Nghệ thuật khoa trương, so sánh

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật tào tháo trong tam quốc diễn nghĩa của la quán trung (Trang 34)

7. Cấu trúc khoá luận

2.3.5.Nghệ thuật khoa trương, so sánh

Khoa trương, so sánh là một trong những biện pháp nghệ thuật quen thuộc, được sử dụng phổ biến trong văn học nói chung, tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc nói riêng. Đây là những phương thức đem lại hiệu quả cao trong việc miêu tả nhân vật, thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm văn học.

Khoa trương (còn gọi là phóng đại, ngoa dụ) là “Một phương thức tu từ, một thủ pháp nghệ thuật dựa trên cơ sở phóng đại, cường điệu kích thước, quy mô, tính chất của đối tượng hay hiện tượng được miêu tả”. (3,tr.212) giúp tăng cường sức mạnh biểu hiện cho hình tượng được nói đến trong tác phẩm. Thực chất, khoa trương là thủ pháp nghệ thuật nói quá sự thật nhằm đạt được hiệu quả nghệ thuật nào đó. Trong tiểu thuyết Minh – Thanh như: Thuỷ hử, Tây du kí,…yếu tố khoa trương, phóng đại được các tác giả sử dụng với tần số khá lớn đồng thời cũng là thủ pháp quan trọng để khắc hoạ những nhân vật điển hình với nét tính cách điển hình như: Võ Tòng, Tôn Hành Gỉa,…Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, nghệ thuật khoa trương được sử dụng phổ biến và có ý nghĩa quan trọng trong việc khắc hoạ chân dung nhân vật, trong đó có nhân vật Tào Tháo.

Để làm nổi bật tội ác và tô đậm tính cách tàn bạo của Tào Tháo, tác giả đã lấy khoa trương, phóng đại làm biện pháp hữu hiệu. Khi mới phất cờ gióng trống, xây dựng sự nghiệp, Tháo khởi binh đánh Từ Châu để trả thù cho cha. Tháo dựng cờ “Báo thù tuyết hận”, ra lệnh

làm cỏ thanh Từ Châu. “Hễ đánh được thành trì nào, bao nhiêu nhân dân trong thành đem

giết nhẵn để báo thù cho cha ta”(8.tập1, tr 202). Sát hại cha Tháo là cá nhân Trương khải, dư

đảng Khăn vàng chứ không phải quan dân Từ Châu. Vì thế, việc Tháo giết hại người dân vô

tội để báo thù là một tội ác dã man, đáng bị lên án. “Tào Tháo đi đến đâu cũng cho quân tàn

hại dân chúng đến đấy, đào mồ cuốc mả người ta, ai ai cũng sợ”. Đánh Từ Châu, Tào Tháo đã

“giết mấy chục vạn trai gái Tứ Thuỷ, làm cho nước sông không chảy được”. Các huyện Thử Lự ,Huy Lăng, Hạ Khâu “đều bị làm cỏ, chó gà cũng chết hết, ngoài đường không còn người

đi”…

Trong Ngụy chí – “Đào Khiêm truyện” ghi lại sự việc này hết sức đơn giản như sau : “Năm 193, Thái Tổ - Tào Tháo cử quân đánh Đào Khiêm, hạ hơn mười thành. Đánh to tại Bành Thành, quân Đào Khiêm thua chạy có hơn vạn quân chết, nước Tứ Thuỷ không chảy được”.

Như vậy,từ “hơn vạn quân chết”(Đào Khiêm truyện) đến “mấy chục vạn”(Tam quốc diễn nghĩa),từ “quân”chết (Đào Khiêm truyện)đến “mấy chục vạn trai gái” (Tam quốc diến nghĩa) mà trai gái cũng có nghĩa là quần chúng nhân dân vô tội. La Quán Trung đã vận dụng thủ pháp khoa trương nhằm vạch trần bản chất tàn ác, giết người không ghê tay của Tào Tháo. Thành phần và con số những người bị giết ở Từ Châu là minh chứng hùng hồn cho nét tính cách tàn bạo, độc ác của Tào A Man.

Sau trận Xích Bích, khi men theo đường nhỏ Hoa Dung, gặp lúc nước đọng thành vũng, bùn lầy ngập vó ngựa, đường khó đi, quân lính đều mệt mỏi, nằm lăn ra đường. Tháo không những khôngđộng viên quân sĩ mà còn thét ngựa giẫm lên trên mà đi, chết hại không biết bao nhiêu, tiếng khóc vang cả đường sá. Những tướng sĩ có mặt ở Hoa Dung lộ cùng Tào Tháo là những người vừa thoát khỏi biển lửa Xích Bích. Họ là những người may mắn giữ được mạng sống và dùng chút sức lực cuối cùng cố gắng trở về đoàn tụ với gia đình. Thế nhưng, để thoát thân được nhanh nhất, Tào Tháo đã chà đạp lên mạng sống của họ, những người đã chiến đấu vì quyền lợi của ông ta. Tác giả tiểu thuyết đã phóng đại con số thương vong của tàn quân nhà Ngụy dưới vó ngựa của Tào Tháo ở đường Hoa Dung nhằm làm nổi bật sự ích kỉ đến bất nhân, đáng sợ của nhân vật này.

