3.4.1.1. Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp
- Thu thập thông tin từ các công trình khoa học, các báo cáo tổng kết, các bài viết có liên quan đến kinh tế hộ.
- Thu thập số liệu tại chính quyền địa phương, thống kê của UBND xã, huyện, phòng tài nguyên môi trường, phòng nông nghiệp, thu thập từ các báo cáo, tạp chí, Tổng hợp từ internet,…
3.4.1.2. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp
- Phương pháp quan sát: Là phương pháp qua quan sát trực tiếp hay gián tiếp bằng các dụng cụ để nắm được tổng quan về địa hình, địa vật trên địa bàn nghiên cứu.
- Điều tra bằng bảng hỏi: là phương pháp tìm hiểu quy mô, mức sống của người dân tại địa phương, xác định tiềm năng cơ hội, những thuận lợi và khó khăn của người dân đang tồn tại thông qua bảng hỏi đã được lập sẵn. Người được hỏi trả lời ý kiến của mình bằng cách đánh dấu vào các ô tương ứng theo một qui ước nào đó và trả lời các câu hỏi trong bảng hỏi đã được lập sẵn. có 2 loại câu hỏi trong bảng hỏi, đó là câu hỏi đóng và câu hỏi mở:
+ Câu hỏi đóng: Là loại câu hỏi có đáp án trả lời sẵn mà người trả lời chỉ đọc và đánh dấu vào những ý kiến, mức độ ứng với cá nhân.
+ Câu hỏi mở: Là loại câu hỏi không có đáp án trả lời sẵn mà người trả lời phải tự điền ý kiến của mình vào đó.
- Sử dụng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia của người dân (PRA): Trực tiếp tiếp xúc với chủ hộ, tạo điều kiện để cho họ tự bộc lộ, tự mô tả những điều kiện sản xuất, những kinh nghiệm, những khó khăn và mong muốn của họ, để thu thập được thông tin cần thiết và tìm ra những thuận lợi, khó khăn trong quá trình chăn nuôi làm cơ sở đưa ra định hướng và giải pháp.
- Phương pháp phân tích SWOT: Là công cụ giúp cộng đồng xác định được những thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức tác động đến tiến trình phát triển của đối tượng nghiên cứu.
Sử dụng phương pháp SWOT để phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Điểm mạnh, điểm yếu thuộc về nguyên nhân chủ quan, đó là các yếu tố thuộc về người chăn nuôi. Điểm mạnh thường xuất hiện ở các thời điểm hiện tại và cần phải được vận dụng và khai thác. Điểm yếu vừa có tính hiển nhiên, vừa có thể là điều mà chúng ta chưa biết. Vì vậy, điểm mạnh và điểm yếu có quan hệ chặt chẽ với nhau, biết điểm mạnh để phát huy - đó là một lợi thế, biết điểm yếu để khắc
phục - đó cũng sẽ trở thành điểm mạnh. Người chăn nuôi thường thiếu thông tin, thiếu kỹ năng thương mại, kỹ thuật chăn nuôi còn lạc hậu,... Đây chính là điểm yếu, biết được điều này, bản thân người chăn nuôi tự học hỏi và trau dồi đồng thời Nhà nước thường có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tập huấn để nâng cao kiến thức cho họ. Làm được điều này thì điểm yếu đã được khắc phục, vượt qua thành điểm mạnh.
Cơ hội và thách thức là những yếu tố khách quan. Cơ hội khác với thời cơ, thời cơ là cơ hội chỉ diễn ra tại một thời điểm hay khoảng thời gian rất ngắn, thời cơ nếu chúng ta không biết tận dụng thì nó sẽ mất đi và chúng ta không thể tạo hay lặp lại nó. Thách thức có quan hệ mật thiết với cơ hội, nếu dựa theo cách lý giải triết học, trong cơ hội sẽ xuất hiện nguy cơ. Nguy cơ là những yếu tố bên ngoài tiêu cực hay bất lợi đối với đối tượng và thường xảy ra ngoài dự kiến.