Mô hình của chính phủ bao gồm: (i) Mô hình trực tiếp; (ii) Mô hình gián tiếp; (iii) Mô hình kết hợp
Mô hình trực tiếp: Hoạt động bảo hiểm TDXK theo mô hình này có nghĩa là chính phủ sẽ thành lập một bộ phận đặc biệt chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động này và chính phủ sẽ chịu tất cả các khoản rủi ro của hoạt động TDXK. Đặc điểm của mô hình này là có sự tham gia rất sâu của
chính phủ. Nó phục vụ trực tiếp cho chính sách xuất khẩu của quốc gia và có sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính của chính phủ. Các nước thực hiện mô hình này là Anh, Nhật Bản, Đan Mạch, Thụy Sĩ…
Mô hình gián tiếp: Trong mô hình này, chính phủ đầu tư để thành lập một thực thể kinh tế tài chính độc lập để thực hiện các vấn đề liên quan đến hoạt động bảo hiểm TDXK. Chính phủ chỉ chịu trách nhiệm hình thành các cơ chế, quy định về quản lý và hỗ trợ tài chính thay vì quản lý trực tiếp. Đặc điểm nổi bật của mô hình này là sự linh hoạt trong quản lý. Các nước đi theo mô hình này gồm Canada, Úc…
Mô hình kết hợp: Đặc điểm của mô hình này là các doanh nghiệp bảo hiểm là các công ty cổ phần, trong đó các cơ quan của chính phủ hoặc các tổ chức công chiếm hơn một nửa số cổ phần. Do đó chính phủ kiểm soát các hoạt động của công ty như là cổ đông lớn nhất. Hoạt động của công ty được chia làm hoạt động vận hành tư và các hoạt động vận hành theo luật. Trong đó các hoạt động vận hành tư chủ yếu tập trung vào bảo hiểm TDXK ngắn hạn còn hoạt động vận hành theo luật thì bao gồm bảo hiểm TDXK trung và dài hạn, bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm cho các rủi ro đầu tư và bảo hiểm cho các rủi ro tỷ giá. Các tổn thất do các hoạt động vận hành theo luật sẽ do chính phủ chi trả. Vì lý do này, các công ty thường có hai tài khoản hoạt động, tài khoản quốc gia và tài khoản thương mại. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm TDXK thực hiện theo mô hình này, điển hình là ở Pháp.