Thứ nhất, nguyên nhân khách quan
Các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can còn có nhiều bất cập, thời hạn nghiên cứu xét phê chuẩn của Viện kiểm sát quá ngắn (ba ngày). Do đó với những vụ án phức tạp hoặc khó khăn về xác định tội danh và đánh giá chứng cứ thì không đủ thời gian để Kiểm sát viên nghiên cứu các căn cứ để đề xuất phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.
Bộ luật hình sự năm 1999 hiện hành có thay đổi căn bản về nội dung và điều luật nhưng việc giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật của các cơ quan chức năng Trung ương không kịp thời nhất là những tội phạm mới hoặc những tội phạm mà dấu hiệu pháp lý đặc trưng có nhiều thay đổi, những tội phạm mà chưa có sự phân biệt cụ thể về ranh giới giữa xử lý hành chính và xử lý hình sự... Điều đó dẫn đến vướng mắc về nhận thức pháp luật và áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng khó khăn, bế tắc và thiếu thống nhất.
Bên cạnh đó có một số quy định hướng dẫn thực hiện pháp luật còn quá chung chung, chưa cụ thể chi tiết nên việc vận dụng giải quyết các vụ án cụ thể giữa các ngành, giữa các địa phương còn chưa có sự thống nhất và chủ yếu phụ thuộc vào nhận thức pháp luật của các Kiểm sát viên, lãnh đạo Viện kiểm sát ở từng địa phương và vận dụng cá dẫn đơn phương của Tòa án nhân dân tối cao,
Bộ Công an. Từ đó dẫn đến việc áp dụng pháp luật ở các nơi chưa thống nhất, nhiều sai sót, có nơi bỏ lọt tội phạm hoặc khởi tố cả những người không phạm tội.
Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự ngày 20/8/2004 có hiệu lực từ ngày 01/10/2004, theo đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố, Trung ương được chi tách thành nhiều đầu mối. Chẳng hạn như cấp tỉnh, thành phố thì trước kia có duy nhất cơ quan cảnh sát điều tra (PC16) điều tra vụ án cho đến khi kết thúc điều tra. Theo pháp lệnh 2004 thì có bốn đầu mối cơ quan Cảnh sát điều tra đó là cơ quan Cảnh sát điều tra trật tự xã hội, án ma túy, kinh tế và chức vụ. Do đó dẫn đến việc phối hợp giữa cơ quan Cảnh sát điều tra với Viện kiểm sát ban đầu gặp nhiều khó khăn và dẫn đến số vụ án, bị can phải đình chỉ điều tra. Ngoài ra, do việc chia tách của Cơ quan điều tra nên số Điều tra viên trước kia làm trinh sát chuyển sang làm công tác điều tra vụ án đã ảnh hưởng đến chất lượng điều tra vụ án và không ít các vụ án phải đình chỉ điều tra vụ án bị can.
Thứ hai, nguyên nhân chủ quan.
Tinh thần, trách nhiệm, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm thực tế của Điều tra viên, Kiểm sát viên còn hạn chế. Một bộ phận không nhỏ Điều tra viên, Kiểm sát viên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Bên cạnh đó, số lượng Điều tra viên và Kiểm sát viên ở nhiều địa phương còn mỏng, nhất là ở cấp huyện, cũng có ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ án.
Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ở nhiều địa phương thực hiện chưa tốt việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tội phạm, chưa kiểm tra xác minh kỹ nguồn tin và thu nhập các tài liệu hợp pháp. Nhiều trường hợp chưa đủ căn cứ khởi tố vẫn khởi tố vụ án, bị can, sau đó phải đình chỉ chỉ vì không có hành vi phạm tội hoặc không đủ chứng cứ buộc tội. Công tác kiểm sát điều tra từ đầu của nhiều Viện kiểm sát làm chưa tốt. Tình trạng chờ việc và phó mặc cho Cơ
quan điều tra tự điều tra vụ án mà không đề ra được yêu cầu điều tra còn phổ biến ở các địa phương. Dẫn đến việc điều tra, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kịp thời sau đó không thể khắc phục được nên phải đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án.
ý thức trách nhiệm của một số Điều tra viên, Kiểm sát viên trong việc giải quyết vụ án hình sự chưa cao. Một số Điều tra viên, Kiểm sát viên, cán bộ còn chủ quan dẫn đến vụ án khởi tố sau đó phải đình chỉ.
Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát ở một số địa phương thực hiện chưa tốt dẫn đến tình trạng quay lưng lại với nhau hoặc vì nể nang, ngại va chạm.... đều là nguyên nhân của việc giải quyết án không tốt phải đình chỉ nhiều, đình chỉ sai pháp luật. Một số địa phương còn chưa quan tâm đến các biện pháp thực hiện việc kiểm tra bắt, giữ, phân loại xử lý để nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự.
Việc quản lý án hình sự, nhất là tiến độ giải quyết các vụ án mà hồ sơ vụ án đang ở Cơ quan điều tra, một số nơi làm chưa tốt. Công tác hướng dẫn nghiệp vụ của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên đối với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp dưới còn chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến một số địa phương có tình trạng khởi tố không có căn cứ sau phải đình chỉ.
Tiểu kết chương 2
Qua nghiên cứu chương 2 "Các quy định pháp luật về đình chỉ điều tra và thực tiễn áp dụng", chúng tôi rút ra một số kết luận như sau:
Một là, các căn cứ đình chỉ điều tra từ năm 1945 đến khi ban hành bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là cơ sở pháp lý quan trọng đối với công tác đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra và hoạt động kiểm sát đình chỉ điều tra của Viện kiểm sát.
Hai là, qua nghiên cứu các trường hợp đình chỉ điều tra theo pháp luật hình sự, tố tụng hình sự Việt Nam hiện hành và thực tiễn áp dụng cho thấy nội dung, căn cứ của từng trường hợp đình chỉ quy định trong bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung và bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 còn một số hạn chế, tồn tại, vướng mắc về lý luận và thực tiễn. Do vậy việc cần thiết phải nhận thức chính thức trên phương diện khoa học, hoàn thiện dưới khía cạnh lập pháp. Đồng thời các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung hoặc có văn bản hướng dẫn kịp thời để áp dụng thống nhất trong thực tiễn.
Ba là, bên cạnh việc các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các quy định đình chỉ điều tra, áp dụng thực tiễn đúng đắn, chính xác về căn cứ, thẩm quyền và thủ tục. Tuy nhiên còn có những tồn tại thực tế làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác đình chỉ điều tra. Do đó việc chỉ ra các nguyên nhân của tồn tại và tìm ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đình chỉ điều tra là yêu cầu tất yếu.
Chương 3