liệu từ thơ cổ điển như “ trăng, sương, núi “ để tạo nên một bức tranh hiện đại:
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ Non xa khởi sự nhạt sương mờ
( Đây mùa thu tới )
Có một vầng trăng khi mờ, khi tỏ, lúc ẩn lúc hiện sau lớp sương thu vừa nhô lên đầu núi. Bộ mặt trăng nhợt nhạt, dáng vẻ trăng ngẩn ngơ. Cả một bức tranh thu hoang vắng, lạnh lẽo nhưng vẫn mang cái hồn thu muôn thửa của quê hương đất nước, vẫn đẹp như một bức tranh vừa cổ điển vừa hiện đại. Bởi vì cảnh vật mùa thu ấy thì đã có từ ngàn đời trên đất nước Việt Nam nhưng cách cảm nhận của thi nhân thì hoàn toàn mới .
Xuân Diệu cũng làm nhiều thơ về mùa xuân : Nụ cười xuân, Xuân
của tình yêu, tuổi trẻ. Mùa xuân trong thơ Xuân Diệu đẹp, hữu tình, lấp lánh niềm vui :
Giữa vườn ắng ỏi tiếng chim vui Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời Sao buổi đầu xuân êm ái thế ! Cánh hồng kết những nụ cười tươi
( Nụ cười xuân ) Trời xanh thế ! hàng cây thơ biết mấy Vườn non sao ! đường cỏ rộng bao nhiêu
( Xuân đầu )
Ta đã từng gặp một mùa xuân nhẹ nhàng, trong sáng, trong thơ Nguyễn Bính với “ mưa xuân phơi phới bay, hoa xoan lớp lớp rụng “ thì bây giờ ta lại gặp một mùa xuân tươi trẻ, đầy sức sống trong thơ Xuân Diệu. Ông nói : “ Với lòng tôi, trời đâu chỉ có hai mùa : xuân với thu hai mùa đặc biệt ý nhị, hai mùa có bình minh ... “ [15-357] .
Xuân Diệu là nhà thơ rất tâm đắc và nhạy cảm với phạm trù “ không - thời gian ”. Ông đòi hỏi người cầm bút phải có “ rất nhiều không gian trong tâm hồn “ và “ rất nhiều thời gian trong tâm trí “. Cảnh đẹp của thiên nhiên đất nước Việt Nam còn được thể hiện qua cảm nhận không gian của Xuân Diệu. Không gian của Xuân Diệu là không gian trần thế, gắn bó với những cảm xúc vui buồn của thi nhân. Không gian đó còn là cái nền bao quanh câu chuyện tình yêu lứa đôi. Đó là nới gặp gỡ của những tình cảm yêu đời, yêu người tha thiết ; là thế giới kì diệu của thiên nhiên với những “ nụ cười xuân “, những đêm trăng “ huyền diệu “, những “ bụi mưa mờ cũ ”. Đọc “ Thơ thơ “ và “ Gửi
hương cho gió “ người ta rất dễ hình dung ra mặt bằng không gian Việt Nam
ấm áp, vui tươi, chan hoà cuộc sống mến yêu. Một không gian trẻ trung với những cô gái mười tám, đôi mươi “ má hồng phơn phớt mắt long lanh “,
những chàng trai “ đương sức lực tươi xanh ”. Không gian trong thơ Xuân
Diệu là một không gian rất Việt Nam .
“ Vườn “ là một trong những không gian tiêu biểu chứa đầy ý tưởng của thơ Xuân Diệu. Nước Việt Nam ta có nền nông nghiệp phát triển nên mảnh vườn rất gắn bó với người dân VIệt Nam. Khác với “ vườn Địa đàng” vắng bóng người trong “ Lửa thiêng “ của Huy Cận, “ vườn trần “ trong thơ Xuân Diệu là nơi con người tìm ra sự hoà hợp với thiên nhiên. Nó ngập tràn những hình ảnh hoa, lá, cỏ cây, nắng, sương, chim, bướm...
- Vườn tươi thược dược cánh hơi xoè Ửng rạng phù dung nghiêng mặt hoa
- Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh
- Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Không gian trong thơ Xuân Diệu còn có con đường, dòng sông, không gian mây, nước, thuyền ... những không gian này ta có thể bắt gặp dễ dàng ở bất cứ đâu trên đất nước Việt Nam. Đi vào thế giới không gian nghệ thuật của
thơ Xuân Diệu là ta đã bước vào một vương quốc nghệ thuật riêng với nhiều tầng, mảng, hình khối không gian khác nhau đó thật sự là không gian mang theo phong điệu tài hoa, bay bổng của Xuân Diệu mà người ta không thể nhầm lẫn nó với không gian của những n hà thơ khác .
