8. Những đóng góp mới của luận văn
2.2. Tìm hiểu thực trạng khi dạy học chương“ Động lực học chất điểm”
Thông qua việc trao đổi với giáo viên các trường THPT Nguyễn Tất Thành, Trường THPT Mạc Đỉnh Chi, Trường THPT Bình Phú ở thành phố HCM cho tôi nhận định về thực trạng dạy học chương “Động lực học chất điểm” vật lý 10 ban cơ bản như sau
- Phương pháp dạy học được sử dụng nhiều nhất là phương pháp thông báo - tiếp nhận, giáo viên dẫn dắt học sinh bằng các câu hỏi gợi mở, và có tiến hành đàm thoại. Đối với những định luật xuất phát từ thí nghiệm thì hầu hết các giáo viên chỉ làm thí nghiệm biểu diễn mang tính chất định tính sau đó thông bào kết quả học sinh tiếp nhận. Thông thường GV lần lượt thông báo các kiến thức theo SGK, trình bày đủ các kiến thức, có chú ý nội dung kiến thức cơ bản mà ít khi quan tâm đến việc hình thành cho HS phương pháp nhận thức khoa học Vật lý. - Hầu hết GV có đặt câu hỏi cho HS nhưng là những câu hỏi chỉ đòi hỏi sự tái hiện kiến thức đã biết đơn thuần, hoặc những câu hỏi đúng sai; chỉ một số rất ít giáo viên dạy theo phương pháp tích cực hóa hoạt động của các em, số còn lại ít quan tâm đến biện pháp kích thích nhu cầu tìm tòi và hứng thú học tập của HS; các hiện tượng xảy ra trong tự nhiên và những ứng dụng của cơ học trong đời sống hằng ngày, gần gũi với HS ít được sử dụng để tạo động cơ học tập và đòi hỏi HS phải tìm kiếm kiến thức mới. Thậm chí có giáo viên bỏ qua việc liên hệ tới các hiện tượng thực tế có liên quan nội dung bài học.
- Tuy Nhiên cũng có GV đã có một số cải tiến trong phương pháp dạy học nhằm tạo ra không khí hoạt động tích cực của HS trong giờ học.Tuy nhiên tính tích cực học tập của HS chủ yếu được thể hiện ở sự tích cực bên ngoài mà chưa phải là tích cực trong tư duy. Nguyên nhân chủ yếu là do các phương pháp mà GV sử dụng vẫn chưa thực sự đổi mới, còn nặng về diễn giảng, hỏi đáp, giải thích hơn là kích thích học sinh tự tìm tòi kiến thức mới.
- Một số giờ học có tiến hành thí nghiệm, nhưng sử dụng ít hiệu quả. Chủ yếu dạy theo hướng dạy học có thí nghiệm, chưa sử dụng thí nghiệm để tiến hành
dạy học giải quyết vấn đề và dạy học theo PPTN. Do đó HS tiếp thu một cách thụ động, không hứng thú, tính sáng tạo ít.
- Hầu hết các trường đã có phòng thí nghiệm, tuy nhiên dụng cụ thí nghiệm của nhà trường còn thiếu, không đồng bộ, các thiết bị thí nghiệm chưa tốt lắm nên rất khó để các em tiến hành. Hầu hết các trường không có phòng học bộ môn, hoặc có nhưng chỉ một phòng dùng chung cho các môn lý, hóa, sinh hoặc dùng chung cho cả 3 khối 10, 11 và 12 thì cũng rất khó khăn để dạy theo phương pháp mới.Thậm chí có trường không có giáo viên chuyên trách thí nghiệm. Do vậy việc triển khai thí nghiệm gặp nhiều khó khăn. Một số trường có tương đối đầy đủ thiết bị thí nghiệm, dụng cụ thí nghiệm, tuy nhiên ít được sử dụng.
Nguyên nhân của tình hình trên:
- Hiện nay lớp học vẫn còn rất đông học sinh, mỗi lớp có khoảng 40 học sinh, bàn ghế trong lớp bố trí cố định nên cũng khó cho giáo viên khi chia nhóm để tiến hành thí nghiệm.
- Việc dạy học theo phương pháp thông báo - tiếp nhận, diễn giảng đã thành thói quen của đa số GV, từ đó tạo tâm lý thụ động trong nhận thức của HS.
- Mặt khác mỗi tiết dạy chỉ có 45 phút, như vậy dạy học đúng theo phương pháp mới rất khó đảm bảo.
- Áp lực thành tích, áp lực thi cử còn nhiều nặng nề dẫn đến tình trạng GVchủ yếu chỉ lo nhồi nhét kiến thức cho HS mà ít rèn luyện đến khả năng tư duy sáng tạo cho các em.
- Cơ sở vật chất, dụng cụ thí nghiệm của nhà trường còn thiếu, hơn nữa hầu hết các nhà trường đều không có phòng học bộ môn nếu có cũng rất ít dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các bài học có yêu cầu thí nghiệm.
- Năng lực chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm của một số GV còn yếu, giáo viên chạy xô nhiều, chưa thực sự đầu tư vào giáo án của mình.
Thực trạng trên là nguyên nhân chủ yếu khiến học sinh hiểu kiến thức một cách hời hợt, không vững chắc và mức độ vận dụng còn yếu, ngay cả đối với những tình huống chỉ biến đổi chút ít.