Trong quá trình giải quyết vụ án, các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng ảnh hưởng tới các quyền của công dân, đặc biệt là các quyền cơ bản được qui định trong Hiến pháp như: quyền tự do thân thể, quyền được bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện tín, điện báo... Vì vậy, luật tố
tụng hình sự qui định các nguyên tắc nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Dân chủ là bản chất của pháp luật xã hội chủ nghĩa, hệ thống các qui phạm pháp luật nước ta không những thể hiện tính dân chủ cao mà còn chứa đựng tính hiện thực sâu sắc. Luật tố tụng hình sự do đặc điểm của những quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh nên có tính nhạy cảm cao với thiết chế dân chủ, vì vậy ngoài việc qui định những nguyên tắc đảm bảo cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng chính xác thì luật tố tụng hình sự còn qui định các nguyên tắc đảm bảo thiết chế dân chủ trong hoạt động tố tụng. Điều 4 Bộ luật tố tụng hình sự qui định:
Khi tiến hành tố tụng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm trong phạm vi trách nhiệm của mình phải tôn trọng và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó, nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết nữa [22].
Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải tôn trọng, đảm bảo các quyền công dân trong tố tụng hình sự. Cân nhắc lựa chọn khi ra các quyết định tố tụng để không ảnh hưởng tới quyền cơ bản của công dân, cũng như phải chịu trách nhiệm đối với các hành vi xâm hại tới quyền cơ bản của công dân do họ gây ra trong quá trình giải quyết vụ án.
Các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng chỉ được áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp điều tra thu thập chứng cứ khi có những căn cứ và trong giới hạn qui định của luật tố tụng hình sự. Thường xuyên kiểm tra, kiểm sát tính hợp pháp, hợp lý của việc áp dụng các biện
pháp ngăn chặn, biện pháp điều tra thu thập chứng cứ, nếu phát hiện thấy có vi phạm pháp luật phải hủy bỏ ngay các quyết định đó. Khi những căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp điều tra thu thập chứng cứ không còn hoặc không cần thiết thiết thì các cơ quan và người có thẩm quyền phải kịp thời hủy bỏ hoặc thay thế quyết định áp dụng các biện pháp đó.
3.2. GIẢI PHÁP