Trần Lâm khi còn ở bên Viên Thiệu đã giúp Thiệu viết một bài hịch dài kể tội Tào Tháo với những lập luận chặt chẽ, sắc sảo bày tỏ thái độ tố cáo mạnh mẽ và sự khinh bỉ, căm ghét đến tột độ. Thế nhưng trong bước đường cùng trở về với Tào Tháo, Trần Lâm không những không bị giết mà còn được trọng dụng bởi có tài văn chương hiếm có. Trong Tam quốc, có một số câu chuyện không thấy có trong chính sử nhưng dưới ngòi bút của La Quán Trung, những câu chuyện ấy được viết khá sinh động, có tính chất cường điệu, chứng minh lòng trọng nhân tài của Tào Tháo, như việc Tháo tha Trương Liêu:

Võ sĩ dẫn Trương Liêu đến, Tháo trỏ vào Liêu mà bảo rằng:

- Thằng này trông quen quen!

Liêu đáp:

- Phải, gặp nhau trong thành Bộc Dương, đã quên rồi ư?

Tháo cười mà hỏi rằng:

- Thế ra mày còn nhớ à?

- Nhưng rất đáng tiếc! Tháo hỏi:

- Tiếc cái gì? Liêu đáp:

- Tiếc hôm ấy lửa không cháy to đốt chết thằng quốc tặc là mày! Tháo giận lắm, mắng rằng:

- Tướng đã thua sao dám làm nhục ta? Nói xong tuốt kiếm định chém Trương Liêu. Huyền Đức nói:

- Người có lòng son như thế nên giữ lại. Tháo ném kiếm xuống đất,cười nói:

- Ta cũng biết Văn Viễn trung nghĩa, nên đùa tí thôi. Nói xong cởi trói, cởi áo mình mặc cho Trương Liêu, mời lên ngồi. Trương Liêu cảm động trước lòng tốt của Tháo và đầu hàng Tháo.(8.tập 1, tr.388).

La Quán Trung sử dụng nghệ thuật phóng đại khi nói về thái độ của Tào Tháo đối với những người hiền sĩ nhằm khẳng định nhân vật này rất biết cách nhìn người, dùng người và luôn trọng đãi nhân tài. Đây là một trong những điểm tích cực nổi bật ở Tào Tháo.Ông chủ trương thực hiện chính sách “duy tài thị cử” để tuyển chọn người tài vào bộ máy nhà nước của nhà Ngụy.

Trong Tam quốc, tác giả còn sử dụng biện pháp khoa trương cho nhiều nhân vật khác như: Trương Phi, Triệu Tử Long, Khổng Minh,…nhằm tập trung khắc hoạ nét điển hình, nhất phiến trong tính cách của mỗi nhân vật. Với Tào Tháo, biện pháp này càng tô đậm thêm sự phức tạp, vừa tích cực vừa tiêu cực, vừa đáng trọng vừa đáng ghét luôn tồn tại đan cài nhau trong tính cách của nhân vật. Đồng thời, qua nghệ thuật khoa trương, tác giả còn kín đáo bày tỏ thái độ của mình đối với con người Tào Tháo cũng như từng hành độnh của nhân vật này trong tác phẩm.

Cùng với khoa trương, so sánh là biện pháp được sử dụng phổ biến trong Tam quốc diễn nghĩa. Khi miêu tả nhân vật, tác giả luôn đặt nó trong một hệ thống, một sự đối sánh nào đó nhằm làm nổi bật tính cách của nhân vật. So sánh ở đây không đơn thuần là sự so sánh tương đồng giữa các sự vật có cùng phẩm chất mà nó còn là sự đối chiếu mang tính tương phản.

Nhân vật Tào Tháo, ở mọi trường hợp, tác giả luôn cố ý so sánh tính hơn hẳn của nhân vật

này với bọn quân phiệt khác. Mặc dù mới mộ quân nhưng Tào Tháo đã đứng ra phát hịch cần (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

vương gửi đi các quận. Đây là điều Viên Thiệu muốn làm nhưng không làm được, bởi Thiệu

không phải là đối thủ của Tháo. “Tào Tháo mừng lắm, làm ngay tờ kêu gọi phát đi các đạo,

rồi dựng một lá cờ trắng, đề hai chữ: Trung nghĩa để chiêu tập binh mã. Không được mấy ngày, thiên hạ kéo đến ứng mộ đông như nước chảy”.

