Mô hình sơ khai nhất của bảo hiểm TDXK ở Việt Nam là Quỹ bảo hiểm xuất khẩu của Hiệp hội cao su Việt Nam. Tháng 12/2006, trước tình hình giá cả thường xuyên biến động lớn, nhằm giúp hội viên giảm thiểu rủi ro về giá, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã thành lập Quỹ bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng cao su; cơ sở để Hiệp hội Cao su Việt Nam thành lập Quỹ này là Quyết định số 110/2002/QĐ-TTg ngày 21/8/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập, sử dụng và quản lý Quỹ bảo hiểm xuất khẩu ngành hàng. Nguồn thu của Quỹ là từ 1% doanh thu xuất khẩu của các hội viên tham gia vào Quỹ. Mục đích của Quỹ là khắc phục và hạn chế rủi ro trong xuất khẩu cao su do thay đổi giá, thị trường mới chưa ổn định, rủi ro trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu. Quỹ còn hỗ trợ cho hội viên vay trung và ngắn hạn để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu cao su, cũng như hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, do giá cả thuận lợi nên Quỹ chưa sử dụng cho trường hợp rủi ro về giá mà chủ yếu hỗ trợ Hội viên chịu rủi ro do thiên tai làm hư hại vườn cây, gây ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu [32].
Năm 2007, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh đã triển khai bảo hiểm tín dụng trong khuôn khổ hợp tác với Coface SA (tổ chức bảo hiểm TDXK của Pháp), một trong những tổ chức TDXK hàng đầu thế giới. Mặc dù thuận lợi là việc có sự hỗ trợ của Coface trong vấn đề đánh giá rủi ro, về việc chuyển giao kinh nghiệm chuyên môn, Bảo Minh cũng chỉ được vài đơn hàng nhỏ lẻ. Bởi vì Bảo Minh gặp phải những khó khăn là hạn chế về năng lực đánh giá rủi ro nên vẫn phụ thuộc nhiều vào Coface và đặc biệt là
nhận thức của các doanh nghiệp xuất khẩu chưa coi bảo hiểm tín dụng là một công cụ tài chính hữu hiệu [44].
Ngày 05/11/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 2011/2010/QĐ – TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm TDXK trong giai đoạn 2011 – 2013. Mục tiêu của chương trình thực hiện thí điểm bảo hiểm TDXK là đưa ra sản phẩm nghiệp vụ bảo hiểm mới (sản phẩm bảo hiểm là bảo hiểm TDXK ngắn hạn) góp phần bảo hiểm rủi ro trong thanh toán cho thương nhân xuất khẩu, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Tất cả các thương nhân xuất khẩu đều được khuyến khích tham gia bảo hiểm TDXK, trong đó khuyến khích thương nhân xuất khẩu các mặt hàng thuộc hai nhóm hàng: Nhóm 1 gồm thủy sản, gạo, cà phê, rau quả, cao su, hạt tiêu, nhân điều, chè, sắn và các sản phẩm từ sắn và nhóm 2 gồm dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện máy tính, gốm sứ, thủy tinh, mây tre cói và thảm, sản phẩm gỗ, sản phẩm chất dẻo, dây điện và cáp điện, xe đạp và phụ tùng, túi xách vali mũ ô dù, sản phẩm từ sắt thép, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải (Tổng cộng là 23 nhóm mặt hàng, trong đó nhóm 1 gồm 9 nhóm mặt hàng và nhóm 2 gồm 14 nhóm mặt hàng). Tiếp đó, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm TDXK, đó là: Thông tư số 99/2011/TT – BTC ngày 07/7/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý tài chính đối với việc thực hiện thí điểm bảo hiểm TDXK, Quyết định số 1626/QĐ – BTC ngày 07/7/2011 của Bộ Tài chính về việc ban hành tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm triển khai thí điểm bảo hiểm TDXK, Quyết định số 2170/QĐ – BTC ngày 09/9/2011 về việc công bố danh sách doanh nghiệp bảo hiểm được lựa chọn triển khai thí điểm bảo hiểm TDXK, Quyết định số 2766/QĐ – BTC ngày 16/11/2011 về việc ban hành Quy tắc chung bảo hiểm TDXK. Theo đó, thương nhân tham gia bảo hiểm TDXK được hỗ trợ 20% phí bảo hiểm gốc của hợp đồng bảo
hiểm TDXK; doanh nghiệp bảo hiểm được hỗ trợ chi phí nghiên cứu xây dựng Quy tắc bảo hiểm TDXK; chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo phục vụ việc ban hành Quy tắc bảo hiểm TDXK; chi phí cài đặt phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm TDXK; chi phí thiết kế sản phẩm bảo hiểm TDXK; chi phí đào tạo, hội thảo, tuyên truyền về bảo hiểm TDXK. Bảy doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được lựa chọn triển khai thí điểm bảo hiểm TDXK đó là: Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Công ty liên doanh bảo hiểm Bảo Việt Tokio Marine, Công ty Bảo hiểm QBE Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm Chartis Việt Nam và Công ty bảo hiểm Liên hiệp. Căn cứ một số điểm hướng dẫn về Quy tắc chung bảo hiểm TDXK do Bộ Tài chính ban hành, các doanh nghiệp bảo hiểm được lựa chọn triển khai thí điểm bảo hiểm TDXK xây dựng quy tắc bảo hiểm TDXK và trình Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi thực hiện. Ngày 31/12/2013, chương trình thí điểm bảo hiểm TDXK đã kết thúc. Qua ba năm thực hiện, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan là Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, cùng các công ty bảo hiểm, các công ty xuất khẩu, chương trình đã đạt được những kết quả nhất định.
