Biện pháp phòng và trị bệnh giun T.suis cho lợn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ bệnh do giun tròn Trichocephalus spp. gây ra ở lợn tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và biện pháp phòng trị. (Trang 27)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

2.1.2.6.Biện pháp phòng và trị bệnh giun T.suis cho lợn

* Biện pháp phòng bệnh

Theo Nguyễn Thị Lê và cs (1996) [20], biện pháp hữu hiệu để phòng chống bệnh giun sán ở gia súc là biện pháp phòng trừ bệnh tổng hợp, nghĩa là ở những vùng sinh thái nhất định, đồng thời sử dụng nhiều biện pháp có hiệu quả đối với tất cả các giai đoạn phát triển của giun sán, ở môi trường cũng như trong cơ thể vật chủ.

Hagsten Dr. (2000) [37] cho rằng, thực chất của bất kỳ chương trình khống chế giun sán nào thì việc phá vỡ vòng đời của chúng là cần thiết. Và điều này phụ thuộc trước hết vào sự ô nhiễm nơi đó. Mức độ ô nhiễm cao là những nơi lợn nuôi trong tình trạng vệ sinh thú y kém, ít sử dụng các thuốc phòng và trị bệnh cho lợn.

Theo Phạm Sỹ Lăng và cs (2006) [18], để phòng bệnh T. suis cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Vệ sinh chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi để hạn chế sự phát tán trứng giun, kết hợp với sử dụng hóa chất phun vào chuồng trại theo định kỳ như: Dung dịch NaOH 2%, Cresyl 3%, nước vôi 10% để diệt trứng giun.

Việc phòng bệnh giun T. suis nói riêng và các bệnh ký sinh trùng nói chung có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh T. suis, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi lợn, giảm thiệt hại kinh tế chúng ta cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Vệ sinh chuồng trại, thiết bị sạch sẽ. Không sử dụng chung các dụng cụ chăn nuôi khi chưa qua khử trùng. Cơ sở chăn nuôi phải được xây ở nơi

cao ráo, có nhiều ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Chuồng trại khi xây dựng phải đảm bảo đông ấm, hè mát.

- Ở các cở sở bị ô nhiễm, có thể sử dụng những hóa dược đặc hiệu tẩy dự phòng cho lợn nái trước khi sinh và cho lợn từ 2 - 4 tháng.

- Chất thải từ đàn gia súc phải được thu gom ủ phân để diệt trứng giun. Hiện nay có hai phương pháp ủ đó là ủ yếm khí (biogas) và ủ hiếu khí (ủ phân compost), khi ủ phân nhiệt độ trong hố ủ có thể lên đến 60oC làm cho trứng giun sán bị chết.

- Thường xuyên có biện pháp tiêu diệt côn trùng, chuột và động vật hoang dã vì chúng là những động vật môi giới mang mầm bệnh phát tán trong tự nhiên.

- Không nuôi chung lợn ở nhiều lứa tuổi khác nhau trong cùng một khu vực.

- Thức ăn phải đảm bảo về chất lượng, nước uống sạch sẽ. - Có kế hoạch tẩy giun T. suis định kỳ cho lợn.

Tất cả các nghiên cứu trước đây cho thấy việc phòng ngừa các bệnh giun tròn cho lợn gồm: Diệt giun trong cơ thể lợn, mục đích làm cho con vật khỏe mạnh và ngăn ngừa ngoại cảnh không bị ô nhiễm; diệt trứng giun ở ngoại cảnh mục đích đề phòng cho lợn không bị nhiễm bệnh.

* Biện pháp trị bệnh

Nguyễn Xuân Bình (1996) [1] cho biết, hiện nay trên thị trường có nhiều thuốc điều trị bệnh giun T. suis. Tuy nhiên, tác giả khuyên nên dùng một trong các hóa dược sau để tẩy giun T. suis cho lợn:

- Levamisol: Liều 7,5 mg /kg TT - Mebendazol: Liều 5 mg /kg TT - Ivermectin: Liều 0,3 mg /kg TT

Theo Nguyễn Thị Lê và cs (1996) [20], để tẩy giun T. suis có hiệu quả cần thực hiện tốt một số yêu cầu sau:

+ Trước tiên phải chẩn đoán bệnh chính xác. Sau đó tẩy cho những lợn bị nhiễm nặng và có biểu hiện lâm sàng. Với mục đích phòng bệnh thì nên tẩy cho cả đàn vì có những con đang mang mầm bệnh nhưng chưa phát hiện được.