(8.tập1, tr 104).

Tào Tháo đã nhanh chóng giành quyền chủ động. Dù không đóng vai minh chủ nhưng uy tín của Tháo rất lớn. Lúc này, Tào Tháo chỉ có một bụng vì dân vì nước, là con người lỗi lạc có con mắt tinh đời và biết chiêu hiền đãi sĩ, phẩm cách vượt xa anh em Viên Thiệu. Chính vì thế, ngay khi mới dựng cờ khởi nghĩa, đã có nhiều anh tài văn võ về với Tào Tháo, hi sinh tính mạng của mình cho nghiệp lớn của ông ta.

Tại hội nghị các chư hầu bàn việc đánh dẹp Đổng Trác, Tháo nói với Viên Thiệu:

- “Nay Đổng tặc đã kéo về Trường An rồi,ta nên thừa thế mà đuổi theo bắt nó mới phải, Bản Sơ lại đóng quân ở đây, là cớ làm sao?(…).

Chư hầu đều nói:

- Ta không nên khinh động.

Tháo giận nói rằng:

- Đồ trẻ con cả, không đáng cùng mưu đồ việc lớn!”.(8.tập 1, tr 126).

Trong khi Viên Thiệu và các chư hầu khác đều do dự và lo sợ, Tào Tháo lại đầy nhiệt huyết và hết sức quyết đoán. Trong mắt Tào Tháo, những chư hầu kia chỉ là những kẻ hèn nhát chỉ lo giữ mình, chỉ là “đồ trẻ con” mà thôi. Những kẻ đó chỉ biết sống an phận và hưởng thụ cho cá nhân mình mà không dành tâm huyết để “trị quốc bình thiên hạ”cứu lấy giang sơn nhà Hán, là loại người “không đáng để cùng mưu đồ việc lớn”. Chỉ với một đoạn văn ngắn nhưng ta cũng thấy rõ sự hơn hẳn của Tào Tháo về chí khí, óc phân tích, lòng quyết tâm, dũng cảm,… Tào Tháo đa nghi còn Viên Thiệu thì hay hồ nghi. Tào Tháo đa nghi bởi vì biết phân tich và quyết đoán được bởi vì biết tổng hợp. Còn Thiệu thì hồ nghi lại hẹp hòi nên không thể làm được việc lớn. Sự hơn hẳn của Tào Tháo được chứng minh một cách thuyết phục bằng việc sau này ông lần lượt tiêu diệt được các chư hầu ở miền Bắc Trung Quốc.

Trong Tam quốc, Tào Tháo và Lưu Bị luôn được đặt trong thế đối sánh, tương phản nhau. Dưới ngòi bút của La Quán Trung, Tào Tháo hiện lên với tính cách tàn bạo, xảo trá, là một kẻ gian hùng còn Lưu Bị lại là con người nhân hoà, là ông vua anh minh, thương yêu trăm họ và là một anh hùng. Cách sống và hoạt động của Tàơ Tháo và Lưu Bị cũng hoàn toàn đối lập nhau. Lưu Bị khẳng định rằng: “Tháo dĩ cấp, ngô dĩ khoan; Tháo dĩ bạo, ngô dĩ nhân;

Tháo dĩ quyệt, ngô dĩ trung”. Phương châm xử thế của Tào Tháo là “Thà ta phụ người chứ

không để người phụ ta” bởi “người không vì mình thì trời tru đất diệt”. Trái ngựơc lại, Lưu Bị

“Thà chết chứ không làm người phụ nghĩa”.Tuy nhiên, giữa hai hình tượng nhân vật này thì

hình tượng Tào Tháo có tính chân thực và sống động hơn. Lưu Bị khiêm tốn, nhân nghĩa nhưng đôi khi bạn đọc nhận thấy có chỗ giả tạo trong con người ông ta.Với Lưu Bị, người ta chỉ yêu mến mà không cảm phục. Bằng biện pháp so sánh, tác giả đã làm nổi rõ nhiều đặc điểm, thuộc tính của nhân vật, giúp người đọc có những ấn tượng thẩm mĩ phong phú về nhân vật Tào Tháo trong Tam quốc .

Nhân vật văn học chỉ xuất hiện qua sự trần thuật, miêu tả bằng phương tiện nghệ thuật. Các phương tiện thể hiện nhân vật cũng hết sức đa dạng, phong phú. Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã sử dụng một cách khéo léo, linh hoạt nhiều biện pháp nghệ thuật để xây dựng thành công một trong những nhân vật sống động nhất, hấp dẫn nhất của bộ tiểu thuyết – nhân vật Tào Tháo. Tính cách phức tạp của Tào Tháo được thể hiện cụ thể ở nhiều phương diện và trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Tào Tháo là một nhân vật tính cách và là nhân vật được La Quán Trung xây dựng thành công nhất trong Tam quốc diễn nghĩa.

