Quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề

Một phần của tài liệu Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 64)

Cũng như không khí và ánh sáng, nước là nguồn tài nguyên không thể thiếu được trong đời sống của con người. Nước là nhu cầu cấp thiết không thể thiếu cho sự sinh tồn của con người. Nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt đồng thời nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong sản xuất công nghiệp. Chính vì vậy, được tiếp cận với nguồn nước và sử dụng nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh là quyền quan trọng của mỗi người dân. Quyền cấp nước và quyền thoát nước thải luôn luôn gắn liền với nhau và tồn tại song hành cùng nhau và đó là một trong những quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, trên thực tế, có những bất động sản do vị trí tự nhiên của nó mà chủ sở hữu, người sử dụng không thể tiếp cận với nguồn nước, nơi thoát nước để đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất của chủ sở hữu và đảm bảo cho việc khai thác, sử dụng công dụng của bất động sản đó.

Điều 277 BLDS 2005 quy định về quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề như sau :

Trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy. Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại [21, Điều 277].

Để đảm bảo cho người dân có thể sử dụng nước sạch và xả nước thải theo đúng quy định vào hệ thống xả thải công cộng thì nhà nước thừa nhận quyền sử

dụng hạn chế bất động sản liền kề của chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc mà không thể tiếp cận được với cơ sở hạ tầng cấp và thoát nước và cần thiết phải phiền lụy một trong các bất động sản liền kề để đảm bảo nhu cầu cấp, thoát nước của mình thông qua việc tác động trực tiếp lên bất động sản liền kề. Tuy nhiên, do đặc tính nguồn nước và địa hình mà quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ dân sự này có sự khác biệt nhất định, cụ thể như sau :

- Đối với chủ sở hữu bất động sản liền kề có nghĩa vụ cho phép việc cấp, thoát nước; Không được cản trở và ngăn chặn dòng chảy đồng thời phải tạo điều kiện cho việc cấp, thoát nước được thuận lợi.

Quyền được cấp, thoát nước có thể được chia ra làm hai loại : Quyền được cấp nước do vị trí tự nhiên và quyền được thoát nước do vị trí tự nhiên.

2.2.3.1. Quyền được cấp nước do vị trí tự nhiên

Do vị trí tự nhiên mà một bất động sản không tiếp giáp trực tiếp với nguồn nước tự nhiên hoặc cơ sở hạ tầng cấp nước sạch trong các khu dân cư thì chủ sở hữu bất động sản có quyền yêu cầu các chủ sở hữu bất động sản liền kề cho sử dụng bất động sản của họ để tiếp cận với nguồn cấp nước hoặc nguồn nước. Điều này được hiểu là do vị trí tự nhiên mà một bất động sản bị vây bọc và không thể tiếp cận được với nguồn cấp nước để sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh. Việc cấp nước sinh hoạt trong các khu dân cư có thể được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau tùy thuộc vào vị trí tự nhiên của bất động sản mà chủ sở hữu đó đang sử dụng hoặc bất động sản lại có vị trí nằm trong một khu dân cư đông đúc, khu đô thị lớn hoặc chung cư. Một chủ sở hữu có thể tự mình giải quyết vấn đề cấp nước sinh hoạt bằng cách tự cung cấp như khoan giếng, đào giếng hoặc tích trữ nguồn nước tự nhiên khác hoặc chủ sở hữu đó có thể sử dụng đường cấp nước của các công ty kinh doanh nước sinh hoạt tại địa điểm mà bất động sản tọa lạc. Các chủ sở hữu bất động sản có thể khai thác nước ngầm dưới mảnh đất thuộc quyền sử dụng của mình để sử dụng trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất kinh doanh. Hiện nay, việc cung cấp nước sạch thuộc về các doanh nghiệp công ích có thu thực hiện và việc kinh doanh nước sạch là hoạt động kinh doanh đặc biệt vì nước sạch là một loại hàng hóa

đặc biệt không thể thiếu trong đời sống của con người. Các công ty kinh doanh nước sạch tư nhân còn rất ít và chỉ cung cấp một phần nhỏ nhu cầu tiêu dùng về nước sạch của người dân. Ở thành phố và các khu vực đông dân cư chủ yếu người dân sử dụng nước sạch do các công ty nước sạch cung cấp và hai bên k ý kết hợp đồng cung ứng nước sạch. Việc lắp đặt hệ thống đường dẫn nước qua bất động sản thuộc sở hữu của người khác thuộc nghĩa vụ của công ty cung cấp nước sạch. Khi đường cấp nước do công ty cung cấp nước sạch lắp đặt đến những vị trí xác định thì từ vị trí này đến hộ gia đình có nhu cầu sử dụng nước, nếu phải đi qua bất động sản liền kề xung quanh thì hộ sử dụng nước có quyền yêu cầu các chủ sở hữu bất động sản liền kề đáp ứng yêu cầu của họ.

Ở nông thôn hiện nay đa số người dân vẫn sử dụng các nguồn nước tự nhiên như nước ngầm, nước mưa bằng cách khoan, đào giếng, sử dụng bể chứa nước mưa. Trong trường hợp này, chủ sở hữu bất động sản có nhu cầu cấp nước tự nhiên phải thực hiện nghĩa vụ đảm bảo an toàn đối với công trình xây dựng liền kề theo Điều 268 BLDS 2005:

Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng các công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định.

Trong trường hợp công trình có nguy cơ đe doạ sự an toàn bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ công trình phải thực hiện ngay các biện pháp khắc phục; nếu gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh thì phải bồi thường. [21, Điều 268].

2.2.3.2. Quyền được thoát nước do vị trí tự nhiên

Quyền được thoát nước do vị trí tự nhiên bao gồm quyền thoát nước tự nhiên và quyền thoát nước do tác động của con người.

