Một khảo sát nhằm đánh giá tính sẵn có và giá thuốc thiết yếu cho trẻ em được thực hiện trong năm 2013 ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc theo phương pháp tiêu chuẩn của WHO/HAI. Khảo sát được tiến hành ở trên 6 khu vực với 60 cơ sở bán lẻ thuốc được lựa chọn (30 cơ sở ở khu vực công lập và 30 cơ sở ở khu vực tư nhân). 28 thuốc được lựa chọn để khảo sát bao gồm 21 thuốc thuộc Danh mục thuốc
thiết yếu cho trẻ em của WHO và 7 thuốc được lựa chọn dựa trên gánh nặng bệnh
tật, nhu cầu của địa phương, Danh mục thuốc thiết yếu quốc gia năm 2009, Danh
sách thuốc thiết yếu bổ sung của tỉnh Thiểm Tây và theo ý kiến của một số chuyên
gia y tế [31].
Kết quả cho thấy rằng tính sẵn có của các thuốc ở cả khu vực công lập và khu vực tư nhân đều thấp. Tính sẵn có trung bình của thuốc gốc và thuốc generic giá thấp nhất ở các bệnh viện công lần lượt là 10,8% và 27,3% còn ở các nhà thuốc tư nhân lần lượt là 11,9% và 20,6%. Có hai thuốc là thuốc tiêm procain penicillin và hỗn dịch amoxicillin/a. clavulanic không được tìm thấy ở bất kỳ cơ sở khảo sát nào. Chỉ có 7 thuốc generic giá thấp nhất ở khu vực công lập và 4 thuốc ở khu vực tư nhân có tính sẵn có trên 50%.
Ở khu vực công lập, giá bán lẻ cho các thuốc gốc gấp 2,59 lần so với giá tham chiếu quốc tế và đối với thuốc generic giá thấp nhất là 0,93 lần. Ở khu vực tư nhân, giá của thuốc gốc và thuốc generic giá thấp nhất lần lượt gấp 3,89 lần và 1,25 lần so với giá tham chiếu quốc tế.
Qua thực trạng của ba nước trên ta có thể thấy được tính sẵn có của các thuốc thiết yếu cho trẻ em vẫn còn rất thấp. Tình trạng giá cao và thiếu thuốc thiết yếu cho trẻ em trên toàn cầu là một vấn đề đang rất được quan tâm và cần có nhiều biện pháp cải thiện nhằm tăng khả năng tiếp cận của trẻ em với các dạng bào chế phù hợp.