2. Vẻ đẹp tâm hồn, tâm lý, cá tính, tình cảm của con người Việt Nam
Trong thơ, Xuân Diệu đã bộc lộ tình yêu quê hương đất nước của mình. Thơ Xuân Diệu viết nhiều về thiên nhiên. Nếu hiểu một cách đơn giản thì đó là những bức tranh quê của bản làng, một xóm nhỏ gắn với cội nguồn sự sống của một con người. Nhưng sâu xa hơn đó là tình cảm gắn bó với dân tộc, với đất nước. Bởi thế mà thơ Xuân Diệu không có khoảng không vũ trụ như Huy Cận, không có thế giới thiên đường như Thế Lữ, không siêu thoát mờ ảo như Hàn Mạc Tử...mà Xuân Diệu “đốt cảnh bồng lai để xua ai nấy về hạ giới “.Tình cảm gắn bó yêu thương với quê hương đất nước cũng là tình cảm đã trở thành truyền thống của người dân Việt Nam.
Hồn thơ Xuân Diệu không bao giờ là một hồn thơ khép kín. ông là một nhà thơ “ của niềm khát khao, giao cảm với đời “ ( Nguyễn Đăng Mạnh ). Ông luôn mở rộng tâm hồn, mở rộng tấm lòng để tìm một sự giao cảm với cuộc đời. Ông coi thơ ca là chiếc cầu nối linh diệu nhất để ông đi đến với đời. Cho nên ông muốn trút tất cả tâm hồn mình vào thơ mà đem dâng tặng cho con người. Ông muốn “ gửi hương cho gió “ muốn biến thành những hạt “phấn
thông vàng” bay đi phân phát cho loài người : Thơ tôi đó gió lùa đem toả khắp Và lòng tôi mời mọc bạn chia nhau
Với tấm lòng khát khao giao cảm với đời nên Xuân Diệu sự nhất là sự cô đơn, sự hờ hững, lạnh nhạt của cuộc đời :
Lòng ta là một cơn mưa lũ Đã gặp lòng em là lá khoai Mưa biếc tha hồ rơi giọt ngọc Lá xanh không ướt đến da ngoài
( Nước đổ lá khoai )
Trong bài “ Lời kỹ nữ “đồng cảm với tấm lòng của người kỹ nữ, Xuân Diệu cũng đã bộc lộ nỗi sợ hãi trước sự cô đơn rợn ngợp :
Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo Trời đầy sương lạnh lẽo suốt xương da
Nỗi sợ khi phải đối diện với nỗi cô đơn cũng là một trạng thái tâm lý của người Việt Nam. Chẳng hạn như khi Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều cũng bộc lộ điều này :
Người về chiếc bóng năm canh Kẻ đi muôn dặm, một mình xa xôi
Nỗi cô đơn là tâm trạng có thực của cả một tầng lớp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước ngã ba đường đời, trước những đám mây đen đang ùn ùn kéo tới từ cuối chân trời.Từ “ con nai vàng ngơ ngác” của Lưu Trọng Lư người ta lại gặp “một con nai bị chiều đánh lưới, không biết đi đâu đứng sầu bóng tối” của Xuân Diệu. Hình tượng sau gây ấn tượng mạnh và sâu, nếu nhìn từ ý nghĩa xã hội thì nó hàm chứa đầy đủ hơn về hiện thực tâm trạng.
Đặc biệt, trong “Thơ thơ “ và “ Gửi hương cho gió “, Xuân Diệu còn bộc lộ tình yêu cuộc sống nồng nàn và khát vọng hạnh phúc tình yêu lứa đôi tha thiết. Tình yêu cuộc sống của Xuân Diệu là một tình yêu nồng cháy, hăm hở đến kì lạ. Ông yêu ham hố, vồ vập, yêu vội vã, yêu cuống quýt, yêu như muốn cắn vào cuộc sống :
Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi
Thơ ông bừng cháy một nhiệt tình sống. Ông huy động mọi giác quan, từ trí óc đến trái tim, từ phần hồn đến phần xác để mà sống :
Sống toàn tâm, sống toàn trí, sống toàn hồn Sống toàn thân, và thức nhọn các giác quan
Tình yêu cuộc sống là một nét đẹp của người Việt Nam. Đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ thì tình yêu cuộc sống của Xuân Diệu đã có tác dụng rất lớn trong việc thức tỉnh một bộ phận dân chúng đang mơ hồ chạy theo những phong trào Âu hoá lừa bịp của thức dân Pháp .
Có thể nói, Xuân Diệu sống để mà yêu và yêu để mà sống. Tình yêu và sự sống trong Xuân Diệu không tách rời nhau. Xuân Diệu say mê với tình yêu :
Làm sao sống được mà không yêu Không nhớ không thương một kẻ nào
Khát vọng hoà hợp trong tình yêu là một khát vọng nhân văn cao cả của nhân loại. Đã là con người thì không ai không muốn tìm thấy hạnh phúc trong tình yêu, trong cuộc sống.
Trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật có một quy luật cơ bản là xuất phát từ một trái tim có thể đi tới nhiều trái tim. Niềm khát sống, sống trọn vẹn đầy đủ mọi sắc thái của cuộc sống, tình yêu là điều cốt lõi để Xuân Diệu trở thành một kĩ sư tâm hồn, là người phát ngôn trung thực nhất cho mọi tấm lòng đồng điệu. Đó cũng là điều góp phần làm cho nội dung tư tưởng thơ Xuân Diệu mang đậm tính dân tộc. Nội dung đó đã được thể hiện bằng một hình thức thơ vừa cổ điển vừa hiện đại .