Vướng mắc trong việc nhận thức về vị trí, vai trò của việc xóa án tích:

Một phần của tài liệu Xóa án tích theo qui định của pháp luật (Trang 80)

Thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về xóa án tích cho thấy, về cơ bản Bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật, cụ thể là hướng dẫn việc xóa án tích đã quy định khá cụ thể, chi tiết, rõ ràng về điều kiện, trình tự thủ tục để tiến hành xóa án tích đối với người đã bị Tòa án kết án. Tuy nhiên, trên thực tế, số người xin xóa án tích rất ít, có nhiều địa phương, nhiều Tòa án có năm không giải quyết trường hợp xin xóa án tích nào. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao những người có đủ điều kiện xóa án tích lại không xin xóa án tích? Theo con số thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên từ năm 1998 đến tháng 4 năm 2006, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện việc cấp chứng nhận xóa án tích cho mười bẩy trường hợp và chiếm đến trên 90% trong số các trường hợp này là xóa án tích cho người được hưởng án treo. Tuy nhiên, trong các trường hợp xin xóa án tích này đều thuộc dạng đương nhiên xóa án tích, không có một trường hợp nào thuộc dạng xóa án tích theo quyết định của Tòa án. Con số này quả là quá nhỏ so với số lượng án mà Tòa án đưa ra xét xử hàng năm. Thắc mắc về vấn đề này, tôi có trao đổi với người trực tiếp thực hiện công tác thi hành án hình sự trong đó có việc thực hiện xóa án tích cho người bị kết án và đã nhận được câu trả lời là thực tế người bị kết án chưa nhận thức được vị trí, vai trò của việc xóa án tích; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hình sự nói chung và những quy định về xóa án tích nói riêng chưa được quan tâm đúng mức...

Qua nghiên cứu tình hình thực tế áp dụng các quy định của pháp luật hình sự về xóa án tích của các Tòa án, cũng như qua việc thăm dò ý kiến của

những người đã bị kết án đã xin xóa án tích hoặc không quan tâm đến việc xin xóa án tích, chúng ta có thể rút ra một số lý do chính như sau:

Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật của

chúng ta chưa được quan tâm đúng mức. Pháp luật hình sự, mà cụ thể hơn là những quy định của pháp luật hình sự về xóa án tích chưa tới được từng người bị kết án cũng như gia đình và người thân của họ. Do đó, họ chưa nhìn thấy được ý nghĩa, giá trị đích thực và vai trò to lớn của việc xóa án tích trong bước đường tương lai của họ. Hơn nữa, trong suy nghĩ của người đã từng bị kết án và chấp hành xong hình phạt, không một người nào có thể nghĩ rằng mình sẽ phạm tội mới để xin xóa án tích cũ. Trừ những kẻ phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, coi việc phạm tội là một nghề nghiệp để kiếm sống. Đối với những kẻ phạm tội này, sự cải tạo, giáo dục của trại giam đối với chúng chưa thực sự có hiệu quả, và những tên này thường là chưa có đủ điều kiện để xóa án tích mà đã phạm tội mới. Thực tế công tác xóa án tích tại các Tòa án cho thấy, đại đa số những người bị kết án, đã chấp hành xong hình phạt, có đầy đủ các điều kiện để được xóa án tích nhưng không xin xóa án tích. Việc không xin xóa án tích của những người này không phải là do họ không thích được xóa án tích, mà họ chưa hiểu đúng bản chất pháp lý của việc xóa án tích và đồng thời họ cũng thấy thủ tục xóa án tích quá nhiều thủ tục, giấy tờ phức tạp. Họ nhìn nhận vấn đề xóa án tích như một thủ tục hành chính và thực tế người dân Việt Nam thường có cảm giác ngại hoặc sợ khi vướng mắc vào những thủ tục hành chính. Hơn nữa, những người đã có án thường có tâm lý mặc cảm với xã hội, họ không tự tin vào chính bản thân mình để hòa nhập với cuộc sống đời thường.

Thứ hai, chính những quy định của Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng

hình sự cũng chưa phù hợp và chưa hợp lý. Sự phân biệt giữa người phạm tội ít nghiêm trọng và người phạm tội rất nghiêm trọng là cần thiết đối với công tác lập pháp và đường lối trừng trị kẻ phạm tội, nhưng lại không cần đối với người đã chấp hành xong hình phạt tù và các hình phạt bổ sung khác. Theo chúng tôi, Bộ luật hình sự không cần quy định thành hai loại xóa án tích riêng biệt (đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án) mà chỉ cần quy định một loại xóa án tích. Điều này cũng phù hợp với thông lệ chung của pháp luật hình sự thế giới. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, của tội phạm mà người đó thực hiện và hình phạt đối với họ để quy định điều kiện đối với từng trường hợp khác nhau. Nếu một người có đủ các điều kiện do pháp luật quy định thi coi như ho đã được xóa án tích.

Thực tiễn công tác xét xử cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, tòa án và viện kiểm sát) chỉ quan tâm đến người phạm tội đã được xóa án tích hay chưa, vì nó liên quan đến việc xác định tình trạng tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm đối với người phạm tội. Nếu căn cứ vào Điều 65 Bộ luật hình sự năm 1999 thì người được tòa án ra quyết định xóa án tích mới không bị coi là là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm, nhưng thực tế để công bằng, các Tòa án chỉ căn cứ vào điều kiện xin xóa án tích để xác định người phạm tội có tái phạm hay không. Chẳng hạn, trường hợp C và D đầu bị kết án bảy năm tù và đều không phạm tội mới trong thời hạn bảy năm kể từ khi chấp hành xong bản án. Cả hai đều đủ điều kiện để được xóa án tích, nhưng trên thực tế chỉ có C xin xóa án tích và được Tòa án quyết định xóa án tích cho C, còn D không xin xóa án tích. Sau đó, C và D đều phạm tội lạm dụng

tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân theo quy đinh tai khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999, nhưng vì D chưa được Tòa án quyết định xóa án tích nên thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm và bị xử theo khoản 2 Điều 140, có thể bị phạt đến bảy năm tù, còn C chỉ có thể bị phạt mức cao nhất là ba năm tù.

Một phần của tài liệu Xóa án tích theo qui định của pháp luật (Trang 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w