KẾT LUẬN

Tam quốc là một tác phẩm lừng danh trong kho tàng tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa. Khi tác phẩm ra đời, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng với Tam quốc, La Quán Trung không chỉ đặt nền móng mà đã hoàn chỉnh thể loại tiểu thuyết mà lịch sử văn học thế giới quen gọi là tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa. Nó được xem là một trong “tứ đại kì thư” của văn học Trung

Quốc. Với tác phẩm này, La Quán Trung đã dựng lại một thời kì lịch sử loạn lạc với máu, nước mắt và những chiến công – thời kì “Tam quốc phân tranh”.

1. Tam quốc diễn nghĩa ngoài giá trị văn học to lớn còn rất có giá trị về mặt lịch sử và quân sự. Sự ra đời của tác phẩm này cũng có nét đặc biệt so với nhiều tiểu thuyết khác. Nhà văn không hoàn toàn hư cấu, sáng tạo các tình tiết, biến cố và nhân vật trong tác phẩm. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: “Tam quốc bảy thực ba hư” là nhằm khẳng định nguồn gốc của bộ sách này. Nó có cơ sở trực tiếp từ sử biên niên như:Tam quốc chí – Trần Thọ,Tư trị thông giám – Tư Mã Quang, sách của Bùi Tùng Chi, Chu Hi,…và chịu ảnh hưởng của hí khúc, giảng sử, bình thoại lấy đề tài Tam quốc, những giai thoại về thời Tam quốc lưu hành trong dân gian.

Trong hơn 400 nhân vật của Tam quốc, Tào Tháo là hình tượng nhân vật được xây dựng thành công nhất. Tuy nhiên, do chịu sự chi phối của tư tưởng “ủng Lưu phản Tào”, tác giả đã khắc hoạ Tào Tháo thành một kẻ gian hùng, nham hiểm, tàn bạo,…khác xa với con người Tào Tháo trong lịch sử - nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất, nhà cải cách và nhà thơ hào hoa. Tìm hiểu tường tận vấn đề này sẽ giúp ta có được sự đánh giá khách quan, công bằng hơn về nhân vật Tào Tháo.

2. Trong Tam quốc diễn nghĩa cũng như đa số các tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, nhân vật chưa thật sự được chú ý miêu tả ngoại hình. Nhân vật Tào Tháo chỉ được phác hoạ vài nét sơ sài về hình dáng nhưng nó cũng góp phần vào việc thể hiện tính cách phức tạp, khó đoán biết của nhân vật này. Miêu tả ngoại hình nhân vật là một biện pháp quan trọng để bộc lộ tính cách của nhân vật văn học như trong “ Hồng lâu mộng” – Tào Tuyết Cần, truyện ngắn của A.Sekhov,…

3.Tào Tháo không mang tính nhất phiến trong tính cách mà luôn có sự kết hợp, xen cài của nhiều nét tính cách khác nhau, vừa tích cực lại vừa tiêu cực. Để thể hiện được tính cách Tào Tháo một cách sinh động, phong phú, tác giả đã kết hợp sử dụng nhiều biện pháp và phương tiện nghệ thuật như: sự tác động của không gian – thời gian, tình huống đối với tính cách nhân vật, các biện pháp khắc hoạ tính cách nhân vật qua hành động, qua ngôn ngữ, biện pháp khoa trương, so sánh,…

Việc nghiên cứu, tìm hiểu về hình tượng nhân vật Tào Tháo sẽ giúp ta hiểu hơn nhiều vấn đề của tác phẩm đồng thời cảm nhận được sâu sắc hơn ý vị của Tam quốc diễn nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

1. Lê Huy Bắc- Lê Thời Tân (2008), La Quán Trung và Tam quốc diễn nghĩa, Nxb Giáo

dục, Hà Nội.

2. Trần Xuân Đề (2003), Tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, Nxb Giáo dục,

Hà Nội.

3. Lê Bá Hán – Nguyễn Khắc Phi – Trần Đình Sử (cb) (2006), Từ điển thuật ngữ văn

học, Nxb Giáo dục,Hà Nội.

4. Phương Lựu (cb) (2006), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Nhiều tác giả (1984), Từ điển văn học-tập 2, Nxb KHXK, Hà Nội.

6. Ngô Nguyên Phi (1998), Nhân vật Tam quốc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7. Lê Huy Tiêu(2003), Lịch sử văn học Trung quốc (tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 8. La Quán Trung (2006), Tam quốc diễn nghĩa, Nxb Văn học,Hà Nội.

9. B.L.Riftin(2002), Sử thi lịch sử và truyền thống văn học dân gian Trung Quốc, Nxb

Một phần của tài liệu Hình tượng nhân vật tào tháo trong tam quốc diễn nghĩa của la quán trung (Trang 34)