Quản lý tổn thất điện năng nhằm mục đích giảm tỷ lệ tổn thất điện năng luôn được Tập đoàn Điện lực Việt Nam coi là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong thời gian vừa qua, ngành điện đã nỗ lực phấn đấu, triển khai nhiều biện pháp giảm TTĐN phù hợp với từng khu vực trên cơ sở kết hợp giữa công tác quản lý vận hành, biện pháp kỹ thuật, kinh doanh và công tác đầu tư xây dựng lưới điện.
Thực tế những năm gần đây, Tập đoàn đã áp dụng biện pháp giao chỉ tiêu kế hoạch TTĐN, gắn chỉ tiêu này với tiêu chí thi đua của các đơn vị trực thuộc. Nhờ vậy tỷ lệ TTĐN giảm dần qua các năm. Kết quả, EVN đã giảm tổn thất điện năng từ 12,23% năm 2003 xuống còn 8,49% năm 2014. Dự kiến đến hết năm 2015, EVN sẽ giảm TTĐN xuống dưới 8% (Nguồn Báo cáo tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2104 của EVN).
Có được sự thành công đó, Tập đoàn đã không ngừng phấn đấu, coi việc giảm TTĐN là một “mặt trận” quan trọng. Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp quản lý, lập kế hoạch sửa chữa, thực hiện các giải pháp kỹ thuật ngăn ngừa nguy cơ sự cố. Tăng cường phối hợp trong công tác vận hành, hạn chế
dòng ngắn mạch trên lưới. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý kỹ thuật, đề xuất các giải pháp vận hành thiết bị bảo đảm an toàn, vận hành hợp lý các giàn tụ bù trên lưới cũng như tại thanh cái trạm 110kV. Tiếp tục theo dõi các chế độ vận hành các MBA đầy, quá tải để có kế hoạch xử lý.
Các Công ty Điện lực tăng cường kiểm tra, cân pha, duy trì bán kính cấp điện hợp lý, vận hành kinh tế các trạm biến áp phân phối, kiểm tra phát hiện tiếp xúc kém và rò điện. Nhằm hạn chế tình trạng phóng điện trên đường dây, các đơn vị tăng cường kiểm tra hành lang lưới điện, làm vệ sinh công nghiệp trên các thiết bị, lau sứ trên các đường dây trung thế; phân bố lại bán kính cấp điện, san tải giữa các TBA phân phối trong khu vực; thay TI các khách hàng chuyên dùng sử dụng công suất non tải; luân chuyển máy biến áp cho phù hợp với công suất phụ tải, cân pha TBA. Lắp bù công suất phản kháng; cải tạo tối thiểu lưới điện ở các xã mới tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn.
Công tác quản lý hệ thống đo đếm cũng được thực hiện với việc thường xuyên kiểm tra công tơ các trạm biến áp bán tổng, theo dõi sản lượng bất thường để kịp thời xử lý; kiểm tra hệ thống các công tơ đầu nguồn các đường dây trung thế, công tơ tổng TBA công cộng. Theo dõi chế độ kiểm tra riêng đối với khu vực lưới điện có tổn thất cao để phát hiện kịp phần tổn thất do trộm cắp gây ra; duy trì chế độ kiểm tra tình trạng niêm chì hệ thống đo đếm để xử lý kịp thời các hiện tượng bất thường, chống tổn thất thương mại. Kiểm tra toàn bộ hệ thống các công tơ đầu nguồn, thay thế các hệ thống đo đếm không phù hợp.
Các Công ty Điện lực còn phối hợp với chính quyền và các tổ chức xã hội địa phương áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền vận động khách hàng tiết giảm tối đa công suất sử dụng điện trong các giờ cao điểm đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát tình trạng sử dụng điện vào giờ cao điểm tối của các khách hàng lớn.
Đặc biệt, sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp khu vực nông thôn do địa phương bàn giao cho ngành điện quản lý, vận hành với hiện trạng cũ nát, TTĐN có trạm biến áp lên tới 35%, các Công ty Điện lực đã từng bước đầu tư cải tạo, thay thế dần các đường dây quá tải, xử lý các điểm mất an toàn trên lưới, thay thế công tơ không
đủ tiêu chuẩn vận hành, tập trung ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp đến từng hộ dân nông thôn, tăng cường tuyên truyền các biện pháp an toàn và tiết kiệm trong sử dụng điện. Để giảm lượng điện năng thất thoát từ các máy biến áp non tải, quá tải và không tải, các Công ty Điện lực đã rà soát, theo dõi, lập phương án hoán đổi các máy biến áp này; nâng công suất các máy biến áp quá tải khác để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Đồng thời tổ chức rà soát chấn chỉnh bộ máy làm công tác giảm TTĐN, tổ chức, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý TTĐN và hệ thống đo đếm điện cho cán bộ, nhân viên.
Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Điện trong việc giảm tổn thất điện năng thì tình trạng cố ý làm sai lệch hệ đo đếm điện, trộm cắp điện cũng thường xuyên xảy ra và ngày một tinh vi hơn. Các Công ty Điện lực đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm sử dụng điện, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về một số nội dung có liên quan trong Luật Điện lực.