Nội dung của công tác XHHGD thực chất là nội dung của việc huy động các lực lượng xã hội tham gia vào công tác giáo dục.
1.3.3.1. Xây dựng xã hội học tập:
Đây là nội dung cơ bản nhất của XHHGD nhằm xây dựng một phong trào toàn xã hội học tập, mọi người đi học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Học tập là quyền lợi đồng thời là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước. Mọi người trong xã hội, trước hết là những người trong độ tuổi lao động, đều nỗ lực học tập để nâng cao kiến thức, năng lực làm việc, năng lực hợp tác và để tự khẳng định mình, góp phần vào công cuộc CNH-HĐH đất nước.
Để thực hiện giáo dục hoá xã hội, Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Phát triển giáo dục không chính quy, các hình thức học tập cộng đồng ở các xã, phường gắn với nhu cầu thực tế của đời sống KT-XH, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người có thể học tập suốt đời, hướng tới xã hội học tập”.
1.3.3.2. Cộng đồng hoá trách nhiệm:
Hoạt động giáo dục trong nhà trường phải có sự hợp lực của các lực lượng xã hội để cùng tạo lập một môi trường giáo dục lành mạnh, cùng chăm lo, tác
động đến việc hình thành và phát triển nhân cách thế hệ trẻ. Môi trường gia đình, môi trường xã hội phải thống nhất với hoạt động giáo dục trong nhà trường. Môi trường gia đình là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống, hình thành nhân cách. Môi trường xã hội với các định chế: luật pháp, hành chính, văn hoá, tôn giáo, lao động, việc làm… phải định hướng các giá trị để hình thành và phát triển nhân cách thế hệ trẻ. Trong nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, môi trường xã hội phải phát huy được cao nhất những mặt tích cực, tiến bộ để hướng đến “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”; và trách nhiệm lớn lao này trước hết là của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương.
Như vậy, cùng với môi trường nhà trường, môi trường gia đình và môi trường xã hội sẽ phối hợp với nhau để tạo nên môi trường giáo dục ngày càng hoàn thiện.
1.3.3.3. Đa dạng hoá các loại hình, phương thức giáo dục:
Bên cạnh việc củng cố loại hình trường công lập, lấy đó làm nòng cốt giữ vai trò chủ đạo, tích cực mở ra nhiều hình thức giáo dục, phát triển các loại hình ngoài công lập, tạo cơ hội cho các tầng lớp nhân dân nâng cao trình độ, tiếp cận những vấn đề mới, áp dụng tiến bộ khoa học – công nghệ vào đời sống hàng ngày.
Như vậy, cùng với hệ thống các trường công lập của Nhà nước, các lực lượng xã hội và cá nhân đề có thể tham gia hoạt động giáo dục bằng cách tổ chức các cơ sở, trường lớp ngoài công lập (dân lập, tư thục). Điều này góp phần quan trọng vào sự phát triển giáo dục, giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước, tạo thêm nhiều chỗ học cho con em nhân dân lao động.
1.3.3.4. Đa dạng hoá nguồn đầu tư cho giáo dục:
Bên cạnh việc tăng dần và sự dụng có hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tiến hành khai thác triệt để các nguồn đầu tư khác trong xã hội (về nhân lực, vật lực và tài lực) phục vụ cho phát triển giáo dục. Phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhân dân, tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục phát triển nhanh hơn, có chất lượng hơn.
1.3.3.5. Thể chế hoá sự quản lý Nhà nước đối với XHHGD:
XHHGD là một chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước. Do đó, XHHGD phải được sự quản lý, định hướng, điều hành, kiểm tra, giám sát của Nhà nước theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Vai trò quản lý của Nhà nước được thể hiện qua các văn bản pháp luật, các quy chế quản lý, bảo đảm hài hoà tính đa dạng trong sự thống nhất, tính minh bạch trong trách nhiệm, quyền lợi và đồng bộ trong quan hệ phối hợp với của các lực lượng xã hội, của nhân dân trong tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục.