“Yêu cầu nhóm của bạn áp dụng phương pháp mà họ không tin tưởng vào quy trình phát triển hoặc là vào ngôn ngữ mà họ đang sử dụng để xây dựng một hệ thống là một quyết định đưa đến thất bại”.
Luke Hohman trong cuốn phía sau kiến trúc sư phần mềm (Beyond Sofware Architecture)
TTO - Một hôm tôi đang ngồi trên tàu hỏa (lúc ấy có cả vài người nữa) thì chúng tôi gặp phải một tình huống. Đấy là tình huống khá đơn giản. Ai đó đụng phải cửa an ninh ở quầy giải khát và gây ra tình trạng báo động. Việc này khiến cho tàu hỏa gần như ngay lập tức phải dừng lại.
Tình trạng báo động xảy ra trong đoạn đường hầm dài.
Đoàn tàu không thể tiếp tục hành trình cho tới khi tình trạng báo động giả đó được xác minh lại. Việc này cần phải nhờ tới người quản lý tàu (bạn còn nhớ trước đây họ thường được gọi là bảo vệ chứ?) cài đặt lại chuông báo động đang kêu. Mọi chuyện chỉ đơn giản vậy thôi.
Lúc đó, tôi đang trên đường đến cuộc họp mà tôi đã bị trễ giờ. Tôi tự hỏi tại sao họ lại không có một hệ thống tốt hơn, ví dụ như để cho nhân viên quán giải khát được phép cài đặt lại chuông báo động. Người quản lý tàu phải mất 20 phút để điều chỉnh chuông làm sao cho nó tiện lợi nhất đối với những người có liên quan, cho bản thân anh ta, cho nhân viên quán giải khát, cho những người có nhiệm vụ trên tàu, cho tất cả mọi người ngoại trừ tôi, một hành khách đen đủi. Mọi chuyện sẽ tốt hơn nhiều nếu như anh ta chỉ cần nói, “Vâng, cảm ơn ngài đã quan tâm, đây đúng là một hệ thống vô dụng. Tôi sẽ đề nghị thay thế nó”.
Tôi chắc rằng trong công ty của bạn cũng có rất nhiều hệ thống ngớ ngẩn. Cách tốt nhất là bạn đừng cố điều chỉnh chúng. Nếu bạn không thể thay mới thì bạn hãy cố gắng chịu đựng và tiếp tục dùng. Tuy nhiên, bạn đừng lừa gạt nhân viên rằng chúng vẫn rất tốt. Nếu bạn cố gắng thuyết phục họ là chúng vẫn tốt và khi họ biết được sự thật thì họ sẽ không tôn trọng bạn, không tín nhiệm bạn nữa. Tôi không nói rằng bạn nên đi khắp công ty để phàn nàn về tất cả những gì không tốt trong công ty. Làm như vậy thì bạn sẽ đi tới chỗ thất bại thôi. Bạn hãy nhớ rằng nếu như bạn không thể nói được điều gì tốt đẹp thì cách tốt nhất là bạn cũng đừng nói gì cả. Bạn đừng cố gắng điều chỉnh cái gì mà bạn biết là ngớ ngẩn, là tồi tệ, đặc biệt là đối với nhóm của bạn.
Quy tắc 33: Hãy sẵn sàng nói "tôi đồng ý"
“Thung lũng Silicon đã lập được một mô hình kinh doanh đầy “tài năng”. Nếu bạn phát hiện được tài năng, bạn hãy đem công việc tới cho họ”.
Gordon Bell và Heidi Mason trong cuốn Sự chăm sóc và nuôi dưỡng doanh nhân (The Care and Feeding of “Intrepreneurs”)
Người quản lý giỏi - chính là bạn - cần phải cố gắng luôn luôn đổi mới. Bạn không được đi theo mãi một lối mòn. Điều này có nghĩa là bạn không được cư xử theo kiểu sai lầm như: “Không, chúng ta
không làm theo kiểu ấy”. Trái lại bạn phải nói là: “Đó là ý tưởng rất hay. Theo anh thì làm cách nào để làm được điều đó?”
Hơn thế nữa, bạn cần phải khuyến khích nhân viên đưa ra các ý tưởng mới cũng như chính bản thân bạn cũng phải thường xuyên đóng góp các ý tưởng mới. Bạn hãy áp dụng các ý tưởng mới.
Mỗi tuần bạn chọn lấy một ý tưởng và áp dụng chúng. Có thể đó chỉ là những điều rất đơn giản, ví dụ như: “Tôi muốn vào buổi trà sáng chúng ta sẽ dùng nhiều loại bích quy hơn nữa, hoặc là những việc quan trọng hơn như: “Các bạn nghe này, chúng ta sẽ thử áp dụng một phương pháp hoàn toàn mới vào khâu bán hàng và phân phối”.
Tất nhiên bạn hãy áp dụng những ý tưởng nhỏ trước để đảm bảo nhóm của bạn quen thích nghi với những thay đổi. Sau đó bạn mới nên chuyển sang những thay đổi quan trọng hơn. Bạn hãy áp dụng chúng dần dần.
Cùng với việc bạn đưa ra các ý tưởng mới thì bạn cũng phải yêu cầu nhân viên của mình mỗi người đều phải đưa ra những ý tưởng mới về từng công việc của họ. Như vậy công việc của họ sẽ không nhàm chán.
Nếu mỗi tuần, mỗi người đều có một ý tưởng mới thì cuối năm họ sẽ có được rất nhiều sáng kiến mới cho bản thân họ và cho cả nhóm. Các sáng kiến mới như: “Tôi nghĩ rằng tôi có thể đẩy nhanh tiến trình nếu như tôi…”; “Ồ, tôi có thể áp dụng sáng kiến đó vào công việc của tôi và như vậy tôi có thể…”; “Tôi cược rằng họ sẽ rất quan tâm tới vấn đề này vì nó có thể thúc đẩy toàn bộ công việc...”; v.v...
Việc này quá khó ư? Bạn hãy kêu gọi nhóm của bạn cùng tham gia. Lúc đầu thì ai cũng do dự không muốn thay đổi nhưng nếu bạn đi tiên phong, cả nhóm của bạn cũng sẽ làm theo. Và nếu bạn tiếp tục duy trì lòng nhiệt tình thì cả nhóm cũng sẽ bị tác động và sẽ tiếp tục nhiệt tình làm theo bạn. Bạn cứ tin tôi. Tôi biết bạn có khả năng làm được. Bạn cần phải tiếp tục cố gắng uỷ thác cho nhân viên cùng khuyến khích nhau tham gia vào công việc này. Như vậy bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để đưa ra các ý tưởng mới - đây là một phần trong công việc quản lý của bạn.
Bạn hãy khuyến khích sáng tạo, khen thưởng những ý kiến có giá trị, xây dựng một nền văn hóa biết ghi nhận những sáng kiến, những ý tưởng (ngay cả khi chúng không được áp dụng).