+ Xác định thời điểm tẩy thích hợp. Tốt nhất là tẩy vào mùa xuân (tháng 3 - 4) và mùa thu (tháng 8 - 9). Lượng phân lợn thải ra phải đem ủ nhiệt sinh học để diệt mầm bệnh, sau 15 - 20 ngày kiểm tra để đánh giá hiệu quả của thuốc.

Theo Phan Lục và Nguyễn Đức Tâm (2000) [21], Levamisol tên thương phẩm là Tramisol hay Ripercol, thuốc có thể trộn vào thức ăn hay pha nước uống có phổ tác dụng rộng với giun tròn. Ngoài ra, Fenbendazol tên thương phẩm là Safe Guard, thuốc có thể trộn vào thức ăn dùng liên tục trong 3 ngày, không tồn dư trong cơ thể, có hiệu quả mạnh đối với giun T. suis.

Theo Phạm Đức Chương và cs (2003) [2], các thuốc dùng để điều trị bệnh giun tròn có hiệu quả cao như:

Levamisole: Thuốc có tác dụng đối với cả ấu trùng và giun trưởng thành. Hiệu lực tẩy giun T. suis là 72 - 99%.

Ivermectin: Tác dụng trên phổ rộng đối với nhiều loại giun tròn. Tiêm dưới da liều 0,3 mg /kg TT lợn, có tác dụng làm giảm 94 - 100 % các giai đoạn chưa trưởng thành của giun T. suis.

Phạm Sỹ Lăng và cs (2009) [19], có thể dùng một trong các hóa dược sau để tẩy giun T. suis cho lợn:

Mebenvet: Dùng liều 50 mg /kg TT, trộn thức ăn cho lợn ăn một lần. Fenbendazol: Liều 30 mg /kg TT, trộn thức ăn cho lợn ăn từ 6 - 15 ngày. Levamisol: Liều 7,5 mg /kg TT, trộn thức ăn hoặc tiêm cho lợn.

Febentel: Liều 20 mg /kg TT thuốc dùng dạng uống.

Ivermectin: Liều 0,2 - 0,3 mg /kg TT, thuốc dùng tiêm cho lợn 2 lần,

cách nhau 1 - 2 ngày.

Theo Nguyễn Thị Kim Lan và cs (2012) [15] , việc dùng thuốc tẩy giun phải đạt được những yêu cầu sau:

Trước hết phải tiêu diệt ký sinh trùng, dùng thuốc tẩy trùng cho vật nuôi. Chữa cho con vật ốm khỏi bệnh và đảm bảo cho ngoại cảnh không bị nhiễm bệnh giun sán. Tránh mầm bệnh nhiễm vào những con vật khác. Phải dùng thuốc tẩy giun sán từ lúc nó chưa trưởng thành, chưa đẻ trứng và phải tiêu độc thật tốt phân có trứng giun. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Dùng thuốc tẩy giun sán thì phải dùng thuốc hướng ký sinh trùng, tức là độc với giun sán mà không độc với ký chủ, nên chọn thuốc có hiệu lực nhất đối với ký sinh trùng, đồng thời ít nguy hiểm nhất đối với ký chủ, rẻ tiền và dễ dùng nhất.

Ngăn chặn không cho con vật ốm tái nhiễm, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, đưa con vật ra khỏi nơi có bệnh, tiêu độc chỗ đó trước khi cho con vật nuôi vào lại.

Hướng mới trong việc chữa bệnh ký sinh trùng là tìm những thuốc có hiệu lực chống được nhiều loài ký sinh trùng như: Mebendazole có tác dụng tẩy nhiều loài giun tròn. Có các loại thuốc điều trị giun tròn như:

Menbendazol; Levamisol; Ivermectin; Febentel; Oxybendazol.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ bệnh do giun tròn Trichocephalus spp. gây ra ở lợn tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và biện pháp phòng trị. (Trang 27)