Kết thúc thời gian thí điểm, các doanh nghiệp bảo hiểm đã cấp được tổng số 46 hợp đồng bảo hiểm trong đó có 23 hợp đồng bảo hiểm TDXK và 23 hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp bảo hiểm cho cả doanh thu xuất khẩu và doanh thu bán hàng nội địa (trong đó có một số hợp đồng do tính chất cấp theo tổng doanh thu bán hàng trong năm của thương nhân nên không thể tách riêng phần xuất khẩu và phần nội địa) với tổng kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 12.592 tỷ đồng, tổng phí bảo hiểm thu được là 17,23 tỷ đồng, tổng số tiền bồi thường là 13,33 tỷ đồng. Cụ thể như sau:
- Năm 2011: các doanh nghiệp bảo hiểm cấp được 12 hợp đồng (trong đó có 07 hợp đồng bảo hiểm TDXK, 05 hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp), tổng kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 2.328 tỷ đồng, phí bảo hiểm thu được là 5,27 tỷ đồng, bồi thường 6,44 tỷ đồng.
- Năm 2012: 15 hợp đồng (trong đó có 06 hợp đồng bảo hiểm TDXK, 09 hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp), tổng kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 3.485 tỷ đồng, phí bảo hiểm thu được là 4,35 tỷ đồng, bồi thường 6,89 tỷ đồng.
- Năm 2013: 19 hợp đồng (trong đó có 10 hợp đồng bảo hiểm TDXK, 09 hợp đồng bảo hiểm hỗn hợp), kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm là 6.779 tỷ đồng, phí bảo hiểm thu được là 7,61 tỷ đồng, chưa phát sinh bồi thường. [17].
Bên cạnh những kết quả đạt được, do là một loại hình sản phẩm mới nên việc triển khai bảo hiểm TDXK cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Về phía doanh nghiệp bảo hiểm
- Doanh nghiệp bảo hiểm chưa có nhiều kinh nghiệm đối với bảo hiểm TDXK, việc bố trí vốn đầu tư chưa nhiều, lực lượng cán bộ mỏng, trình độ cán bộ còn hạn chế. Các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước không có hệ thống dữ liệu thông tin tín dụng ở trong nước và nước ngoài và phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các tổ chức tín dụng xuất khẩu (ECA) quốc tế trong quá trình thu thập, đánh giá thông tin người mua phục vụ cho công tác đánh giá rủi ro và nhận bảo hiểm. Bên cạnh đó, quy trình quản lý, theo dõi hợp đồng bảo hiểm TDXK (cấp và theo dõi hạn mức tín dụng cho người mua) cũng như công tác xử lý khiếu nại, bồi thường rất phức tạp, yêu cầu nhân sự phải được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ. Điều này đòi hỏi phải đầu tư nhiều về cả thời gian và công sức. Do vậy, các
doanh nghiệp bảo hiểm trong nước chưa đủ nguồn lực và trình độ để tự triển khai bảo hiểm TDXK nên hầu hết đều phải hợp tác với các ECA quốc tế (Coface, Euler Hermes, Atradius) để tận dụng trình độ, kinh nghiệm, cơ sở dữ liệu và công nghệ thông tin của đối tác nước ngoài để có thể triển khai bảo hiểm TDXK. Các doanh nghiệp bảo hiểm có công ty mẹ là tổ chức bảo hiểm lớn của nước ngoài như Công ty TNHH bảo hiểm AIG Việt Nam (Công ty TNHH bảo hiểm Chartis Việt Nam), Công ty bảo hiểm QBE Việt Nam có cán bộ chuyên trách về bảo hiểm tín dụng, được sự hỗ trợ thường xuyên của công ty mẹ về nghiệp vụ cũng như được sự hỗ trợ về hệ thống quản lý bản chào, cấp đơn và tìm kiếm thông tin Người mua từ công ty mẹ.