Vấn đề thoát nước ở nông thôn và thành phố, các khu đông dân cư cũng có sự khác biệt đáng kể. Ở thành phố do mật độ dân số đông, quy đất hạn chế nên khi thoát nước, người ta làm các đường ống thoát nước và cho chảy vào cống thoát nước công cộng. Còn ở nông thôn các hộ gia đình đa số để nước thải và nước mưa

thoát tự nhiên trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình mà không phải xây dựng hệ thống đường ống dẫn nước thải. Theo TS. Phạm Công Lạc thì:

Thoát nước tự nhiên được hiểu là thoát nước từ nguồn nước được tạo bởi tự nhiên (nước mưa, nước ngầm trào lên mặt đất, nước của các dòng chảy tự nhiên...) mà không có sự tác động của con người hoặc vượt quá khả năng kiểm soát của con người [17, tr185]

Quyền thoát nước tự nhiên

Điều 269 BLDS 2005 quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa: “Chủ sở hữu nhà phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề” [21, Điều 269]. Mưa là một hiện tượng tự nhiên diễn ra theo quy luật và không phụ thuộc vào chí của con người. Theo tập quán Việt Nam ở các vùng nông thôn người ta thường treo máng nước dưới giọt ranh để hứng nước mưa nghiêng về phần đất nhà mình để tránh nước mưa từ mái nhà của mình chảy trực tiếp sang nhà người khác. Quy định này có nghĩa chủ sở hữu bất động sản liền kề không để nước mưa chảy trực tiếp sang phần đất của người khác. Trong trường hợp nước mưa chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp do địa hình thì chủ sở hữu bất động sản có nước mưa chảy qua không được ngăn cản dòng chảy tự nhiên của nước mưa và việc thoát nước theo quy luật tự nhiên không thuộc quy định tại điều 269 BLDS. Điều 277 BLDS 2005 quy định “Trong trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại” [21, Điều 277].

Cũng quy định về vấn đề này, Điều 218 BLDS Nhật Bản quy định : “Chủ sở hữu của vùng đất không có quyền xây bất cứ mái nhà hay công trình có thể làm nước mưa rơi thẳng vào vùng đất lân cận” [32, Điều 218]. Quy định này được hiểu chủ sở hữu chỉ được quyền xây dựng các công trình trong phạm vi đất thuộc quyền sở hữu của mình mà không được lấn sang đất thuộc sở hữu của người khác và làm nước mưa rơi thẳng vào đất của họ. Đối chiếu với quy định tại điều 269 BLDS Việt Nam thì luật của chúng ta không dùng quy phạm cấm mà dùng quy phạm hướng

dẫn và nghĩa vụ không cho nước mưa rơi thẳng vào bất động sản liền kề là nghĩa vụ của chủ sở hữu bất động sản lân cận.

Hiện tượng nước mưa chảy từ bất động sản này sang bất động sản khác là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên. Để khắc phục được điều này và tránh tranh chấp sảy ra giữa các chủ sở hữu bất động sản thì chủ sở hữu nhà phải lắp đặt đường ống dẫn nước, tránh để nước mưa chảy xuống bất động sản liền kề của chủ sở hữu khác.

Quyền thoát nước do tác động của con người

Điều 270 BLDS 2005 quy định nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải:

Chủ sở hữu nhà phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng làm ô nhiễm môi trường[21, Điều 270].

Hiện nay, do nước thải thải ra môi trường không được xử lý hoặc xử l ý không triệt để dẫn tới hậu quả là ô nhiễm môi trường. Đáng báo động là tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt do nhiễm một số kim loại nặng dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống sinh hoạt của con người. Do vậy, việc thoát nước thải phải tuân thủ những quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và không để nước thải chảy tràn lan trên mặt đất. Cụ thể, chủ sở hữu có nghĩa vụ phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để thoát nước thải đúng nơi quy định, đảm bảo cho quá trình thu gom và xử lý nước thải. Nếu bất động sản bị vây bọc mà không thể dẫn nước thải trực tiếp ra nơi quy định thì có thể sử dụng bất động sản thuộc sở hữu của chủ sở hữu khác để làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước và các chủ sở hữu bất động sản đó phải có nghĩa vụ dành một lối cấp thoát nước thích hợp. Trong trường hợp chủ sở hữu bất động sản có nhu cầu thoát nước xây dựng đường dẫn nước hoặc làm rãnh thoát nước mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua.

Đối với chủ sở hữu bất động sản có nhu cầu cấp, thoát nước có nghĩa vụ nhất định đối với chủ sở hữu bất động sản liền kề đã cho phép hệ thống cấp, thoát nước

chảy qua như: phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; Nếu không có các biện pháp thích hợp trong quá trình xây dựng, sử dụng hệ thống cấp, thoát nước hoặc để nước chảy qua gây thiệt hại thì phải bồi thường theo trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào yếu tố lỗi của chủ thể vi phạm. Việc cấp nước thông thường được thực hiện thông qua hợp đồng cung cấp nước giữa bên cung cấp nước và bên sử dụng nước, trong đó bên cung cấp nước là công ty nước sạch có nghĩa vụ lắp đặt hệ thống cấp nước cho bên được cấp nước. Chính vì vậy, nếu thiệt hại sảy ra cho chủ sở hữu bất động sản có thiết bị cấp nước đi qua thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định cho chủ thể là các công ty cung cấp nước chứ không phải là chủ sở hữu bất động sản có nhu cầu sử dụng nước. Trong trường hợp bên được cung cấp nước tự lắp đặt các thiết bị cấp nước mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có đường dẫn nước đi qua thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Một phần của tài liệu Quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề theo pháp luật Việt Nam hiện nay (Trang 64)