7. Cấu trúc khoá luận
2.3.3. Nghệ thuật thể hiện tính cách qua hành động
Mỗi cá nhân đều có cá tính và bản sắc riêng. Qua hành động, việc làm con người bộc lộ những nét tính cách đặc trưng và bản chất nhất của riêng mình. Tính cách nhân vật không chỉ bộc lộ qua chân dung, ngoại hình, mà “thường bộc lộ nhiều nhất qua hành động, việc làm”. ( 4.tr.291 )
Tả hành động để khắc họa tính cách nhân vật là một trong những đặc điểm nghệ thuật nổi bật của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc trong đó có Tam quốc diễn ngĩa của La Quán Trung. Tác giả không đứng ở vị trí người thứ ba để giới thiệu nhân vật mà thông qua việc miêu tả hành động của nhân vật để khắc hoạ tính cách của nó. Chính điều đó đã góp phần tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn cho tác phẩm văn chương. Người đọc sẽ không cảm thấy khô khan, nhàm chán khi theo dõi cả một bộ tiểu thuyết có dung lượng lớn. Theo thời gian cùng với chuỗi những hành động được thực hiện, tính cách nhân vật được làm đầy dần lên và ngày càng
hoàn chỉnh. Tào Tháo đa tài nhưng cũng gian trá, đa nghi. Xảo trá, tàn bạo và cơ trí, dũng cảm thống nhất trong con người Tào Tháo. Càng cơ mưu thì càng xảo quyệt, càng dũng cảm thì càng tàn bạo. Hàng loạt những hành động của Tháo đã bộc lộ rõ bản chất gian hùng của nhân vật này.
Thời trẻ, Tháo chỉ thích săn bắn, ham múa hát, nổi tiếng là một tay cơ biến quyền mưu. Người chú thấy Tháo chơi bời vô độ giận lắm bèn mách với anh trai là Tào Tung – cha Tháo. Bị cha mắng, Tháo nghĩ kế trả thù chú. Một lần, lúc thấy chú đến, Tháo giả tảng nằm quay ra đất, làm như bị trúng phong. Chú thấy Tháo vậy cả sợ, liền báo cho cha Tháo biết. Khi cha đến hỏi, Tháo trả lời:
– “Thưa cha, thuở bé đến giờ con có bệnh ấy đâu! Chẳng qua chú con ghét con, cho nên
đặt điều ra thế ”. (8.tập1,tr.43)
Dù còn nhỏ tuổi nhưng Tháo đã dám dối cha lừa chú, hành động đi ngược với lễ giáo phong kiến. Cái gian của Tào Tháo đã có mầm mống từ thuở thiếu niên.
Khi Đổng Trác hoành hành, làm loạn triều cương, Tào Tháo cùng tham gia vào việc bàn bạc tìm kế trừ Đổng Trác. Trong khi các quan chỉ ngồi bất lực than khóc, không tìm được cách diệt loạn thần thì Tào Tháo đứng lên hiến kế giết giặc. Khi hành động không thành, bị Đổng Trác phát hiện, Tháo đã ứng biến rất nhanh :
– “Tháo tôi có con dao quý xin dâng thừa tướng”. ( 8.tập 1, tr .97).
Phải là một người hết sức dũng cảm cảm biết vì dân vì nước Tào Tháo mới hành động như vậy. Và qua đây, Tào Tháo cũng thể hiện sự thông minh, biết ứng biến trong những tình thế nguy cấp để thoát thân. Đặt trong bối cảnh lúc đó, hành động dâng dao lừa Đổng tặc của Mạnh Đức là một hành động vì chính nghĩa của người anh hùng, rất đáng được tôn trọng, ngợi ca.
Tuy nhiên trong cuộc đời mình, Tào A Man cũng có rất nhiều hành động bộc lộ tính đa nghi, gian xảo và tàn bạo của mình. Trên đường trốn chạy khỏi sự truy đuổi của Đổng Trác,
Tào Tháo đã nương nhờ ở nhà Lã Bá Sa, bạn của cha Tháo. Khi Bá Sa đi mua rượu, “Tháo với
Cung ngồi ở nhà, chợt nghe thấy sau nhà có tiếng mài dao.Tháo bảo Trần Cung rằng:
– Lã Bá Sa đối với tôi không thân thiết gì lắm. Chuyện này đáng nghi đấy! Hai người sẽ rón rén bước vào sau nhà tranh, chỉ nghe thấy tiếng người nói:
Tháo bảo Trần Cung :
– Đúng rồi! Nếu ta không hạ thủ trước, thì sẽ bị bắt mất !