- Bảo hiểm TDXK khác với bảo hiểm thương mại truyền thống là bồi thường cho những thiệt hại từ rủi ro kinh doanh (như hối đoái, mất khả năng thanh toán) và rủi ro chính trị, không phải những rủi ro mang tính bất ngờ, không lường trước được như thiên tai, tai nạn... Như vậy, trong khi bảo hiểm thương mại phụ thuộc rất lớn vào công tác quản trị rủi ro tốt thì bảo hiểm TDXK lại phụ thuộc rất lớn vào bên thứ ba, nên các doanh nghiệp bảo hiểm thông thường không dám mạo hiểm với sản phẩm này.
- Số lượng khách hàng tham gia bảo hiểm TDXK chưa nhiều, nếu nhận bảo hiểm cho các đối tượng này thì xác suất xảy ra tổn thất là rất lớn, không đáp ứng nguyên tắc số đông bù số ít, nên không hấp dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm. Do vậy, tỷ lệ tổn thất đối với bảo hiểm TDXK trong giai đoạn đầu triển khai tương đối cao.
Về phía người mua bảo hiểm
Thương nhân xuất khẩu chưa có thói quen mua bảo hiểm TDXK, thay vào đó, họ đã rất quen với các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu hay các hình thức thanh toán khác như mở thư tín dụng, điện chuyển tiền,… Đồng thời,
do chưa nhận thức được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm TDXK mà lại quan niệm mua bảo hiểm TDXK sẽ làm tăng chi phí, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm xuất khẩu và làm giảm lợi thế cạnh tranh; hoặc thương nhân xuất khẩu chủ quan vào khả năng đánh giá độ tin cậy của bạn hàng sẽ tạo ra tâm lý không muốn tham gia bảo hiểm TDXK.
Về phía cơ quan quản lý
Công tác tuyên truyền, tập huấn, đào tạo của Bộ Tài chính, Bộ Công thương đã triển khai nhiều, song đối tượng tham gia của thương nhân còn ít, chưa thực sự quan tâm đến loại hình bảo hiểm mới này, vì vậy làm hạn chế kết quả đào tạo, tập huấn.
Bên cạnh đó, bảo hiểm TDXK liên quan chặt chẽ với ngân hàng. Tuy nhiên các ngân hàng cũng chưa yêu cầu tổ chức sản xuất, xuất khẩu phải có bảo hiểm TDXK như một khoản bảo đảm tiền vay. Sự phối hợp, gắn kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm trong bảo hiểm TDXK chưa được quan tâm.
Để hoạt động bảo hiểm TDXK thực sự hỗ trợ cho doanh nghiệp và gia tăng kim ngạch xuất khẩu, các Bộ, ngành liên quan đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp cụ thể hơn cho mô hình này. Bộ Tài chính đã đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm hoàn thiện quy tắc, điều khoản bảo hiểm TDXK và triển khai hoạt động này theo nguyên tắc tự nguyện; nhà nước không tiếp tục hỗ trợ phí bảo hiểm cho thương nhân. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cần nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm TDXK tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho thương nhân về mô hình này. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước khi xây dựng chính sách chế độ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu nhà nước hoặc tín dụng thương mại nên đưa nội dung quy định này trong cơ chế chính sách. Ngoài ra, để khuyến khích
các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm TDXK, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, sửa đổi cơ chế chính sách trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi áp dụng cho các doanh nghiệp theo hướng cho phép các doanh nghiệp nếu tham gia bảo hiểm TDXK thì không phải trích dự phòng nợ phải thu khó đòi [17].
Mục tiêu của Chương trình thí điểm bảo hiểm TDXK giai đoạn 2011 – 2013 là đến cuối năm 2013, đạt tối đa 3% kim ngạch xuất khẩu được bảo hiểm TDXK [48] nhưng trong quá trình thực hiện thí điểm bảo hiểm TDXK giá trị kim ngạch xuất khẩu tham gia bảo hiểm còn thấp so với mục tiêu và so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (năm 2011 đạt 0,19%, năm 2012 đạt 0,25%) [24].
Có thể nói, hoạt động bảo hiểm TDXK đã được Nhà nước quan tâm đẩy mạnh, song vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai nên bảo hiểm TDXK vẫn chưa phát huy được vai trò là công cụ hỗ trợ xuất khẩu hữu hiệu ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.