Vùng nguyên liệu chè

Một phần của tài liệu nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chè ở thái nguyên (Trang 28)

Hiện nay, ở Thái Nguyên vẫn chưa quy hoạch vùng nguyên liệu chè mà vẫn đang quy hoạch vùng sản xuất chè an toàn theo dự án QSEAP. Mặc dù, theo khảo sát, chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp có vùng trồng chè riêng, đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy. Còn lại, doanh nghiệp phải thu mua từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu vẫn từ nông dân nhưng không ký hợp đồng thu mua nguyên liệu trực tiếp. Do vậy doanh nghiệp luôn bị động trong khâu sản xuất và quản lý chất lượng. Các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi thu mua nguyên liệu từ bên ngoài do vấp phải sự cạnh tranh lẫn nhau, tranh chấp nguyên liệu, sản xuất chè bán thành phẩm chất lượng thấp để tiêu thụ trước mắt, và không có kế hoạch phát triển lâu dài.

Diện tích trồng chè: Tổng diện tích chè toàn tỉnh hết năm 2014 đạt 20.764 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh năm 2014 đạt 17.617 ha. Diện tích trồng chè toàn tỉnh liên tục tăng trong thời gian qua, bao gồm cả diện tích chè kinh doanh và diện tích chè trồng mới/trồng lại. So với năm 2011, năm 2012 diện tích trồng chè tăng 2,6% nhưng Từ năm 2012 đến 2014, trung bình mỗi năm diện tích chè tăng 5,3%.

Hình 3.1. Diện tích trồng chè ở Thái Nguyên

Nguồn: Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên (2015), Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Đề án nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè tỉnh Thái Nguyên.

Diện tích chè cả vùng tăng lên do phần lớn các hộ dân chuyển đổi từ diện tích trồng lúa sang trồng chè. Lý giải cho điều này, các hộ dân đều cho rằng do trồng chè thu nhập cao hơn trồng lúa và các hoa màu khác. Giá trị sản phẩm của cây chè theo giá hiện hành ước đạt 1.800 tỷ đồng (so với năm 2013 là khoảng 1.100 tỷ đồng), chiếm 27% tổng giá trị sản xuất ngành trồng trọt (so với năm 2013 chiếm 18%) và chiếm 14% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (so với năm 2013 chiếm 10%)3. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng chè: Năm 2011 đạt 82 triệu đồng/ha, đến năm 2014 đạt 95 triệu đồng/ha (tăng 115%). Theo khảo sát, giá trị thu nhập của các hộ trồng chè đạt từ 80 – 100 triệu đồng/ha/năm. Như vậy, cây chè góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân ở Thái Nguyên.

Mặc dù có diện tích trồng chè lớn thứ hai cả nước, nhưng diện tích trồng chè của hộ nông dân nhỏ, thường là dưới 0,2 ha (chiếm 80% tổng số hộ). Do diện tích trồng chè bị “xé lẻ” cho nhiều hộ gây nên khó khăn trong việc quản lý và quy hoạch vùng chè, khó cấp chứng chỉ VietGap để tăng giá trị sản phẩm, chất lượng nguyên liệu sản phẩm sau thu hoạch không được kiểm định.

3

Giống chè: Giống chè đóng vai trò quan trọng vì nó có khả năng tạo ra chất lượng riêng của từng loại chè.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 30 vườn cây chè giống đầu dòng, trên 80 vườn ươm giống chè được công nhận, hàng năm sản xuất từ 40 - 45 triệu cây giống đáp ứng đủ kế hoạch trồng chè của tỉnh giai đoạn 2011 – 2015 (trồng mới và trồng lại 4000 ha).

Năm 2011 cơ cấu giống chè của tỉnh là: Giống Trung Du, chiếm 65,4%; Các giống chè mới chiếm 34,6% diện tích. Năm 2014, cơ cấu giống chè mới chiếm 56,8% so với tổng diện tích chè toàn tỉnh (11.794 ha), trong đó: giống LDP1 7.500 ha, giống Phúc Vân Tiên 1.500 ha, giống Kim Tuyên 1.680 ha, giống TRI777 950 ha, các giống chè mới khác 160 ha (Phụ lục 5).

Hình 3.2. Cơ cấu giống chè

Nguồn: Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên (2015), Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Đề án nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè tỉnh Thái Nguyên.

Số liệu này phản ánh đúng thực tế khảo sát khi mà 100% các hộ được hỏi đang chuyển đổi dần từ giống chè trung dung sang các giống chè mới với tỷ lệ giống mới ở các hộ từ 50 – 60%, cho sản lượng chè cao hơn. Lý giải điều này, các hộ nông dân đều cho rằng giống chè trung du là giống cũ, dễ chăm sóc nhưng giá trị kinh tế không cao. Hiện tại, chè trung du thành phẩm có giá bán khoảng 90.000 đồng/kg, trong khi đó chè giống mới thành phẩm có giá bán gấp đôi.

Nếu như năm 2001, sản lượng chè búp tươi của tỉnh mới đạt 110.636 tấn thì sau hơn 10 năm, sản lượng chè tăng gấp đôi, đạt 192.951 tấn vào năm 2014. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến 2013, sản lượng chè đã tăng 6%. Có được điều này nhờ vào chính sách chuyển đổi giống cây trồng theo Đề án nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè tỉnh Thái Nguyên.

Hình 3.3. Sản lƣợng chè búp tƣơi (tấn)

Nguồn: Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên (2015).

Sản lượng chè tăng đồng nghĩa với năng suất tăng. Tuy nhiên, so với các nước trồng chè khác như Kenya, Ấn Độ, năng suất của Việt Nam nói chung và của Thái Nguyên nói riêng chỉ bằng ½ so với thế giới, do đó trên một đơn vị diện tích trồng chè, hiệu quả kinh tế vẫn thấp, vì thế đời sống của đại đa số nông dân trồng chè vẫn rất thấp.

Hình 3.4. Năng suất chè năm 2013 (tấn/ha)

Nguồn: Tác giả tự tổng hợp từ Faostat và Niên giám thống kê (2013).

Bón phân, thuốc trừ sâu:

Bón phân cho chè là một trong những cách có hiệu quả làm tăng sản lượng và nâng cao phẩm chất hương vị chè. Chè được bón phân hữu cơ có chất lượng tốt nhất so với bón phân vô cơ và không bón. Nhưng việc bón phân cho chè mới được đầu tư ít, lượng phân bón chỉ đạt mức tổi thiểu. Theo khảo sát, các hộ nông dân đều cho rằng khoảng 50% diện tích trồng giống chè trung du không được bón phân đủ vì phần lớn các hộ trồng chè đều có xu hướng sẽ chuyển đổi sang các giống chè mới cho năng suất cao hơn.

Sử dụng thuốc trừ sâu cũng là cách để làm tăng năng suất cũng như sản lượng chè. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm hiện nay là dư lượng thuốc trừ sâu trong chè nguyên liệu còn rất cao, khiến cho chất lượng chè giảm. Các doanh nghiệp xuất khẩu chè cho rằng yếu kém trong kiểm soát chất lượng là một trong những nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu chè của Việt Nam thấp hơn so với giá chè bình quân thế giới.

Một phần của tài liệu nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chè ở thái nguyên (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)