Đánh giá thực trạng tín dụng của Ngân hàng

Một phần của tài liệu một số giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh cầu ngang (Trang 33)

Với phương châm “đi vay để cho vay” do đó Ngân hàng phải sử dụng đồng vốn của mình một cách có hiệu quả. Qua phần phân tích ở trên cho thấy hoạt động tín dụng của Ngân hàng có diễn biến khá tốt. Sự gia tăng doanh số cho vay và doanh số thu nợ trong thời gian qua cho thấy Ngân hàng đã làm tốt công tác thẩm định, mạnh dạn cho vay đối với những đơn vị làm ăn có hiệu quả, có phương án vay vốn và nguồn trả nợ có tính khả thi cao. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động tín dụng thì ta phải dựa vào các chỉ tiêu tài chính như: vòng quay vốn tín dụng, hệ số thu nợ, thời gian thu nợ bình quân. Trước khi đi vào phần đánh giá chúng ta quan sát bảng 4.2.

Hệ số thu nợ

Chỉ tiêu này phản ánh kết quả thu hồi nợ của Ngân hàng cũng như khả năng trả nợ của khách hàng, nó cho biết Ngân hàng sẽ thu bao nhiêu tiền từ một đồng vốn cho vay. Chỉ tiêu này càng cao chứng tỏ công tác thu hồi nợ của Ngân hàng càng tốt, bảo toàn nguồn vốn đem đi đầu tư và ngược lại. Trong những năm qua khả năng thu hồi nợ của Ngân hàng là tương đối tốt, đặc biệt năm 2011 hệ số

Bảng 4.2 Chỉ số đánh giá tín dụng của Ngân hàng qua 3 năm và 6 tháng đầu năm 2013 Chỉ tiêu đvt Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012 6 th/2012 6th/2013 Hệ số thu nợ % 84,40 107,13 89,71 96,80 90,88 Vòng quay vốn tín dụng vòng 1,62 2,17 2,11 1,71 1,32

Thời gian thu nợ

bình quân ngày 221,88 166,18 171,00 105,23 136,00

( Nguồn: Tính toán của tác giả)

này rất cao, đạt 107,13%, nguyên nhân là do năm 2011 các đối tượng vay vốn làm ăn đạt hiệu quả, thêm vào đó thì các khoản nợ năm 2010 đã đến hạn trả nên hệ số thu nợ của Ngân hàng trong năm này rất tốt. Đến năm 2012 thì hệ số này chỉ đạt 89,71% và đến 6 tháng đầu năm 2013 tiếp tục giảm so với 6 tháng đầu năm 2012, nguyên nhân là do một số món vay trung và dài hạn chưa đến hạn thu hồi, thêm vào đó thì doanh số cho vay tăng cao hơn doanh số thu nợ 6 tháng đầu năm 2013 so với 6 tháng đầu năm 2012. Tuy nhiên, ta không thể dựa vào chỉ tiêu này để đánh giá một cách chủ quan về hiệu quả hoạt động tín dụng của Ngân hàng, bởi vì chỉ tiêu này chỉ phản ánh khả năng thu nợ của Ngân hàng đối với doanh số cho vay hằng năm mà thôi.

Vòng quay vốn tín dụng

Đây là chỉ tiêu đo lường tốc độ luân chuyển vốn tín dụng nhanh hay chậm, chỉ tiêu này càng lớn thì hiệu quả hoạt động tín dụng càng cao. Ta thấy vòng quay vốn tín dụng của Ngân hàng qua 3 năm có sự gia tăng nhưng không cao lắm và có xu hướng giảm nhẹ vào 6 tháng đầu năm 2013, đây là một kết quả đáng khích lệ cho hoạt động tín dụng của Ngân hàng. Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này là do khách hàng chủ yếu vay ngắn hạn để bổ sung nguồn vốn tạm thời thiếu hụt nên đồng vốn của Ngân hàng được luân chuyển nhanh hơn. Đến 6 tháng đầu năm 2013 chỉ tiêu này có xu hướng giảm là do đa phần các hộ nông dân nuôi tôm sú trong giai đoạn này bước vào vụ nuôi nên họ thường đi vay nhiều hơn là trả nợ, điều này đã làm cho vòng quay vốn tín dụng có sự sụt giảm vào đầu năm 2013.

Thời gian thu nợ bình quân

Đây là chỉ tiêu dùng để đánh giá hoạt động tín dụng trên cơ sở phản ánh thời gian thu nợ nhanh hay chậm trên số tiền mà Ngân hàng đã phát vay cho khách hàng. Chỉ tiêu này càng nhỏ thì khả năng thu hồi nợ của Ngân hàng càng cao, tốc độ luân chuyển vốn của Ngân hàng càng nhanh. Ta thấy chỉ tiêu này có sự dao động qua các năm. Cụ thể, năm 2010 thời gian thu nợ bình quân là 221,88 ngày, đến năm 2011 giảm còn 166,18 ngày. Đạt được kết quả này là do công tác thu hồi nợ của Ngân hàng trong năm 2011 là khá tốt. Nhưng chỉ tiêu này lại có sự gia tăng trở lại vào năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013. Nguyên nhân của sự gia tăng này là do doanh số cho vay biến động cao hơn doanh số thu nợ nên kéo theo dư nợ bình quân cao. Tuy có sự gia tăng nhưng với thời gian thu nợ này cho thấy Ngân hàng hoạt động khá tốt.

Qua việc phân tích các chỉ tiêu trên ta có thể kết luận rằng hoạt động tín dụng của Ngân hàng trong những năm qua là khá hiệu quả, tuy gặp không ít khó khăn như sự biến động của nền kinh tế, lạm phát, sự biến động của lãi suất… nhưng quy mô tín dụng của Ngân hàng ngày càng được mở rộng, doanh số cho vay tăng liên tục qua các năm, công tác thu nợ đạt hiệu quả. Kết quả này sẽ làm nền tảng và định hướng cho Ngân hàng trong thời gian tới ngày càng tốt và hiệu quả hơn, góp phần làm tăng uy tín của Ngân hàng đối với nhân dân Huyện Cầu Ngang.

Một phần của tài liệu một số giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh cầu ngang (Trang 33)