Tháo và Cung hai người cùng rút gươm đi thẳng vào, gặp người nào trong nhà thì giết người ấy, giết một lúc tám người. Khi vào đến trong bếp, chỉ thấy một con lợn trói bốn vó, sắp đem chọc tiết ”.(8 .tập 1. tr 100 ).
Sau đó, Tào Tháo lại giết nốt cả Bá Sa. Hành động giết cả nhà Lã Bá Sa cho thấy tính đa nghi thái quá và sự tàn bạo, nhẫn tâm trong con người Tào Tháo. Tháo đã làm theo phương
châm của mình là “Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta”. Từ đây, bản chất nham
hiểu, tàn bạo của nhân vật này càng bộc lộ rõ và ở mức độ cao hơn, đáng sợ hơn.
Một lần phải hành quân qua ruộng lúa của dân, Tháo căn dặn không ai được làm tổn hại dù chỉ là một nhành lúa trên cánh đồng. Nhưng sau đó, con ngựa của Tháo lại bị bầy chim đang ăn trên ruộng bay vút lên khiến nó hoảng sợ, giẫm đạp nát một góc ruộng. Tào Tháo rút gươm kề cổ mình trong tư thế chuẩn bị tự sát thì quan quân xúm lại can ngăn. Ông bèn cắt
chỏm tóc trên đầu và nói: “ ta tạm tha tội cho mình, nhưng dùng tóc để thay đầu” . Thực chất,
đây cũng chỉ là một thủ đoạn, một kĩ xảo chính trị của Tào Tháo mà thôi. Cắt tóc thay đầu là hành động thể hiện sự xảo trá song cũng rất thông minh của Tào Tháo.
Không chỉ thế, Tào Tháo còn mượn đầu Vương Hậu – viên quan trông coi việc cấp phát lương để lấy lòng quân sĩ, giả mê giết lính hầu vì sợ khi ngủ có kẻ ám hại. Thậm chí, Tháo còn làm nhiều việc tàn bạo khác như: chèn ép vua Hiến Đế, giết thái y Cát Bình, treo cổ Đông quý phi đang mang long thai, đánh Phục hoàng hậu đến chết,… Tất cả những hành động đó đã chứng minh hùng hồn cho tính cách đa nghi, tàn bạo, bất nhân của Tào Tháo. Sự nham hiểm đến đáng sợ của Tháo còn thể hiện một cách chân thực qua hành động “đôi khi phải giết người đáng tha và tha kẻ đáng giết” như lời Phạm Tăng – quân sư của Hạng Vũ. Nễ Hành chửi Tháo công khai, thậm tệ giữa đám đông, Tháo không giết mà mượn tay Hoàng Tổ giết. Dương Tu chưa chửi Tào Tháo câu nào nhưng cuối cùng lại bị giết vì một lí do không đáng giết. Vì theo Tháo: “Người chửi ta ai cũng biết cả. Không giết họ được tiếng độ lượng. Nhưng người biết rõ được ý nghĩ riêng của ta mà không giết là nguy vì không thể lừa ai được nữa”.
Khi xem xét những hành động của Tào Tháo, ta không chỉ thấy cái nham hiểm, tàn bạo, xảo quyệt mà còn thấy được một phương diện khác rất đáng trân trọng ở nhân vật này. Đó là con mắt nhìn người hết sức tinh tường và thái độ “biệt nhỡn liên tài” của ông. Ta có thể thấy
điều đó qua câu chuyện nàng Thái Diệm bị bắt sang Hung Nô, nhớ Trung nguyên làm mười tám khúc kèn rợ Hồ gửi về, Mạnh Đức nghe, thổn thức nỗi lòng, xót xa cho thân phận nhi nữ bèn đưa ngàn vàng lên phương Bắc chuộc về. Trần Lâm – người viết hịch kể tội Tào Tháo khi còn ở bên Viên Thiệu, cũng được tha chết vì văn chương sắc sảo, hiếm thấy. Thái độ chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng người tài của Tào Tháo giải thích vì sao ông có một đội ngũ các văn quan võ tướng đông đảo và tài năng như vậy. Và tất cả họ đều đồng sức đồng lòng vì ông. Điển Vi lấy thân mình bảo vệ Tào Công. Tào Hồng liều mạng hộ vệ cho Tào Tháo rút lui khi
bị thua Đổng Trác, trong lúc nguy cấp đã nói: Thiên hạ có thể không có tôi nhưng không thể
không có ông! Tấm lòng trọng đãi hiền tài của Tào Tháo thể hiện cụ thể và sinh động nhất qua
những hành động của ông đối với Quan Vũ . “Có lẽ rằng cổ kim chưa có ai tiếp người thành kính bằng Tào Tháo tiếp Quan Vũ. Chu Văn Vương ăn chay nằm đất đi về mấy lượt để đón Khương Tử Nha, Lưu Bị “ tam cố thảo lư” tuy có chí thành nhưng đó là điều ai cũng có thể làm được. Tào Tháo tiếp Quan Vũ đem cả tấm lòng thành kính ra tiếp, nhưng Quan Vũ như thế mà không sợ các tướng bất bình qủa Tào Tháo có cách xử sự phi thường vậy” . ( 6. tr 134 )
Mặc dù có giao ước nhưng Tào Tháo vẫn tìm mọi cách để giữ Quan Vũ ở lại với mình, “cứ ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn”, ban cho tước Hán Thọ đình hầu, tặng áo bào, túi gấm bọc râu, ngựa Xích Thố ,… Sự biệt đãi của Tào Tháo dành cho Quan Công thể hiện thái độ yêu mến, trân trọng của ông đối với hiền sĩ trong thiên hạ. Khi Quan Vũ biết tin Lưu Bị đang ở bên Viên Thiệu, Tào Tháo lại tìm cách không để Quan Vũ ra đi như: không cho gặp mặt, không cấp giấy thông quan. Về điều này, Mao Tôn Cương trong “Thánh thần ngoại thư” có viết: “Điêu ngoa nhất của Tào Tháo là không cấp giấy thông quan cho Quan Vũ. Nếu Quan Vũ bị các cửa ải giết đi ắt Tháo nói: “Đâu phải tại ta”. Như thế, Tháo vẫn được tiếng nhân từ, yêu hiền đãi sĩ. Thật là gian hùng! Kẻ tiểu nhân dù có lên mặt anh hùng, rốt cuộc cũng không che mắt được người đời”.
Mao Tôn Cương có thành kiến với Tào Tháo nói riêng tập đoàn Tào Ngụy nói chung vì thế không khỏi có cái nhìn khắt khe, tiêu cực đối với hành động này của Tào Tháo. Bùi Tùng Chi cho rằng: “Tào Tháo sau khi nghe tin Vũ không ở lại, không trừng trị ông ta, vẫn cứ trung thành với lời hứa của mình. Làm sao điều này lại có thể xảy ra? Đây thật là lòng cao thượng và cái đẹp của Tào Tháo” . ( 6 . tr 62 ).
Tào Tháo biết nhìn người, biết dùng người và biết cách lấy lòng họ. Một việc điển hình là trong trận Uyển Thành, Tào Tháo mất con cả là Tào Ngang, cháu Tào An Dân và tướng Điển Vi; nhưng khi nhớ tới trận này, ông khóc Điển Vi nhiều hơn cả. Trong trận Quan Độ, khi Hứa Du bỏ Viên Thiệu sang theo hàng, ông đã không kịp xỏ giày mà đi chân đất ra đón. Đây là ưư điểm hơn hẳn của Tào Tháo so với Lưu Bị và Tôn Quyền. Điều đó cho thấy tài năng, sự thông minh và biết nhìn xa trông rộng của Tào Tháo trong Tam quốc của La Quán Trung.
Bằng việc miêu tả việc làm, hành động, tác giả đã khắc họa một cách sinh động, chân thực tính cách phức tạp, vừa tích cực vừa tiêu cực của nhân vật Tào Tháo. Đây chính là nhân vật được xây dựng thành công nhất Tam quốcvà góp phần tạo nên sức cuốn hút của tác phẩm.